Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Minh Nguyệt & Hướng Dương trình bày sau đây.
Ngày 14/5, tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã kêu gọi
cộng đồng quốc tế và người Việt trong nước viết thư cho nhà cầm quyền CS
Việt Nam yêu cầu Hà Nội chấm dứt đàn áp Nhà Xuất bản Tự do (NXBTD).
Trong mẫu thư gửi đến thủ tướng cộng sản Nguyễn Xuân Phúc, Ân xá Quốc
tế kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chấm dứt việc trấn áp và đe
dọa ông Thủy Tuất (Phùng Thủy), người giao sách của NXBTD cũng như trả
tự do cho con gái ông hiện đang bị giam giữ ở đồn cảnh sát như là con
tin.
Sau khi bắt giữ và đánh đập nhà hoạt động Vũ Huy Hoàng vào tháng 10
năm 2019, sáng ngày 08/5, an ninh và công an đã bắt giữ ôngTuất, đưa
ông vào đồn côn an để tra tấn và hỏi cung về NXBTD.
Lợi dụng sơ hở của bọn an ninh, ông Tuất đã trốn thoát. Tuy nhiên,
công an đã bắt giữ con gái ông và hiện vẫn còn giam giữ cô. Ông Tuất
đang ở một nơi bí mật để chữa chạy nhiều vết thương vô cùng nguy hiểm,
gây ra bởi sự tra tấn của công an.
Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở London cũng yêu cầu Hà Nội ngừng đàn
áp các thành viên của NXBTD, đồng thời kêu gọi các tổ chức điều tra độc
lập về các vụ bắt bớ và tra tấn người liên quan đến nhà xuất bản này.
Theo Ân xá Quốc tế, Việt Nam nên bảo đảm quyền tự do biểu đạt, tự do thông tin, tự do xuất bản của các nhà xuất bản độc lập.
BA ĐẠI BIỂU QH KIẾN NGHỊ XÉT LẠI VỤ ÁN HỒ DUY HẢI
Ngày 12 và 13/5/2020 ba đại biểu của quốc hội Việt Nam gồm: ông Lưu
Bình Nhưỡng, ông Lê Thanh Vân và ông Trương Trọng Nghĩa vừa gửi kiến
nghị lên chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị
Kim Ngân đề nghị xem xét lại vụ xử giám đốc thẩm ông Hồ Duy Hải.
Truyền thông lề đảng đưa tin ông Nhưỡng nói trong thư rằng phán quyết
của hội đồng thẩm phán toà án tối cao của cộng sản Việt Nam ban hành
cuối phiên giám đốc thẩm đã vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội. Còn ông
Vân cho rằng việc tổ chức phiên tòa giám đốc thẩm vụ án vi phạm luật Tố
tụng hình sự vì thành phần hội đồng không bảo đảm tính vô tư, khách
quan, khi chủ tọa phiên tòa là chánh án tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng là
người đã tuyên bố không kháng nghị bản án này năm 2011 trên cương vị
viện trưởng Viện viểm sát tối cao. Trong khi đó, ông Nghĩa đề nghị cần
hủy án để điều tra lại vì có nhiều nghi vấn không được truy cứu rõ ràng.
Ngày 14/5/2020 Luật sư Trần Hồng Phong, người bào chữa cho ông Hồ Duy
Hải, đã đưa ra chứng cứ mới để khẳng định thân chủ của ông không phải
là hung thủ sát hại hai nhân viên bưu điện ở tỉnh Long An vào năm 2008.
Theo đó, hồ sơ cho thấy hung thủ thuận tay trái trong khi ông Hải lại
thuận tay phải.
VIỆT NAM PHẢN ĐỐI TRUNG CỘNG ĐƯA PHI CƠ QUÂN SỰ ĐẾN ĐẢO ĐÁ CHỮ THẬP
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã phản đối việc Trung Cộng đưa 2 phi
cơ quân sự đến đảo Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa, đồng thời khẳng
định chủ quyền tại quần đảo này và mọi hoạt động của bất kỳ quốc gia nào
mà không được sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.
Trong buổi họp báo vào thứ Năm ngày 14/5, phát ngôn nhân Lê Thị Thu
Hằng của Bộ Ngoại giao CSVN nói “Việt Nam đề nghị các bên không làm phức
tạp hơn tình hình ở Biển Đông.”
Trước đó, hãng ảnh vệ tinh ISI công bố hình chụp Đá Chữ Thập cho thấy
Trung Cộng đã trang bị phi cơ cảnh báo sớm KJ-500 và KQ-200 tại đây.
Một số hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy hàng trăm tàu đánh cá và tàu
dân binh của Trung Cộng đang tập trung tại một số đảo đá như Ba
Đầu và Én Đất ở Trường Sa.
VIỆT NAM ĐƯỢC MỜI THAM GIA NHÓM KINH TẾ BỘ TỨ KIM CƯƠNG MỞ RỘNG
Theo Reuters, Hoa Kỳ đang lên kế hoạch thành lập Mạng lưới kinh tế
thịnh vượng bắt đầu bằng cách khởi động lại cuộc đối thoại của nhóm Bộ
tứ kim cương (Nhóm QUAD), gồm Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, và Ấn Độ. Washington
cũng mời thêm 3 quốc gia khác là Việt Nam, Nam Hàn và New Zealand, gọi
là nhóm Bộ tứ mở rộng (QUAD Plus).
Mục đích của nhóm gồm 7 quốc gia trên là “tái cấu trúc chuỗi cung ứng
toàn cầu” nhằm đưa nền kinh tế toàn cầu “tiến lên phía trước” sau dịch
bệnh Vũ Hán.
Bộ Tứ kim cương ra đời năm 2007 với 4 quốc gia thành viên Nhật Bản,
Hoa Kỳ, Ấn Độ, và Australia, với mục đích là thiết lập một cơ chế kinh
tế xuyên Thái Bình Dương với tham vọng trở thành hạt nhân của Diễn đàn
kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) để đối phó với “Biên giới mềm”
ngày càng tăng do Trung Cộng đề xướng. Tuy nhiên, theo một số chuyên
gia, chính sách quốc phòng “4 không” của CS Việt Nam gây trở ngại đáng
kể cho khả năng của Hà Nội tham gia vào một nhóm như thế nhằm chống lại
Bắc Kinh.
EU KÊU GỌI MỞ CUỘC ĐIỀU TRA NGUỒN GỐC DỊCH VŨ HÁN
Theo ông Josep Borrell, người đứng đầu ngoại giao của khối EU nói
rằng: một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc dịch Vũ Hán là cần thiết,
và Trung Cộng nên thể hiện vai trò xứng đáng với tầm quan trọng của mình
trong công cuộc đối phó với khủng hoảng dịch tễ.
Theo ông, thế giới cần nhanh chóng tìm ra vác-xin và tái khởi động
nền kinh tế, nhất là trong nỗ lực quốc tế giảm nhẹ nợ cho các nước nghèo
nhất.
Corona virus, xuất phát từ Vũ Hán từ cuối năm 2019, đã cướp đi hơn
300 ngàn sinh mạng trên toàn cầu. Hoa Kỳ cùng nhiều quốc gia phương Tây
đã chỉ trích mạnh mẽ cách thức Bắc Kinh che giấu thông tin về dịch bệnh
khiến cả thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng dịch tễ và kinh tế chưa từng
có.
Trước những chỉ trích này, Trung Quốc vẫn nhất mực khẳng định là trung thực và minh bạch trong cách quản lý cuộc khủng hoảng.
HOA KỲ XEM XÉT VIỆC ĐƯA CUBA TRỞ LẠI DANH SÁCH CÁC QUỐC GIA TÀI TRỢ KHỦNG BỐ
Vào thứ Năm ngày 14/5, một viên chức cấp cao trong chính phủ của Tổng
thống Donald Trump nói với Reuters rằng Hoa Kỳ đang xem xét việc đưa
Cuba trở lại danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.
Viên chức này cho biết Hoa Kỳ có “bằng chứng thuyết phục” rằng Cuba
nên được đưa trở lại danh sách đen, một phần vì sự ủng hộ liên tục của
họ đối với Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela, và việc nước này
cung cấp nơi trú ẩn cho các nhà lãnh đạo của nhóm nổi loạn ELN của
Colombia. Viên chức ẩn danh này không loại trừ khả năng quyết định đưa
Cuba vào danh sách này có thể được đưa ra vào cuối năm nay. Trước đó,
Hoa Kỳ đã đưa Cuba vào danh sách các quốc gia không hợp tác hoàn toàn
với những nỗ lực chống khủng bố của Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment