Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Bảo Trân và Nguyên Khải
Theo thông báo của Hiệp hội Xuất bản Quốc tế (IPA), Nhà Xuất bản Tự
do của Việt Nam là một trong 4 ứng viên cuối cùng của giải thưởng của
hiệp hội mang tên Prix Voltaire 2020.
Nhà Xuất bản Tự do của Việt Nam cùng với 3 nhà xuất bản khác từ Thổ
Nhĩ Kỳ, Malaysia và Pakistan được lựa chọn là các ứng cử viên cuối cùng
vì sự dũng cảm, không sợ bị nhà cầm quyền độc tài kết tội, cố gắng in và
phổ biến sách đến người đọc.
Nhà xuất bản Tự do của Việt Nam xuất bản nhiều cuốn sách không được
nhà cầm quyền CS Việt Nam chấp nhận. An ninh và CA cộng sản Việt Nam
đang truy lùng những nhân vật chủ chốt và bắt giữ, đánh đập nhiều người
đưa sách đến cho người đọc.
Lễ công bố và trao giải thưởng năm nay của IPA sẽ được tổ chức trực tuyến vào ngày 03/6 do ảnh hưởng của đại dịch Vũ Hán.
Năm 2011, nhà thơ Bùi Chát, người sáng lập nhà xuất bản Giấy Vụn, được IPA trao giải tự do xuất bản.
2/ INDONESIA GỬI CÔNG HÀM TÁI KHẲNG ĐỊNH SỰ PHI LÝ CỦA ĐƯỜNG LƯỠI BÒ TRÊN BIỂN ĐÔNG
Vào thứ Năm ngày 26/5, Phái đoàn thường trực Indonesia tại Liên Hiệp
Quốc đã gửi công hàm tới Tổng Thư ký của tổ chức này để nói lên quan
điểm của Jakarta về Biển Đông.
Trong công hàm, Indonesia nói rằng quốc gia này không phải là một bên
trong việc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, và bản đồ Đường chín đoạn
của Trung Cộng thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và vi phạm nghiêm trọng Công
ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982).
Trong công hàm, Indonesia cũng công khai đề cập đến phán quyết của
Tòa trọng tài năm 2016 trong vụ Philippines kiện Trung cộng về vấn đề
Biển Đông, theo đó “không có bất kỳ thực thể nào thuộc Quần đảo Trường
Sa được phép lấy làm căn cứ để tính Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hay
Thềm lục địa.”
Indonesia cũng chỉ trích “đường 9 đoạn” phi pháp của Trung cộng lấn
chiếm các vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của một số quốc gia Đông Nam
Á, bao gồm Việt Nam, Philippines.
Năm 2010, Indonesia từng ra công hàm khẳng định sự phi lý của bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Cộng.
Hành động của Indonesia có thể tạo ra một nền tảng mới cho sự đoàn kết của các quốc gia ASEAN trước tranh chấp ở Biển Đông.
3/ EU KÊU GỌI HOA KỲ XEM XÉT LẠI QUYẾT ĐỊNH CẮT TÀI TRỢ CHO WHO
Vào thứ Bảy ngày 30/5, Liên minh Châu Âu (EU) kêu gọi Tổng thống Hoa
Kỳ Donald Trump xem xét lại quyết định cắt tài trợ của Hoa Kỳ cấp cho Tổ
chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ một ngày sau khi Washington cáo buộc
tổ chức này đã không ứng phó thỏa đáng với đại dịch Vũ Hán và tố cáo WHO
hoạt động dưới sự kiểm soát của Trung Cộng.
Chủ tịch EU, bà Ursula von der Leyen nói rằng Hoa Kỳ “nên tránh những
hành động làm suy yếu kết quả quốc tế” và “ bây giờ là lúc tăng cường
hợp tác và tìm ra những giải pháp chung.”
Bà Ursula nói thêm, “WHO cần tiếp tục có khả năng dẫn đầu phản ứng
quốc tế đối với đại dịch, hiện tại và trong tương lai, nên rất cần và
bắt buộc phải có sự tham gia và hỗ trợ của tất cả các nước.”
Hoa Kỳ là nguồn hỗ trợ tài chính lớn nhất cho WHO, và việc Hoa Kỳ cắt
đứt quan hệ với tổ chức này sẽ làm suy yếu đáng kể hoạt động của nó.
Cho tới nay, dịch Vũ Hán đã lây nhiễm cho gần 6 triệu người và giết
chết hơn 365.000 trên thế giới, theo thống kê của Johns
Hopkins University. Hoa Kỳ bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch này,
với hơn 1,7 triệu người bị nhiễm và gần 103.000 người thiệt mạng.
4/ TƯỚNG TRUNG CỘNG DOẠ TẤN CÔNG ĐÀI LOAN
Vào thứ Sáu ngày 29/5, tướng Lý Tác Thành (Li Zuocheng), Tổng tham
mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hiệp Quân ủy Trung ương Trung Cộng, tuyên
bố Bắc Kinh sẽ không ngần ngại “tấn công nếu không có phương tiện nào
khác để thống nhất Đài Loan một cách hòa bình, bảo đảm toàn vẹn lãnh
thổ.”
Tuyên bố cứng rắn nói trên của một trong những sỹ quan cao cấp nhất
của quân đội Trung Cộng được đưa ra nhân dịp kỷ niệm 15 năm Bắc
Kinh ban hành luật chống ly khai.
Hãng tin Reuters nói rằng Bắc Kinh thường xuyên đe dọa sáp nhập Đài
Loan kể cả bằng sức mạnh quân sự, nhưng hiếm khi một trong những quan
chức cao cấp nhất của quân đội Trung Cộng đang tại chức công khai đưa ra
tuyên bố như trên.
Đáp trả tuyên bố của tướng Lý Tác Thành, chính quyền Đài Bắc ngày
30/05 lên án Bắc Kinh “hù dọa” Đài Loan, “vi phạm luật pháp quốc tế” và
nhân dân Đài Loan sẽ không bao giờ “thuần phục một chế độ độc tài, cai
trị đất nước bằng bạo lực.”
5/ PHÁP, ĐỨC, Ý VÀ TÂY BAN NHA KÊU GỌI CHÂU ÂU TĂNG CƯỜNG QUỐC PHÒNG
Vào thứ Sáu ngày 29/5, bốn quốc gia châu Âu, gồm Pháp, Đức, Ý và Tây
Ban Nha, kêu gọi các thành viên còn lại của Liên hiệp Châu Âu (EU) cùng
đóng góp xây dựng một chính sách phòng vệ chung châu Âu mạnh mẽ hơn, để
toàn khối có khả năng phản ứng một cách độc lập với tư
cách “một liên hiệp.”
Trong bức thư gửi đến 23 thành viên khác của Liên Âu, và nhà lãnh đạo
ngoại giao châu Âu, ông Joseph Borrell, bộ trưởng quốc phòng của bốn
quốc gia nói trên khẳng định cuộc khủng hoảng trước đại dịch Vũ Hán cho
thấy cần có một liên minh quốc phòng châu Âu đủ tầm mức đối phó với bối
cảnh quốc tế bất ổn định hiện nay.
Theo họ, đại dịch hiện nay làm cho các xung đột và các khủng hoảng
hiện có trở nên trầm trọng hơn trên quy mô toàn cầu, buộc EU phải hướng
đến việc chia sẻ các phân tích về các mối đe dọa tiềm tàng.
Bức thư cũng nhấn mạnh đến việc cải thiện khả năng đối phó với các
cuộc chiến tin học, chiến tranh bóp méo thông tin, và mục tiêu “trao đổi
thông tin trong môi trường bảo mật” giữa bộ tổng tham mưu các quốc gia
thành viên.
6) NASA LẠI ĐƯA NGƯỜI VÀO VŨ TRỤ VỚI PHI THUYỀN SPACEX
SpaceX, công ty sản xuất hỏa tiễn tư nhân của doanh nhân tỉ phú Elon
Musk, đã đưa hai phi hành gia Hoa Kỳ bay vào quỹ đạo từ tiểu bang
Florida vào thứ Bảy ngày 30/5. Đây là chuyến du hành đầu tiên đánh dấu
chuyến bay vào vũ trụ của các phi hành gia NASA từ lãnh thổ của
Hoa Kỳ trong 9 năm qua.
Phi thuyền Crew Dragon rời mặt đất từ Trung tâm Không gian Kennedy
lúc 19 giờ 22 phút (giờ GMT), đưa hai phi hành gia Doug Hurley và Bob
Behnken lên chuyến đi dài 19 giờ để bay tới Trạm Không gian Quốc tế. Phi
thuyền mới chế tạo được đặt tên là Crew Dragon, đã tách khỏi động cơ
đẩy vào lúc 3 giờ 35 phút, giờ địa phương, và vài phút sau đó đi vào quỹ
đạo.
No comments:
Post a Comment