Kính thưa quý thính giả, cách đây hơn một ngàn năm, Đại Việt xuất hiện một con người ưu tú, văn võ song toàn, không vì triều đại hay phe nhóm, mà vì sự tồn vong của đất nước đã đóng góp công lao to lớn cho dân tộc. Ông được đời sau xem là khai quốc công thần của vương triều nhà Lý vào cuối thế kỷ thứ 10, đầu thế kỷ 11. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Thái Sư Đào Cam Mộc” của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh & Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Việt Thái
Lý triều định đô vương tứ phúc,
Đào trạng văn quan Quốc ân thân.
Đó là 2 câu liểng ghi nhớ công ơn của Thái sư Đào Cam Mộc đã đóng góp cho Đại Việt.
Theo sử sách, Đào Cam Mộc quê ở xã Định Tiên, huyện Yên Định, Thanh
Hóa. Sau khi cha mất, ông được mẹ đưa về quê ngoại nuôi dưỡng ở làng Nam
Thạch, xã Yên Trung, huyện Yên Định. Nhờ có cơ duyên tại nơi này, Đào
Cam Mộc được học cả văn lẫn võ với các bậc thầy nổi tiếng.
Khi vua Lê Đại Hành về Thanh Hóa tuần du trên sông Mã thì thuyền bị
mắc cạn. Lúc đó, Đào Cam Mộc xuất hiện dùng mưu trí và sức mạnh đưa đoàn
thuyền của vua vượt qua bãi cạn. Vua Lê truyền lệnh đưa Đào Cam Mộc về
triều và phong chức quan Võ.
Về sau, nhờ theo vua Lê đánh thắng giặc Tống nên Đào Cam Mộc được vua
tin dùng và phong chức Chi Hậu lo việc nội cung trong triều đình.
Khi Lê Long Đĩnh giết anh là vua Lê Long Việt để lên ngôi vua thì
triều đình nhà Lê bắt đầu suy sụp. Lê Long Đĩnh ăn chơi sa đọa, sức khỏe
yếu kém, đến nổi phải nằm mỗi khi thượng triều nên bị dân gian gọi tên
là Lê Ngọa Triều. Cơ đồ nhà Lê sắp mất vì giặc Tống lăm le xâm lấn.
Lúc bấy giờ, uy tín của Thân vệ Lý Công Uẩn ngày càng lên cao. Nhà sư Vạn Hạnh có lần nói với Lý Công Uẩn: “Mới
rồi tôi thấy sấm kỳ lạ, biết họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp.
Nay xem trong thiên hạ người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng Thân
vệ là người khoan dung, nhân từ, được lòng dân, lại đang nắm binh quyền trong tay, đứng đầu muôn dân, chẳng phải Thân vệ thì ai đương nổi nữa”.
Đó là ý tưởng táo bạo và hợp thời của Thiền sư Vạn Hạnh… nhưng Lý Công Uẩn không có quyết định nào.
Tháng 7 năm Kỷ Dậu (1009), vua Lê Long Đĩnh băng hà, thái tử Lê Cao
Sạ còn bé. Lý Công Uẩn cùng với Hữu điện tiền Chỉ huy sứ là Nguyên Đê
mỗi người đem 500 quân Tùy Long vào cung làm túc vệ. Khi ấy, Chi hậu Đào
Cam Mộc nhân lúc vắng người, nói với Lý Công Uẩn rằng: “Bấy lâu nay, chúa thượng ngu tối và bạo ngược, làm nhiều việc bất nghĩa, nên trời không cho hưởng thọ mà con nối ngôi thì
thơ ấu, không thể kham nổi việc lớn đầy khó khăn, trăm sự đều phiền
nhiễu, thần linh không ưa, dân chúng nháo nhác tìm chân chúa. Sao Thân
vệ không nhân cơ hội này mà nghĩ mưu cao, quyết đoán sáng suốt, xa thì
xem dấu cũ của vua Thang, vua Vũ, gần thì xem việc của họ Đinh, họ Lê…
trên thuận lòng trời, dưới hợp lòng người, chứ cứ khư khư giữ chút tiết
hạnh bề tôi nhỏ nhoi hay sao?”
Lần đầu, Lý Công Uẩn từ chối. Đào Cam Mộc tiếp tục thuyết phục lần
thứ hai, đưa ra sách lược hưng quốc và hứa hẹn việc đổi ngôi sẽ không đổ
máu vì có nhiều vị quan trong triều đã đồng thuận.
Nhờ vào sự tổ chức, sắp đặt cùng với sự chỉ huy của Đào Cam Mộc và
Thiền sư Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn nhanh chóng được mời lên ngôi vua, mở ra
vương triều Lý kéo dài đến 215 năm. Khi lên ngôi, vua Lý Thái Tổ phong
cho Đào Cam Mộc làm Tín Nghĩa Hầu và gả con gái là An Quốc công chúa.
Sau bước ngoặt lịch sử này, hành động đầu tiên của Đào Cam Mộc là đề
nghị nhà vua dời đô từ Hoa Lư về Đại La và ông được vua phong chức Thiên
đô Tiên phong Tướng quân, chỉ huy 300 chiến thuyền, phò vua theo hai
ngả tiến về thành Đại La.
Tương truyền, khi thuyền đến chân thành Đại La, vua Lý Thái Tổ thấy
hai con rồng vàng từ dưới sông vẫy đuôi chào đón và bay lên trời, nên
ngài đổi tên Đại La thành Thăng Long.
Ngoài công dời đô, Đào Cam Mộc còn góp công xây dựng triều đại nhà Lý nên được ban chức Thái Sư.
Sau 6 năm phò vua Lý Thái Tổ, ổn định triều chính, Thái sư Đào Cam
Mộc qua đời vào năm 1015, được truy tặng chức Á vương. Các triều đại sau
này đều ghi nhớ công lao của ông đối với đất nước, phong ông làm Thượng đẳng Tối linh Phúc thần.
Trong số những người góp công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, thì
Thiền sư Vạn Hạnh và Thái sư Đào Cam Mộc được xem là đệ nhất khai quốc
công thần. Chính vì thế ông được dân chúng tôn thờ ở nhiều nơi, không
những ở Yên Định, Thanh Hóa mà còn ở tất cả những nơi mà ông đã tác
phúc.
Có thể nói rằng, trong lịch sử Việt Nam, việc thay đổi từ triều Lê
sang triều Lý là cuộc chuyển giao quyền lực ôn hòa nhất, không hề có tắm
máu và là một lựa chọn đúng đắn trong bối cảnh đất nước điêu linh vì
bạo chúa Lê Long Đỉnh.
Đúng hơn nữa là Tướng quân Đào Cam Mộc và Thiền sư Vạn Hạnh đã có tầm
nhìn sâu sắc, giúp cho dân tộc có được một vị minh quân tài ba và đức
độ, mở ra một thời kỳ cường thịnh kéo dài hơn 200 năm cho Đại Việt.
Điều đáng nói nhất là thái độ quyết tâm đạp đổ một triều đại thối nát
để thay thế bằng triều đại mới trước bối cảnh toàn dân uất hận Lê Long
Đỉnh, Tướng quân Đào Cam Mộc cố gắng thuyết phục Điện tiền chỉ huy sứ Lý
Công Uẩn tiến hành một cuộc cách mạng, không chỉ thay đổi vận mệnh của
đất nước mà còn giúp cho Đại Việt cường thịnh, thậm chí từng tiến quân
sang Tàu để bẻ gẫy ý đồ xâm chiếm nước Nam.
Hiện xã hội VN cũng đang thối nát như thời bạo chúa Lê Long Đỉnh,
thậm chí là còn thê thảm hơn nữa vì thái độ “hèn trước giặc Tàu” nhưng
“tàn ác với dân” của tập đoàn cộng sản. Chính vì thế đã đến lúc, người
dân Việt cần noi gương Tướng quân Đào Cam Mộc, quyết tâm đạp đổ chế độ
cộng sản phi nhân để mở ra một sinh lộ mới cho dân tộc.
No comments:
Post a Comment