Liên tục chương trình, mời quý thính giả theo dõi Chân Dung Người Tù Lương Tâm Nguyễn Văn Hóa do Thúc Lân biên soạn qua giọng đọc của Bảo Trân.
Nguyễn Văn Hóa được biết đến là một phóng viên video cho Đài Á Châu
Tự do (RFA) và một số hãng tin khác tại hải ngoại. Anh là người đầu tiên
sử dụng flycam ghi lại hình ảnh các cuộc biểu tình của người dân Hà
Tĩnh phản đối Formosa xả thải và gây thảm hoạ môi trường ở ven biển miền
Trung từ năm 2016. Ngày 11/1/2017, Nguyễn Văn Hóa bị bắt khi đang quay
phóng sự gần khu vực tòa án thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Công an Hà Tĩnh vu
cáo Hóa tàng trữ ma túy trong người và 9 ngày sau mới thông báo cho gia
đình anh về vụ bắt giữ. Tuy nhiên, ban đầu Hóa bị tạm giữ với lý do vi
phạm điều 258 BLHS năm 1999 “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm
lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Tuy nhiên sau đó, nhà cầm quyền lại chuyển tội danh cho Hóa từ lợi dụng
các quyền tự do dân chủ sang “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt
Nam” theo điều 88 BLHS năm 1999. Trong thời gian giam giữ, Hoá đã bị tra
tấn và bị ép buộc nhận tội trên truyền hình.
Từ việc vu cáo Hóa tàng trữ chất ma túy, ép lên truyền hình nhận tội
rồi đến việc thay đổi tội danh như chong chóng cho thấy nhà cầm quyền
cộng sản Việt Nam không những vô pháp, chà đạp nhân quyền mà còn tỏ ra
rất lúng túng khi phải đối mặt với làn sóng phản kháng ngày một dâng cao
trong dân chúng vào thời điểm giờ.
Ngày 27/11/2017, Nguyễn Văn Hóa bị tòa án cộng sản tuyên 7 năm tù
giam, 3 năm quản chế với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”
Sau khi bị đưa ra xét xử, Nguyễn Văn Hóa được chuyển đến nhà tù Trại
giam An Điềm, Quảng Nam, nơi đang giam cầm một số tù nhân lương tâm nổi
tiếng như Hoàng Bình, Nguyễn Bắc Truyển…
Nguyễn Văn Hóa cũng là một trong số những TNLT bị ngược đãi nhiều
nhất trong một vài năm trở lại đây. Hóa bị cai tù đánh đập ngay trong
phòng giam và bị ép phải ký tên vào bản nhận tội do nhà tù soạn sẵn. Sau
khi bị đánh, Hóa bị chuyển đến phòng kỷ luật, nơi có điều kiện giam giữ
vô cùng khắc nghiệt. Thông tin Nguyễn Văn Hóa bị đánh đập, ngược đãi
được một TNLT khác là ông Hoàng Bình- người đang thụ án 14 năm loan tin
trong một lần gia đình lên thăm gặp. Nguyễn Văn Hóa sau đó đã thực hiện
một cuộc tuyệt thực kéo dài 12 ngày để phản đối sự ngược đãi của cai tù
đối với mình. Cuộc tuyệt thực này kéo theo một loạt cuộc tuyệt thực khác
của các TNLT nổi tiếng như Nguyễn Bắc Truyển, Hoàng Bình và một số
người nữa nhằm bảo vệ tính mạng cho Nguyễn Văn Hóa. Cuộc tuyệt thực của
các TNLT trong tù đã khiến công luận xúc động và cảm phục tinh thần đồng
đội, sự quả cảm của những nhà đấu tranh này.
Như đã nhắc trong bài viết về Nguyễn Viết Dũng, trong phiên xử nhà
hoạt động Lê Đình Lượng, cả Dũng và Hóa đều bị đánh sau khi tố cáo công
an Nghệ An ép buộc họ phải đưa ra những lời khai bất lợi cho ông Lượng.
Hoá là một trong 123 tù nhân lương tâm mà Ân xá Quốc tế đã liệt kê
trong năm 2019. NOW! Campaign, một liên minh của 15 tổ chức xã hội dân
sự quốc nội và quốc tế cũng đưa anh vào danh sách 250 tù nhân lương tâm.
Nhiều tổ chức như Ký giả Không Biên giới (RSF), Uỷ ban Bảo vệ Ký giả
(CPJ), Quan sát Nhân quyền (HRW) và Freedom Now nhiều lần kêu gọi Việt
Nam phóng thích blogger Hoá ngay lập tức và vô điều kiện.
Hơn chục năm về trước, khi phong trào tranh đấu trong nước còn non
yếu, chúng ta đã trân quý và cảm phục biết bao khi có những người trẻ
dám dấn thân để rồi bị cầm tù như Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên,
Ngô Quỳnh, Nguyễn Tiến Trung. Vài năm trở lại đây, xu hướng “trẻ hóa”
đang dần hình thành trong phong trào phản kháng tại quốc nội. Đây quả là
một điều may mắn đối với tương lai đất nước. Điều đó cũng đồng nghĩa
với việc ngày càng có nhiều người trẻ bị cầm tù với những bản án nặng nề
như Hoàng Bình, Nguyễn Viết Dũng, Nguyễn Văn Hóa, Huỳnh Thị Tố Nga,
Trần Hoàng Phúc, Nguyễn Văn Điển, Hà Văn Nam V.v… Danh sách những người
bị cầm tù vì khát vọng tự do chắc hẳn sẽ còn dài thêm chừng nào độc tài
cộng sản vẫn cai trị đất nước này. Nhưng chắc chắn rằng, những đóng góp,
hy sinh của các anh chị em, của các bạn trẻ sẽ đơm hoa kết trái. Việt
Nam nhất định sẽ có tự do. Và tự do ấy có được một phần là nhờ những năm
tháng tù đày của những con người yêu nước.
Thúc Lân
No comments:
Post a Comment