Sunday, May 10, 2020

Tin Tức: Chủ Nhật 10.05.2020

Tin Tức

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Bảo Trân và Nguyên Khải
1/ HAI TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM NGÔ VĂN DŨNG, LÊ QUÝ LỘC BỊ TRA TẤN TRONG TRẠI TẠM GIAM
Hai thành viên của nhóm Hiến Pháp là Ngô Văn Dũng và Lê Quý Lộc đã bị công an thành Hồ tra tấn trong trại tạm giam Phan Đăng Lưu, nơi họ bị giam giữ kể từ khi bị bắt vào đầu tháng 9 năm 2018.
Theo tin tức từ một số tù nhân lương tâm cũng bị giam trong trại tạm giam này, thì sự việc xảy ra vào ngày 12/4. Họ cho biết nhiều công an  đã vào khu vực giam giữ để đánh đập hai ông Dũng và Lộc.
Do có sự phản ứng của nhiều người bị giam tại đây, công an dừng tay và  đưa hai ông Dũng và Lộc ra khỏi trại giam. Ông Lộc bị đưa trở lại trại tạm giam sau 1 tuần đi bệnh viện để điều trị những vết thương do trận đòn gây ra. Ông Dũng bị đưa đi giam ở khám Chí Hoà,  Hiện không rõ tình trạng của ông ra sao vì gia đình không được gặp mặt từ nhiều tháng qua do nhà cầm quyền nại lý do cách ly vì dịch Vũ Hán.
Hai ông Lộc, Dũng cùng 6 thành viên khác của nhóm Hiến Pháp bị cáo buộc “Gây rối an ninh” và đối mặt với án tù nặng nề chỉ vì đã kêu gọi biểu tình vào dịp quốc khánh năm 2018.
2/ VIỆT NAM ĐỀ NGHỊ NHẬT BẢN ĐIỀU TRA VIỆC MỘT NGƯỜI VIỆT BỊ SÁT HẠI
Tòa Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản đã chính thức đề nghị nhà chức trách thành phố Toyama điều tra việc một thực tập sinh Việt Nam bị mất tích hồi đầu tháng 4 và thi thể được tìm thấy vào đầu tháng 5.
Theo tin từ Reuters, thi thể của thực tập sinh Việt Nam tên Nguyễn Văn Đức được phát hiện nằm dưới đường thoát nước bên ngoài nơi cư trú của nạn nhân, ở thành phố Toyama, miền Trung Nhật Bản, vào thứ Năm ngày 07/5. Anh Đức mất tích từ ngày 02/4 và cảnh sát Nhật được báo về vụ mất tích 5 ngày sau đó.
Theo điều tra của cảnh sát, một số tài sản trong nơi cư trú của nạn nhân bị mất. Kết quả xét nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân đã chết khỏang 1 tháng trước đó. Nạn nhân dường như bị đâm vào cổ và bụng, bị mất máu dẫn đến thiệt mạng.
Hiện nay, có hàng chục ngàn thực tập sinh Việt Nam đang lao động ở Nhật Bản, một dạng vừa lao động vừa học của người Việt.
3/ DỊCH TẢ HEO PHI CHÂU BÙNG PHÁT Ở SƠN LA
Nhà cầm quyền thành phố Sơn La vừa công bố bệnh dịch tả heo Châu Phi xuất hiện tại xã Chiềng Cọ thuộc thành phố này.
Theo thông báo của Uỷ ban Nhân dân thành phố, một người chăn nuôi ở bản Ót Luông, xã Chiềng Cọ xuất hiện tình trạng heo bị ốm chết từ cuối tháng Tư. Nguyên nhân được khẳng định là do bệnh dịch tả heo Châu Phi.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn, trong 2 tháng đầu năm 2020, tại Việt Nam phát sinh thêm 24 ổ dịch tả heo Châu Phi, làm gần 19.500 con bị mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy. Tuy nhiên, đến ngày 6/3 đã có 35 tỉnh, thành phố được báo cáo dịch đã bị đẩy lùi.
Trong đợt dịch tả heo Châu Phi vào năm ngoái, Việt Nam đã phải tiêu hủy khoảng 5,6 triệu con, khiến cho thịt heo bị khan hiếm và tăng giá trong dịp Tết âm lịch.  
4/ HOA KỲ ĐƯA TÀU CHIẾN YỂM TRỢ MALAYSIA ĐỐI PHÓ VỚI TRUNG CỘNG Ở BIỂN ĐÔNG
Vào thứ Bảy ngày 08/5, Hoa Kỳ gửi hai tàu chiến áp sát khu vực West Capella trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, nơi hoạt động thăm dò của công ty dầu Malaysia đang bị HQ của Trung Cộng đe dọa. 
Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng, Hoa Thịnh Đốn đưa lực lượng hải quân hỗ trợ Kuala Lumpur.
Chiến hạm USS Montgomery (LCS-8) và tàu vận tải USNS Cesar Chavez (T-AKE-14) đã hiện diện gần khu vực dàn khoan của tập đoàn dầu lửa Malaysia Petronas để tiến hành hoạt động bảo vệ tự do hàng hải và an ninh trên biển.
Trong một tuyên bố được đưa ra cùng ngày, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc John Aquilino nhấn mạnh rằng sự hiện diện của Hải quân Hoa Kỳ nhằm “bảo đảm trật tự dựa trên luật pháp quốc tế tại  khu vực Biển Đông.” Ông nói thêm: “Đảng Cộng Sản Trung Quốc cần  chấm dứt các hành động hù dọa các quốc gia Đông Nam Á, ngăn cản các nước này trong các hoạt động khai thác dầu khí và hải sản.”
5/ HOA KỲ VÀ TRUNG CỘNG BẤT ĐỒNG TRONG DỰ THẢO CỦA HỘI ĐỒNG BẢO AN
Theo một số nguồn tin ngoại giao vào thứ Bảy ngày 09/5, Hoa Kỳ và Trung Cộng đang có bất đồng về Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong dự thảo của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc trong việc ứng phó với đại dịch Vũ Hán.
Suốt hơn 6 tuần qua, 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc đã nỗ lực để đạt được đồng thuận nhằm ủng hộ lời kêu gọi đình chiến toàn cầu để các nước tập trung chống đại dịch Vũ Hán của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đưa ra vào ngày 23/3.
Thế nhưng các cuộc đàm phán đều không đạt được kết quả vì Hoa kỳ không muốn đề cập tới  Tổ chức Y tế Thế Giới  trong dự thảo nghị quyết, nhưng Trung Cộng lại cương quyết yêu cầu cần phải đề cập tới.
6/ CUBA ĐANG VẤT VẢ ĐỐI PHÓ VỚI DỊCH CÚM VŨ HÁNVÀ LỆNH TRỪNG PHẠT CỦA HOA KỲ
Cuba, đất nước có 11,2 triệu dân, dưới sự cai trị của đảng cộng sản, đang phải vất vả đối phó với đại dịch cúm Vũ Hán và lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ vì các vi phạm nhân quyền.
Hiện Cuba có hơn 1.700 người bị nhiễm và đã có 73 trường hợp tử vong tính đến ngày 08/5. Đảo quốc nhỏ này gần như khống chế được dịch bệnh nhưng nền kinh tế đất nước đang khốn khó vì các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Tình hình khan hiếm lương thực ở Cuba đã lên đến mức chưa từng thấy, hơn cả những năm khốn khó ở thập niên 90 của thế kỷ trước. Thiếu gạo, trứng, và cả những sản phẩm vệ sinh; thậm chí thiếu cả nước do mưa ngày càng ít. Thêm vào đó là tình trạng thiếu nhiên liệu và điện.
Nguyên nhân chính là nguồn thu từ du lịch gần như không còn, do đại dịch hoành hành và không hiệu quả của nền kinh tế tập trung. Ngoài ra, lệnh cấm vận của Hoa Kỳ còn ảnh hưởng đến việc chuyển tiền về Cuba.

No comments:

Post a Comment