Liên tục chương trình, mời quý thính giả theo dõi Chân Dung Người Tù Lương Tâm Hoàng Đức Bình do Thúc Lân biên soạn qua giọng đọc của Bảo Trân.
Chắc hẳn chúng ta còn nhớ đến vụ tuyệt thực hồi tháng 5/2019 của một
số TNLT tại trại giam An Điềm (Quảng Nam) nhằm phản đối sự ngược đãi của
nhà tù này đối với nhà hoạt động Nguyễn Văn Hóa trong bài viết về ông
Nguyễn Bắc Truyển của Chuyên mục. Hôm nay, chúng tôi xin gửi tới quý
thính giả bài viết về nhà hoạt động Hoàng Bình, một trong những người đã
tham gia tuyệt thực để bảo vệ bạn tù bị bách hại là Nguyễn Văn Hóa.
Nhà hoạt động nhân quyền Hoàng Bình, tên thật là Hoàng Đức Bình sinh
năm 1983 tại Nghệ An. Hoàng Bình là thành viên Phong trào Lao Động Việt-
một tổ chức XHDS độc lập chủ trương bảo vệ quyền lợi của người lao động
tại Việt Nam.
Năm 2016, xảy ra sự kiện Formosa thải độc ra biển, Hoàng Bình trở
thành một trong những gương mặt nổi bật trong phong trào bảo vệ môi
trường, khởi kiện và đòi công ty này bồi thường thiệt hại cũng như yêu
cầu ngừng hoạt động tại Việt Nam. Ngoài việc tham gia vào các hoạt động
tranh đấu bảo vệ môi trường, chống Formosa và lên án thế lực cầm quyền
chống lưng cho công ty này, Hoàng Bình còn là một trong những người cập
nhật nhiều tin tức kịp thời để đưa ra công luận. Đặc biệt là các thông
tin, hình ảnh người dân bị công an, côn đồ, quân đội Việt cộng đàn áp
khi đi khiếu kiện. Vào thời điểm đó, nhà cầm quyền đã huy động toàn bộ
hệ thống báo chí, tuyên giáo và công an, quân đội, để một mặt ngăn cấm
các thông tin liên quan đến Formosa, định hướng dư luận theo hướng có
lợi cho thủ phạm gây ra thảm họa môi trường, tấn công những nhà báo,
blogger độc lập và đặc biệt là đánh đập, tấn công bằng bạo lực đối với
bất cứ ai muốn tiếp cận khu vực được cho là “điểm nóng”. Đó là chưa kể
việc cho hàng chục ngàn dư luận viên điên cuồng hoạt động trên mạng xã
hội nhằm tấn công những người viết bài, bình luận về sự kiện trên. Vì
vậy, để có được các hình ảnh và tin tức nóng hổi, đòi hỏi người đưa tin
không những sự nhanh nhẹn, nhạy bén, trung thực mà còn là sự quả cảm,
mạo hiểm và chấp nhận bị bắt bớ, đánh đập bất cứ khi nào.
Tất nhiên, trong bối cảnh như thế Hoàng Bình và những người như anh
trở thành “đối tượng” phải bị trừng trị để “bảo đảm yên ổn cho tình hình
chính trị- xã hội” theo lý lẽ mà nhà cầm quyền đưa ra. Ngày 15-05-2017,
khi đang đi cùng xe với Linh mục Nguyễn Đình Thục- cũng là một nhà hoạt
động nhân quyền- tại địa phận Diễn Châu (Nghệ An) thì Hoàng Bình bị
bắt. Vụ việc khi ấy được Linh mục Nguyễn Đình Thục mô tả lại rằng khi xe
đang đi trên đường bình thường thì bị một nhóm công an giao thông chặn
lại. Sau đó có một nhóm công an mặc sắp phục và cả người mặc thường phục
“Đột nhiên xuất hiện, giật cửa xe và ập vào thô bạo kéo một người
đang ngồi trong xe ô tô của tôi là anh Hoàng Đức Bình ra khỏi xe và đem
đi mất,” mà không có lệnh bắt người. Tối hôm đó, đài truyền hình Nghệ An
đưa tin về vụ bắt giữ Hoàng Đức Bình. Trong tờ biên bản bắt giữ được
chiếu trên truyền hình, anh Bình viết rằng “Tôi không đồng ý vì công an
Nghệ An đã đánh đập và bắt tôi trái luật.” (Hết trích).
Như vậy, công an cộng sản VN đã dùng luật rừng để bắt giữ Hoàng Bình
mà không cần đến lệnh bắt, không cần thông báo cho thân nhân của người
bị bắt. Và truyền hình Nghệ An là cơ quan đưa thông tin Bình bị khởi tố
hình sự chứ không phải cơ quan công an hay một cơ quan tố tụng nào ra
thông báo theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Thêm nữa, trước
khi bắt giữ, công an, mật vụ đã đánh đập Hoàng Bình một cách tàn tệ.
Tính đến thời điểm bài viết này lên sóng, tức là ba năm sau khi bị bắt,
vết thương của nhà hoạt động này vẫn chưa lành. Hôm 15/5/2020, ông Hoàng
Nguyên- em trai Hoàng Bình đã viết trên facebook nhân 3 năm nhà hoạt
động này bị đánh, bị bắt rằng “hiện sức khỏe anh không được tốt như
trước. Những vết đánh hôm anh bị bắt đến nay vẫn chưa khỏi, lâu lâu vẫn
bị chảy nước ở tai. Hiện tại anh đang thiếu hụt canxi và có lần anh ngất
xỉu, phải gọi bác sĩ trại giam cấp cứu”.
Ngày 6/2/2018, TAND tại Nghệ An đã mở phiên xét xử sơ thẩm đối với
hai ông Hoàng Bình và Nguyễn Nam Phong. Ông Hoàng Bình bị cáo buộc hai
tội danh là “Chống người thi hành công vụ” và “Lợi dụng các quyền tự do
dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ
chức, công dân”, mỗi tội danh bị tuyên 7 năm tù giam, tổng cộng 14 năm
tù. Ông Nguyễn Nam Phong bị cáo buộc “Chống người thi hành công vụ” và
chịu 2 năm tù giam. Ông Hoàng Bình kháng án và phiên phúc thẩm sau đó đã
tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm đã tuyên ngày 6/2/2018 đối với ông.
Cũng xin giới thiệu sơ về ông Nguyễn Nam Phong. Ông Phong sinh năm 1980
tại Nghệ An. Ông là một người Công Giáo làm nghề tài xế. Khi xảy ra các
vụ kiện chống lại Formosa, ông đã ủng hộ đồng bào mình bằng cách tình
nguyện chở bà con đi khiếu kiện. Trong thời gian hai năm ở tù, cha đẻ
của ông Phong qua đời. Khi chỉ còn ít ngày nữa là ông Phong ra tù thì
con gái ông, bé Nguyễn Hải Giang mới 16 tuổi cũng qua đời vì căn bệnh
ung thư xương. Sự kiện đó khiến cho bạn bè, công luận không khỏi thương
xót cho gia cảnh của TNLT này.
Sự kiện Hoàng Bình, Nguyễn Bắc Truyển và một số TNLT khác tuyệt thực
trong tù hồi tháng 5/2019 để phản đối sự ngược đãi đối với TNLT Nguyễn
Văn Hóa đã gây rúng động trong giới hoạt động tranh đấu. Ngày 24/5/2019,
bà Nguyễn Thị Vạn, mẹ của Hoàng Bình đã gửi một thư ngỏ đến các tổ chức
nhân quyền và chính phủ các nước để kêu cứu cho con trai cùng một số tù
chính trị khác đang gặp nguy hiểm tại trại giam An Điềm, tỉnh Quảng
Nam.
“Mạng sống của Hoàng Đức Bình, Nguyễn Bắc Truyển và các tù nhân lương tam khác tại nhà tù Quảng Nam đang bị đe doạ”, bức thư có đoạn viết.
Trong bức thư ngỏ, bà Phạm Thị Vạn cũng cho biết gia đình bà đang gặp nhiều khó khăn, khủng bố từ nhà cầm quyền “Suốt
bao lâu nay, gia đình tôi liên tục bị nhà cầm quyền cộng sản o ép, đe
doạ. Các con tôi, tức các em trai của Hoàng Đức Bình luôn luôn bị cộng
sản tìm mọi cớ đánh đập, ngăn chặn mọi công ăn việc làm để nuôi sống gia
đình. Các con tôi đều bị cấm xuất cảnh, dù là xuất cảnh sang Lào để làm
thuê kiếm sống.
Là người mẹ, tôi không thể lặng im ngồi nhìn con mình bị đày đọa,
có thể bị chết trong tù, những đứa con khác luôn luôn bị uy hiếp, ngăn
chặn công việc làm ăn, đe dọa mạng sống.” .
Năm 2018, Hoàng Đức Bình cùng với tù nhân lương tâm Trần Thị Nga và
nhà hoạt động Phạm Đoan Trang được Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam trụ sở ở
Hoa Kỳ trao giải năm 2018 về những cống hiến của họ cho các hoạt động
tranh đấu thúc đẩy nhân quyền, dân chủ tại Việt Nam.
Thúc Lân
No comments:
Post a Comment