Kính thưa quý thính giả, khi bắt giữ các nhà văn Phạm Thành và
Nguyễn Tường Thụy, đảng CSVN một mặt muốn đàn áp xã hội dân sự. Mặt
khác, đảng muốn bày tỏ lòng trung thành tuyệt đối với quan thầy Tập Cận
Bình của Bắc Kinh. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình luận của Lập Quyền Dân, với tựa đề: “Bắt Phạm Thành, Nguyễn Tường Thụy: Những giọt nước tràn ly”_ sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.
Thật ra, họ có thể chờ cho Trung cộng thảo luận xong Bộ luật được coi
là “hồi chuông báo tử cho Hong Kong” rồi hẵng trong sạch hoá địa bàn.
Đấy là tiếng lóng của công an mỗi khi họ phát động chiến dịch đàn áp báo
chí tự do và xã hội dân sự nói chung. Nhưng họ đã không chờ được, vì họ
biết “thời gian và thuỷ triều không chờ đợi ai”. Có quá nhiều tình
huống khẩn cấp đang xuất hiện, họ họp bàn, hẳn nhiên cũng có tranh luận,
nhưng rồi họ đã lấy quyết định. Bắt Phạm Thành, Nguyễn Tường Thuỵ và
nếu dư luận “êm êm” thì có thể bắt tiếp một số nhà báo, nhân sỹ và trí
thức khác.
Để dễ hiểu, tạm hình dung có hai phái (Trên thực tế có thể nhiều
hơn). Phái thứ nhất chủ trương bắt, triệt hạ tận gốc rễ xã hội dân sự,
theo đường lối của bác Mao, bác Đặng trước đây và nay đang hưởng lộc và
hành động theo chỉ thị của của bác Tập. Phái thứ hai giảo hoạt hơn, tuy
đồng ý, nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, đánh rắn phải đánh dập đầu, nhưng thời
buổi 4.0 mà nền quản lý “công an trị” này mới ngoi ngóp ở hạng 0.4, thì
cần thận trọng hơn và thăm dò dư luận quốc tế một chút. Phái thứ hai này
vừa qua thắng thế. Quyết định “đánh”, quyết định “bắt” đã bị ngâm tôm
suốt trong nhiều tháng trời, từ hồi tháng 9/2019.
Khi dịch bệnh COVID-19 vừa tạm lắng ở Việt Nam, chính phủ lại bất ngờ
“đánh úp”, công bố thành lập Ban Quản lý khu kinh tế thí điểm Vân Đồn,
một khu vực nằm trong Dự luật Đặc khu Kinh tế (Vân Đồn, Bắc Vân Phong,
Phú Quốc) đã bị dư luận cả nước phản đối từ năm 2018. Chuyên gia kinh tế
Phạm Chi Lan nói với BBC ngày 22/5/2020 rằng, bà không được ai tham
vấn, bà cũng hoàn toàn không biết và thực sự bị bất ngờ với việc thành
lập và đưa vào vận hành thí điểm khu kinh tế Vân Đồn của chính phủ Việt
Nam.
Một nguyên nhân khác dẫn đến bắt Phạm Thành và Nguyễn Tường Thuỵ, đó
là nhân tố đối ngoại có tác động ít nhiều, ủng hộ cho phái chủ trương
phải đẩy các cuộc bố ráp thành cao trào. Mở ngoài nhưng phải cài trong.
Trên bối cảnh các nước Đông Nam Á hiện đang có xu hướng muốn đứng lên
chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông. Giáo sư Luật Quốc tế
Raul Pedrozo trao đổi với BBC hôm 21/5/2020: “Giờ là đến lúc các quốc
gia Đông Nam Á phải lựa chọn giữa việc tiếp tục thỏa hiệp hay cùng nhau
đứng lên. Trung Quốc là kẻ bắt nạt. Cách duy nhất để chống lại kẻ bắt
nạt là đẩy lùi nó và đứng lên bảo vệ lợi quyền của mình”.
Việt Nam một mặt, buộc phải tính tiếp các bước hội nhập sâu hơn vào
tiến trình do Mỹ dẫn dắt, để giảm bớt sức ép của Trung cộng trên Biển
Đông và cả đất liền, đồng thời ghi điểm với dân chúng, chứ không
phải muốn dân chủ hoá đất nước. Mặt khác, đảng vẫn phải làm an lòng quan
thầy Bắc Kinh, khẳng định bản chất của thể chế là toàn trị và phản dân
chủ, cần “dọn bãi đáp” cho độc tài, bóp nghẹt mọi tiếng nói phản biện.
Dù đó là phản biện lành mạnh mà thỉnh thoảng trong cơn u mê vì uống quá
nhiều “Mao đài”, đảng cũng muốn lắng nghe, hoặc giả vờ lắng nghe. Nhưng
không phải lúc này! Đừng để xã hội dân sự hiểu nhầm, thấy đỏ tưởng chín.
Giờ là lúc “tinh thần Tố Hữu” phải được lên ngôi: “Giết, giết nữa, bàn
tay không phút nghỉ…/ cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng/ thờ
Mao Chủ tịch, thờ Stalin bất diệt”.
Trong thể chế “công an trị”, dân chúng kể cả nhân sỹ trí thức là
những người được coi có một số nguồn tin nội bộ cũng không bao giờ hiểu
nổi tư duy quái đản của dàn lãnh đạo hiện nay. Có ý kiến cho rằng, những
vụ bắt bớ này là để tâng công với Tổng chủ, nhưng ngược lại, cũng có
đánh giá, “yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau”… Vì chưa đủ lực lượng,
bản lĩnh, lại ăn theo “cái máng lợn” Tàu quá lâu, nên vẫn phải đu dây.
Chính thể không cho phép Phạm Thành viết sách và Nguyễn Tường Thuỵ mở
Blog chỉ trích Tổng chủ là người mà hai nhân sĩ này cho rằng đã “làm tất
cả những điều gì mà Trung Quốc mong muốn từ Việt Nam”. Họ cũng gọi
thẳng “Tập Cận Bình là kẻ xâm lược bẩn thỉu”.
Nhưng nếu chỉ vì những lý do trên thì sao đảng lại không bắt hai nhà
dân chủ ấy cách đây 9 tháng, lúc tập sách vừa ra đời? Câu trả lời chỉ có
thể là, trước mỗi dịp đại hội, đảng muốn chứng minh: CSVN không cần dân
chủ vẫn có thể trị quốc. Tin tưởng vào điều đảng cho là “tính ưu việt
của chế độ”, hoặc ít nhất thì cũng không ai được động đến “câu văn bia”
đầy hoang tưởng của Tổng chủ: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm
lực và vị thế như ngày nay”. Nhưng nhà văn Phạm Thành (68 tuổi), nhà
báo-cựu chiến binh 22 năm trong quân ngũ Nguyễn Tường Thuỵ (70 tuổi) lại
là chủ nhân những Blog xưa nay chuyên vạch trần bản chất thối nát và hư
hỏng của chính thể mà Nguyễn Phú Trọng và đồng đảng không ngớt lời ca
ngợi là “cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản”.
Thay vì cùng đua với ASEAN, đặc biệt là với Indonesia để đón đầu làn
sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng đang chạy khỏi Trung Quốc, CSVN lại tập
trung toàn tâm toàn ý vào các sới vật. Từ nay cho tới khi đại hội 13
diễn ra, sẽ có hàng chục sới vật khác nhau mà ngay Tổng chủ cũng không
tài nào kiểm soát nổi. Các đợt bắt bớ nhiều khi chỉ là hệ quả ngẫu nhiên
của các đấu đá phe nhóm. Nếu các tổ chức dân sự không vận động toàn xã
hội phản kháng thích hợp trước làn sóng đàn áp, thì với đà này, Bộ luật
An ninh được Bắc Kinh thông qua không chỉ bóp nghẹt dân chủ Hong Kong,
mà còn có thể được triển khai mạnh mẽ hơn ngay ở Việt Nam. Sau đại dịch
COVID-19, những tưởng sẽ tránh được “hàm cá mập” Trung cộng.
Nhưng với các đợt khủng bố ngày càng lan rộng, liệu Việt Nam có trở
thành một “nhà tù vĩ đại” ở châu Á, sau cả Bắc Kinh lẫn Bình Nhưỡng?
Lập Quyền Dân
No comments:
Post a Comment