Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức với Vân Hà và Nguyên Khải
Vào hôm qua, một phụ nữ trở về từ nước Nga đã trở thành người nhiễm
dịch mới nhất tại Việt Nam, được đánh số là bệnh nhân thứ 325.
Người phụ nữ 34 tuổi này bị nhiễm dịch ở Nga và được xác nhận đã
lành bệnh, trước khi đáp chuyến bay về đến phi trường Vân Đồn, tỉnh
Quảng Ninh vào ngày 13/5, có nghĩa là bệnh nhân này bị tái nhiễm dịch
Vũ Hán.
Có 32 người đi trên cùng chuyến bay trở về từ Nga, trong đó có 2 tiếp
viên, cũng được xác nhận là bị nhiễm dịch sau khi về đến Việt Nam.
Hiện nay, bệnh nhân số 325 đang được chữa trị tại Bệnh viện Nhiệt đới,
tỉnh Hải Dương.
Tính đến ngày 24/5, đã có hàng ngàn người Việt từ nhiều nơi
trên thế giới trở về nước do ảnh hưởng của dịch cúm Tàu. Hôm
qua, có khoảng 340 công dân Việt ở Hòa Lan và Pháp đã về đến phi trường
Tân Sơn Nhất và toàn bộ số hành khách này đang được cách ly tại Sài Gòn.
Vào hôm thứ Bảy 23/5, hãng máy bay VietJet cũng vận chuyển 240 công dân
từ Miến Điện về nước.
2) NGƯỜI VIỆT LAO ĐỘNG BẤT HỢP PHÁP Ở ĐÀI LOAN CHƯA THỂ TRỞ VỀ NƯỚC
Theo tin từ hãng thông tấn CNA của Đài Loan, dẫn lời của một quan
chức từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung ương (CECC) trong cuộc họp
báo về đại dịch Vũ Hán của trung tâm này hôm thứ Bảy, cho biết là các
quy định kiểm soát đường biên giới của Việt Nam hiện nay khiến cho
việc đưa công nhân Việt Nam từ Đài Loan trở về rất khó.
Ông Trần Tông Ngạn (Chen Tsung-yen), Phó chỉ huy CECC nói rằng cả 2
hãng hàng không lớn của Đài Loan là China Airlines và EVA Airways cho
đến nay chỉ được phép chở người từ Việt Nam tới Đài Loan, chứ không
được đưa người từ Đài Loan đến Việt Nam. Điều này gây trở ngại cho
chính phủ Đài Loan bởi Việt Nam vẫn chưa chấp nhận yêu cầu mà Đài Bắc
đưa ra từ hồi cuối tháng Giêng, theo đó muốn gửi trả 700 công nhân Việt
lao động bất hợp pháp tại Đài Loan về nước. Lý do nhà cầm quyền VN đưa
ra là không có khả năng thực hiện các biện pháp cách ly và kiểm dịch
cho những người này.
Hãng thông tấn CNA nói rằng Đài Loan chỉ gặp vấn đề này với Việt
Nam, trong lúc Thái Lan và Indonesia đều đồng ý nhận lại các công dân
nước mình lao động bất hợp pháp tại Đài Loan và bị chính quyền sở tại
bắt giữ.
3) THÊM MỘT TUYẾN CÁP QUANG BỊ ĐỨT Ở VÙNG BIỂN VIỆT NAM
Tốc độ truyền tải internet tại Việt Nam đã bị chậm lại, khi một tuyến cáp quang dưới đáy biển bị đứt vào hôm thứ Bảy 23/5.
Toàn bộ hệ thống kết nối internet trên tuyến cáp quang này đều bị cắt
đứt. Đây là tuyến cáp quang quốc tế, nối liền nhiều nước trong khu vực Á
châu – Thái bình dương. Trước đó, một tuyến cáp quang nối liền Á châu
và Mỹ châu cũng bị gián đoạn, và dự trù đến ngày 2/6 mới nối lại được.
Việc gián đoạn bởi hai tuyến cáp quang này khiến cho việc truy cập
vào các mạng Facebook, Gmail và Youtube tại Việt Nam phải mất rất nhiều
thời gian. Tuy nhiên, các mạng lưới nối kết trong nội địa vẫn hoạt động
bình thường.
4) THỊT HEO VẪN TĂNG GIÁ, VƯỢT QUA MỨC 100 NGÀN ĐỒNG MỘT KÝ
Bất chấp lượng thịt heo nhập cảng gia tăng gấp 4 lần trong vòng 2
tháng qua, giá heo hơi vẫn vọt qua mức 100 ngàn đồng, có nơi lên đến 110
ngàn đồng một ký. Theo ghi nhận của giới truyền thông, vào cuối tuần
qua, giá heo xuất chuồng ở một số tỉnh thành phía Bắc đã lên đến mức 103
ngàn đồng một ký. Trong khi đó tại miền Nam, ở các tỉnh như Bà Rịa và
Đồng Nai, giá trung bình là 99 ngàn đồng/kg. Giá thấp nhất tại những nơi
khác cũng khoảng 90 ngàn đồng/kg, dù có lệnh của nhà cầm quyền là
phải giảm xuống mức 60 ngàn đồng một ký heo hơi.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp VN, lượng thịt heo đông lạnh nhập
cảng đã gia tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lên đến 55 ngàn
tấn. Nhưng hiện bị giảm lại vì ngành thịt ở các nước như Canada, Mỹ và
Nga đang thiệt hại nặng do đại dịch Vũ Hán.
5) CUỘC ĐẤU TRANH VÌ DÂN CHỦ TẠI HỒNG KÔNG BẮT ĐẦU SÔI SỤC TRỞ LẠI
Chỉ vài ngày sau khi bạo quyền Trung Cộng muốn áp đặt đạo luật an
ninh tại Hồng Kông, phong trào đấu tranh vì dân chủ tại Hồng Kông bắt
đầu sôi sục trở lại, bất chấp dịch Vũ Hán vẫn còn đe dọa vùng đất này.
Cuộc đấu tranh mới đã mở màn bằng vụ xuống đường của hàng ngàn
người vào hôm Chủ nhật 24/5, nhằm phản đối Trung Cộng muốn tước đoạt nền
dân chủ của Hồng Kông bằng đạo luật an ninh. Cuộc biểu tình trở
thành bạo động khi cảnh sát bắn hơi cay và đạn cao su vào nhóm người
biểu tình trước một thương xá. Hàng chục người biểu tình đã bị cảnh sát
bắt giữ với cáo buộc “tụ tập mà không xin phép”.
Cần nhắc lại, vào năm 2003, nhà cầm quyền tại Hồng Kông đã phải hủy
bỏ một dự luật tương tự, sau khi nửa triệu người dân Hồng Kông xuống
đường phản đối dự luật phi dân chủ này.
Vào hôm qua, Phó Thủ tướng Trung Cộng, Hàn Chính, tuyên bố là Bắc
Kinh đã lường trước phản ứng của người dân Hồng Kông, nhưng vì “lợi ích
lâu dài” của Hồng Kông, dự luật an ninh phải được thông qua bằng mọi
giá. Riêng Ngoại trưởng Trung Cộng, Vương Nghị, nói rằng Hoa Kỳ và Anh
quốc đã can thiệp vào nội bộ của Trung Hoa khi chỉ trích dự luật này.
No comments:
Post a Comment