Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh và Đồng Tâm trình bày sau đây.
Gia đình tù nhân lương tâm Huỳnh Đức Thanh Bình vào hôm qua cho biết
là ông Bình và 5 tù nhân khác đã bị đánh đập và đang bị biệt giam trong
trại tù Xuân Lộc.
Bà Nguyễn Thị Huệ, mẹ ông Bình, cho biết việc xảy ra sau khi 6 tù
nhân muốn ra ngoài để lao động thêm hai ngày cuối tuần, thay vì bị giam
nhốt trong phòng, theo lời kể của ông Bình trong buổi thăm nuôi tù vào
hôm thứ Ba 12/5. Bà Huệ nói thêm là trên mặt ông Bình có nhiều vết bầm
tím. Ông Bình chỉ kịp nói mấy câu với mẹ thì công an quản giáo đã cắt
ngang, kéo ông Bình vào bên trong.
Bà Huệ cho biết là đã gửi thư đến viện kiểm sát tỉnh Đồng Nai và trại giam Xuân Lộc để tố cáo vụ hành hung nói trên.
Như tin đã loan, ông Bình, 24 tuổi, bị bạo quyền bắt giam vào năm
2018, cùng với cha là ông Huỳnh Đức Thịnh trong vụ án Michael Phương
Minh Nguyễn, một công dân Mỹ gốc Việt, sau khi tham gia biểu tình chống
Luật Đặc khu và An ninh mạng. Đến tháng 6 năm 2019, ông Bình bị kết án
10 năm tù và 3 năm quản chế với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chế độ”.
HÀ NỘI CHẤM DỨT PHONG TỎA THÔN ĐÔNG CỨU – HUYỆN THƯỜNG TÍN
Vào rạng sáng thứ Năm 14/5, nhà cầm quyền thành phố Hà Nội kết thúc
cuộc phong tỏa thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, sau 4
tuần.
Thôn này bị phong tỏa hoàn toàn sau khi ghi nhận trường hợp bệnh nhân nhiễm dịch cúm Vũ Hán mang số 266 vào ngày 14/4.
Trong vòng mấy tuần qua, toàn bộ người dân trong thôn đã được xét
nghiệm với kết quả là không ai nhiễm dịch. Trong buổi lễ tháo bỏ lệnh
phong tỏa vào khuya tối thứ Tư 13/5, ngoài một số quan chức, nhà cầm
quyền huyện Thường Tín ngăn chặn không cho người dân tham dự với lý do
là để tránh các hành động quá khích, gây rối loạn.
MỘT QUAN CHỨC CAO CẤP TỈNH THÁI BÌNH SAY XỈN LÁI XE HÚC CHẾT NGƯỜI
Nhà cầm quyền tỉnh Thái Bình vào hôm qua quyết định ngưng mọi chức vụ
của ông Nguyễn Văn Điều, trưởng ban nội chính tỉnh ủy, về tội say rượu
lái xe đụng chết người.
Vụ việc xảy ra vào lúc 6 giờ chiều ngày 8/5, trên đường Trần Thủ
Độ, thành phố Thái Bình, khi ông Điều lái xe húc vào một phụ nữ 63 tuổi
đang đi xe đạp khiến nạn nhân văng qua bên kia đường, đập vào một
chiếc gắn máy và chết tại chỗ. Người đi xa gắn máy cũng bị thương nặng.
Sau khi gây tai nạn, ông Điền đạp ga bỏ chạy và húc thêm một người
lái xe gắn máy khiến người này bị thương. Ông Điền lại tiếp tục chạy
cho đến khi bị chặn lại tại khu công nghiệp Phúc Khánh, nhưng ông ta cố
thủ trong xe cho đến khi bị công an đến áp giải đi trong tình trạng vẫn
còn say rượu.
QUÂN ĐỘI MỸ CÓ THÊM MỘT THIẾU TƯỚNG GỐC VIỆT
Chuẩn tướng Châu Lập Thể, tên tiếng Mỹ là Lap The Flora, vừa được
thăng lên chức thiếu tướng thuộc lục quân Hoa Kỳ sau khi được Tổng thống
Donald Trump đề nghị và quốc hội thông qua. Buổi lễ gắn lon thiếu
tướng được tổ chức tại căn cứ Richmond của lực lượng Vệ binh Quốc gia
vào hôm 2/5.
Là một thuyền nhân đào thoát khỏi Việt Nam năm 1979, đến Mỹ vào năm
1980, tướng Thể được ông bà John Flora nhận làm con nuôi, gia nhập quân
đội Mỹ và được phong chuẩn tướng vào năm 2016, nắm chức vụ tư lệnh phó
lục quân Hoa Kỳ khu vực Phi châu. Trước đó, tướng Thể từng tham gia
chiến đấu ở các chiến trường Bosnia, Kosovo và Afghanistan.
Năm nay 58 tuổi, thiếu tướng Châu Lập Thể là người Việt thứ nhì mang
cấp bậc thiếu tướng lục quân Hoa Kỳ, sau Thiếu tướng Lương Xuân Việt.
HẠM ĐỘI 7 HOA KỲ ĐƯA THÊM CHIẾN HẠM ĐẾN BIỂN ĐÔNG
Vào ngày 12/5, một chiến hạm Hoa Kỳ đã tiến đến giàn khoan dầu West
Capella, mang cờ Panama, ở Biển Đông nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải
và khai thác tài nguyên ở vùng biển này.
Chiến hạm nói trên có tên Gabrielle Giffords thuộc hạm đội 7 của Mỹ
và là chiến hạm thứ nhì mở cuộc tuần tra ven bờ, sau cuộc tuần tra của
chiến hạm Montgomery vào ngày 7/5 ở vùng đặc quyền kinh tế của Mã Lai.
Tư lệnh hạm đội 7, Phó đô đốc Bill Merz, tuyên bố là Hoa Kỳ sẽ tiếp
tục mở các cuộc tuần tra bằng máy bay và chiến hạm ở Biển Đông nhằm bảo
đảm quyền tự do hàng hải và không lưu ở vùng biển này, theo sự cho phép
của luật pháp quốc tế.
Là hạm đội có nhiều chiến hạm nhất của Hoa Kỳ, hạm đội 7 thường xuyên
lui tới 35 nước trong khu vực để củng cố mối quan hệ và trợ giúp về an
ninh hàng hải, cũng như duy trì sự ổn định ở khu vực Á châu – Thái bình
dương.
TIN TẶC NGA XÂM NHẬP VÀO MÁY ĐIỆN TOÁN CỦA THỦ TƯỚNG ĐỨC
Thủ tướng Đức Angela Merkel vào hôm qua, đã cho thấy tâm trạng
không vui khi xác nhận là máy điện toán của bà bị một nhóm tin tặc Nga
xâm nhập vào năm 2015.
Theo cáo buộc của cơ quan an ninh Đức, nhóm tin tặc nói trên là do cơ
quan tình báo quân đội Nga chỉ huy. Mục tiêu xâm nhập là nhằm thu thập
các bí mật quốc phòng và kinh tế của nước Đức. Không chỉ có máy điện
toán của bà Merkel, các máy tính của quốc hội Đức cũng bị xâm nhập trong
vụ tấn công vào năm 2015.
Dĩ nhiên chính phủ Nga lập tức bác bỏ cáo buộc là chủ mưu vụ tấn công
nói trên. Tuy nhiên, các chuyên gia Đức đã phăng ra được hai địa chỉ
thu nhận dữ liệu từ máy của bà Merkel, đặc biệt là các email mà bà
Merkel trao đổi từ năm 2012 đến năm 2015.
INDONESIA TỐ CÁO TRUNG CỘNG NGƯỢC ĐÃI NGƯ DÂN LÊN LHQ
Ngày 12/5, Indonesia đã đưa vấn đề Trung cộng ngược đãi người
Indonesia làm việc trong ngành đánh cá tại cuộc họp của Hội đồng Nhân
quyền LHQ.
Theo báo mạng Asian Review loan tin hôm 13/5, tại cuộc họp trực
tuyến với Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, chủ đề “Tác động của đại
dịch Covid-19 với nhân quyền”, phái đoàn Indonesia tại LHQ đã đưa ra sự
kiện các ngư dân Indonesia bị chủ ngược đãi khi làm việc trên tàu
cá Trung cộng khiến cho 4 người chết.
Indonesia đã kêu gọi Hội đồng Nhân quyền LHQ cảnh giác với các hành
vi lạm dụng trong ngành thủy sản, sau khi xác của ba ngư dân Indonesia
bị chủ tàu cá Trung cộng ném xuống biển vào tháng 3 và tháng 4 vừa
qua.
Ông Hasan Kleib, đại sứ Indonesia tại LHQ ở Geneva, lên tiếng trong
phiên họp rằng: “Indonesia yêu cầu hội đồng có quyết định nhanh để
bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, mà trước mắt là quyền của
người làm việc trong ngành thủy sản”.
No comments:
Post a Comment