Kính thưa quý thính giả, đảng CSVN vì quyền lợi riêng và phe
nhóm mà đã bán rẻ quyền lợi của dân tộc trong nhiều thập niên. Đã đến
lúc dân tộc Việt phải khởi kiện TQ trước một pháp đình quốc tế công minh
và nghiêm chỉnh, hầu bảo vệ non sông tổ quốc. Mời quý thính giả đài
ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ls. Đào Tăng Dực với tựa đề: “Duyệt lại giá trị pháp lý của công hàm Phạm Văn Đồng”_ sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.
Nhà cầm quyền CSVN gần đây đã gởi 3 công hàm (30/3, 10/4 và 14/4) cho
Liên Hiệp Quốc khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Phía Trung Quốc trả đũa bằng cách trưng ra Công Hàm của cố thủ tướng
CSVN Phạm Văn Đồng ký ngày 14 tháng 9 năm 1958 như là một biện minh cho
chủ quyền TQ tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Hầu đả phá toàn diện biện minh này của TQ, chúng ta cũng phải duyệt lại một lần nữa giá trị pháp lý của công hàm Phạm Văn Đồng.
Nội dung của công hàm này là gì?
Công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 14 tháng 9 năm 1958, gởi
cho Chu Ân Lai, Tổng Lý Quốc Vụ Viện, tương đương thủ tướng Trung Quốc,
nội dung minh thị ủng hộ Tuyên Bố ngày 4 tháng 9, 1958 của Trung Quốc
về chủ quyền lãnh hải cùa quốc gia này.
Câu hỏi mà mọi công dân Việt Nam yêu nước luôn nêu ra là: liệu công
hàm Phạm Văn Đồng có giá trị pháp lý, trước một pháp đình nghiêm chỉnh
hay không?
Trước hết, người CSVN cho đến bây giờ, vẫn luôn biện minh rằng, công
hàm này chưa từng nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa. Vì thế không thể kết
luận rằng công hàm xác nhận hai quần đảo này thuộc TQ.
Tuy nhiên người TQ sẽ phản biện rằng, công hàm này tán thành tuyên bố
ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Trung Quốc “quyết định về hải phận 12 hải
lý” của họ cũng xác quyết luôn chủ quyền của TQ trên nhiều quần đảo, kể
cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Người CSVN có thể lập luận rằng, công hàm này chỉ giới hạn ở vấn đề hải phận 12 hải lý.
Trong khi đó, người CSTQ sẽ lập luận rằng, trong một văn kiện quan
trọng như thế, nếu muốn giới hạn thì ông Phạm Văn Đồng đã ghi rõ rằng
Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Khi Phạm Văn Đồng
không làm điều đó thì đã chứng minh sự công nhận chủ quyền TQ trên hai
quần đảo này.
Điểm thứ nhì cần phân tích là một văn kiện nhường chủ quyền của một
thành phần máu huyết của tổ quốc, cho một ngoại bang như TQ, như công
hàm này, đã thông qua những thủ tục hiến định cần thiết hay chưa?
Theo Hiến Pháp 1946 vào thời điểm đó, chức vụ thủ tướng hoàn toàn
chịu sự lãnh đạo của chủ tịch nước và không có quyền ký một văn bản quan
trọng liên hệ đến vận mệnh hoặc chủ quyền quốc gia. Ngay cả trong
trường hợp ông Hồ Chí Minh đích thân ký công hàm này, cũng không thể có
hiệu lực vì nhân dân chưa có phúc quyết theo điều 32 và Nghị Viện Nhân
Dân chưa chuẩn y.
Dĩ nhiên Trung Quốc có thể vin vào điều 27 của Công Ước Vienna về
Luật các Hiệp Ước (Vienna Convention on the Law of Treaties) quy định
rằng một quốc gia không thể viện dẫn một luật nội địa để không thi hành
một hiệp ước. Tuy nhiên điều 27 có thể bị điều 46 phủ quyết và điều 46
ghi rõ như sau:
“Một quốc gia không thể viện dẫn sự kiện rằng sự đồng ý của mình, để
bị ràng buộc bỡi một hiệp ước, đã được thể hiện qua sự vi phạm một điều
khoản của luật nội địa liên hệ đến thẩm quyền ký kết hiệp ước, như là
yếu tố vô hiệu hóa sự đồng ý này, trừ khi sự vi phạm là hiển nhiên và
liên hệ đến một quy luật nội tại có tầm mức quan trọng nền tảng”
Hiến pháp 1946 là luật nền tảng và sự vi phạm nó là là hiển nhiên và
sẽ bị điều 46 Công Ước nêu trên chế tài và sẽ bị cho là vô hiệu lực.
Đó là chưa kể lập luận của chúng ta sẽ là: vì vi phạm những nguyên
tắc căn bản nêu trên, không có một hiệp ước nào được thành lập ngay từ
khởi thủy (ab initio) nhường Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc cả.
Tức là lập luận của chúng ta sẽ vững chãi trên cả hai bình diện nêu trên và một bình diện quan trọng thứ 3:
- Một là không có hiệp ước công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc ngay từ đầu và
- Hai là nếu có, thì sẽ bị vô hiệu hóa chiếu theo điều 46 của Công Ước Vienna nêu trên.
- Điểm thứ ba vô cùng quan trọng là vào thời điểm đó, Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia có cương thổ, quân đội, chủ quyền pháp lý lẫn thực tế trên Hoàng Sa và Trường Sa.VNCH được Hoa Kỳ và 87 quốc gia khác công nhận. Nếu Liên Bang Xô Viết không phủ quyết thì năm 1957, VNCH đã trở thành một quốc gia thành viên của LHQ. Tuy thế VNCH đã là thành viên của nhiều Ủy Ban của Liên Hiệp Quốc.
Bắc Việt tức nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa bị phần lớn các quốc gia tự do tẩy chay. Chỉ được các nước cộng sản khác công nhận.
Chính vì thế khi thủ tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ký công hàm
1958 thì văn kiện này gặp trở ngại lớn lao về pháp lý. Đó là nước Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa, như một quốc gia, không có tư cách pháp lý, nhường
một phần lãnh thổ (Hoàng Sa và Trường Sa) thuộc chủ quyền của một đệ
nhị quốc gia là nước Việt Nam Cộng Hòa, cho một đệ tam quốc gia là nước
Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Phán quyết ngày 12 tháng 7, 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực tại
The Hague, Hà Lan, chiếu theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển
(UNCLOS) trong cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines, vô hiệu
hóa Đường Lưỡi Bò 9 đoạn của Trung Quốc và giới hạn các quyền lợi liên
hệ đến các quần thể trên Biển Đông trong vòng hải phận 12 hải lý, cũng
là một án lệ quốc tế vô cùng thuận lợi cho Việt Nam.
Với các lý do nêu trên, chúng ta có thể kết luận rằng, trước một pháp
đình có thẩm quyền nghiêm chỉnh, công hàm liên hệ đến chủ quyền Hoàng
Sa và Trường Sa của cựu thủ tướng CSVN Phạm Văn Đồng ký ngày 14 tháng 9
năm 1958 sẽ không có giá trị pháp lý và nhà cầm quyền CSVN cần phải đưa
Trung Quốc ra tòa càng sớm càng tốt, hầu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng
của tổ quốc Việt Nam.
Năm nay và một vài năm sắp tới sẽ là thời điểm mà uy tín trên chính
trường cũng như vũ trường công pháp quốc tế của đảng CSTQ sẽ suy yếu rõ
rệt và sẽ là thời điểm tốt nhất để khởi kiện CSTQ./.
No comments:
Post a Comment