Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh và Bá Cơ trình bày sau đây.
Vào hôm qua, thứ Năm 28/5, cuộc đình công của gần 10 ngàn công nhân
thuộc công ty Chí Hùng đã kéo dài sang ngày thứ 3, có 4 người bị bắt và
một người bị thương khi bị công an đàn áp .
Theo lời kể của các công nhân, ít nhất một nữ công nhân đang mang
thai, đã bị đám dân quân tự vệ chích súng điện khiến phụ nữ này ngất xỉu
và 4 người khác bị công an còng tay áp giải về đồn. Đây là cuộc đình
công nhằm yêu cầu giới chủ nhân công ty Chí Hùng phải trả tiền trợ cấp
thất nghiệp cho mấy tháng ngưng hoạt động vì đại dịch Vũ Hán.
Công ty Chí Hùng do người Đài Loan làm chủ, sản xuất giày dép cho
tập đoàn Adidas, cơ xưởng tọa lạc ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Trước đó, giới chủ nhân loan báo là nếu không có đơn đặt hàng thì xưởng
sẽ ngưng làm việc và mỗi công nhân sẽ được trợ cấp 170 ngàn đồng. Tuy
nhiên, khoản trợ cấp này chỉ cho tháng 6, các tháng tiếp theo thì chưa
biết.
Sau cuộc đàn áp, vào chiều hôm qua, phó giám đốc công ty và chủ tịch
công đoàn Chí Hùng ra thông báo cho biết cơ xưởng sẽ hoạt động bình
thường và kêu gọi công nhân trở lại làm việc.
MỘT TÀU CÁ QUẢNG TRỊ BỊ MẤT TÍCH KHI TIẾN VỀ ĐẢO HẢI NAM
Một tàu cá Quảng Trị đã bị mất liên lạc kể từ hôm thứ Ba 26/5 khi di chuyển về phía đảo Hải Nam thuộc Trung Cộng.
Trước khi mất tích, chiếc tàu cá đã di chuyển theo một hải trình mà
Hải quan VN gọi là “bất thường”. Chiếc tàu do ông Nguyễn Thanh Ngữ làm
chủ, thuyền trưởng là ông Hồ Văn Thái ra khơi vào ngày 17/5. Nhân viên
Cơ quan Thủy sản Quảng Trị cho biết chiếc tàu bị mất liên lạc vào lúc 12
giờ trưa ngày thứ Ba 26/5 khi đang di chuyển với tốc độ 1 hải lý/giờ
theo hướng bắc về phía đảo Hải Nam.
Đã nhiều năm qua, hai nước Việt – Tàu vẫn chưa vạch rõ được ranh
giới ở vịnh Bắc bộ, và Trung Cộng luôn ngang nhiên áp đặt chủ quyền
trên hơn 70% vùng biển Đông.
Vào đầu tháng 5, Trung Cộng ra lệnh cấm đánh cá từ vịnh Bắc bộ đến
tận quần đảo Trường Sa. Một tháng trước khi có lệnh cấm, một tàu cá
Quảng Ngãi đã bị chiến hạm húc chìm ở vùng biển Hoàng Sa, áp giải 8 ngư
dân cùng 2 tàu cá khác về đảo Phú Lâm, sau đó phóng thích họ vào buổi
chiều cùng ngày.
VIỆT NAM CHƯA MỞ CỬA ĐÓN DU KHÁCH QUỐC TẾ VÌ VẪN LO NGẠI DỊCH VŨ HÁN
Trong phiên họp vào hôm qua, Ủy ban Đặc trách đối phó đại dịch Vũ
Hán đã đi đến quyết định là chưa mở cửa đón du khách quốc tế vì lo sợ
dịch này có nguy cơ bộc phát trở lại. Ủy ban cũng quyết định là toàn bộ
những người nhập cảnh vào Việt Nam đều phải bị cách ly.
Trong phiên họp, một quan chức cho biết là trong vòng một tháng qua,
các công ty du lịch, theo lệnh của nhà nước cho phép ngành du lịch
nội địa hoạt động trở lại.
Các khách sạn và công ty lữ hành đưa ra nhiều hình thức khuyến mãi để
thu hút giới du khách nhà. Nhiều công ty đã rất thành công.
Tuy nhiên, Ủy ban chống dịch vẫn tỏ ra ngần ngừ trước việc mở cửa
đón du khách quốc tế, và đang xem xét đến việc mở của từ từ tại một
số hòn đảo, chẳng hạn như Phú Quốc.
THÊM 1 ĐƯỜNG DÂY CỜ BẠC QUY MÔ TRÊN MẠNG BỊ PHÁ VỠ, VỚI TỔNG GIAO DỊCH GẦN 3 TỶ MỸ KIM
Công an Hà Nội vào hôm qua, ngày 28/5, cho biết là vừa phá vỡ một
đường dây đánh bạc quy mô trên mạng, có tổng giao dịch lên đến 64 ngàn
tỷ đồng sau hai năm hoạt động.
Nếu tin này là đúng, thì đây là đường dây đánh bạc lớn nhất Việt Nam
bị phá vỡ trong vòng hai năm qua. Công an đã bắt giữ 16 người, trong đó
có ông Trương Ngọc Tú 37 tuổi, một cư dân ở Hà Nội và là người được xem
là cầm đầu đường dây cờ bạc này.
Các điều tra và phân tích sơ khởi cho thấy hàng triệu người đã tham
gia đánh bạc qua nhiều hình thức cờ bạc trên mạng, với 4 đại lý cấp một
và hàng trăm đại lý cấp hai. Chỉ trong vòng 2 năm hoạt động, tổng số
tiền đánh bạc lên đến 64 ngàn tỷ đồng, tức gần 3 tỷ Mỹ kim.
TRUNG CỘNG THÔNG QUA LUẬT AN NINH ÁP ĐẶT CHO HỒNG KÔNG
Bắc Kinh vào hôm thứ Năm, 28/5/20, đã thông qua đạo luật nhằm nới
rộng luật an ninh quốc gia sang Hong Kong với tỷ lệ 2878 phiếu thuận và
duy nhất 1 phiếu chống. Ngay lập tức, Hoa Kỳ, Anh, Canada, và Úc Đại Lợi
đã nhanh chóng lên án mạnh mẽ hành động này của Bắc Kinh. Trước khi
Trung cộng loan báo dự luật được thông qua, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông
Mike Pompeo đã nói với Quốc hội Mỹ rằng Hong Kong sẽ không còn đủ
điều kiện để được hưởng quy chế ưu đãi đặc biệt theo luật pháp Hoa Kỳ,
vì qua đạo luật này, Hồng Kông đã mất quyền tự trị.
Cũng vào hôm qua, ngay sau khi luật an ninh này được thông qua, Hoa
Kỳ đã điều khu trục hạm USS Mustin áp sát các đảo Phú Lâm và Hòn Tháp
chỉ 12 hải lý, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Như tin đã loan, vào ngày 28/4
vừa qua, khu trục hạm Barry của Mỹ cũng áp sát vào quần đảo Hoàng Sa
nhằm bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Cộng ở vùng biển này.
Quyết định này của Bắc Kinh đang làm dấy lên làn sóng biểu tình của người dân Hồng Kông vốn tạm lắng đọng vì đại dịch Vũ Hán.
TRUNG CỘNG GIA TĂNG TUYÊN TRUYỀN VỀ “ĐƯỜNG LƯỠI BÒ”
Trung Cộng đang phát động chiến dịch tuyên chiến với các công ty sản
xuất bản đồ không vẽ “đường lưỡi bò”, tức ranh giới chủ quyền mà Trung
Cộng áp đặt ở Biển Đông.
Trong số báo ra ngày 26/5, tờ Hoàn cầu Thời báo, cái loa tuyên truyền
bằng Anh ngữ của Trung Cộng, cho biết là Bắc Kinh sẽ mở chiến dịch tẩy
chay các bản đồ không in “đường lưỡi bò”, với lý do là không tôn trọng
chủ quyền và “sự toàn vẹn về lãnh thổ” của Trung Cộng. Chiến dịch này sẽ
huy động toàn bộ các bộ sở, kể cả lực lượng an ninh mạng, mở cuộc kiểm
tra các nhà xuất bản bản đồ và người dùng bản đồ ở thủ đô Bắc Kinh.
Những ai vi phạm sẽ bị trừng phạt nặng nề, theo lời đe dọa của tờ Hoàn
cầu Thời báo.
Chiến dịch cũng nhắm đến các tờ báo lề đảng, giới làm phim và truyền hình, cũng như các sách giáo khoa tại trường học.
Vào năm 2019, Trung Cộng đã yêu cầu 29 trong số 500 công ty in ấn
hàng đầu của thế giới phải chỉnh sửa các bản đồ mà Bắc Kinh cáo buộc là
không “mô tả chính xác” lãnh thổ của Trung Cộng.
No comments:
Post a Comment