Nguyễn Lê, một nhà thơ quê hương từ miền sông nước Hậu Giang. Một
người đã yêu thơ từ khi còn nhỏ, như chính tác giả đã thổ lộ trong phần
giới thiệu Tuyển Tập Thơ-Phú về Quê Hương, Tình Yêu và Thân Phận của tác
giả, xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2017 như sau:
“Còn nhớ, hơn nửa thế kỷ trước, lúc còn mài đũng quần trên ghế
trường tiểu học, người viết bắt đầu tập tễnh làm thơ. Mỗi dịp hè, mỗi kỳ
nghỉ Tết là những cơ hội bằng vàng để người viết lục lạo, ghi chép
những bài thơ đủ thể loại của vô số thi sĩ nằm chật ních ở tủ sách của
mấy ông anh trong gia đình. Sau đó, chúng được mang ra vựa củi ở cuối
vườn để nhâm nhi, tra cứu đến độ bỏ ngủ, quên ăn”.
Mặc dầu yêu thơ say sưa đến quên ăn quên ngủ, nhưng cuộc đời lại đưa
đẩy Nguyễn Lê vào những ngả đường khác, từ việc xuất ngoại du học, trở
về phục vụ trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, tù tội nhiều năm trong các
trại tù của CS sau khi Miền Nam Việt Nam bị cưỡng chiếm. Được thả, rồi
tìm đường vượt biên, đến được đất tự do, thì hồn thơ mới sống dậy. Ta
hãy nghe tác giả tâm sự:
“Năm 1983, sau những năm tháng tù tội và một lần vượt biên đến
Trại Tỵ Nạn Galant, Nam-Dương, người viết may mắn gặp lại ông thầy dạy
Việt văn ở Việt-Nam. Đang đảm trách thư viện nhỏ của Trại, cụ đã cho
thằng học trò cũ một công việc (tiền lương đủ ăn sáng) là phụ giúp lặt
vặt, quét dọn và xếp lại toàn bộ sách vở, tài liệu theo thứ tự hướng dẫn
của cụ. Ngoài công tác cộng đồng, công việc này chiếm hầu hết thì giờ
trong gần nửa năm trời trước khi được phái đoàn Di-Trú Hoa-Kỳ nhận,
người viết có cơ may dán mắt vào những trang sách thi văn của Việt-Nam
thời cổ. Niềm mơ ước ngày nào trên lãnh vực sáng tác lại bừng bừng nổi
dậy ở mức độ bỏ ngủ, quên ăn. Và lần này, hấp dẫn nhất nhưng cũng phức
tạp, nặng nề nhất lại là lãnh vực phú. Người viết chỉ còn biết ôm đầu mê
mẩn lòn lách trong rừng luật lệ, chữ nghĩa của tiền nhân mà suy nghiệm
và học hỏi.”
Như ta vừa nghe tác giả chia sẻ, Nguyễn Lê mê thơ, nhưng ông đặc biệt
quan tâm tới phú – Thơ-Phú. Phú là một thể loại văn chương cổ trong
văn học nước ta, đã có từ xa xưa, như bài “Cư trần lạc đạo phú” và “Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca”của vua Trần Nhân Tông, soạn bằng chữ Nôm. Bài “Ngọc tỉnh liên phú” của Mạc Đĩnh Chi và “Bạch Đằng Giang phú” của Trương Hán Siêu.
Gần hơn có bài Tài Tử Đa Cùng Phú của Cao Bá Quát, hay Phú Thầy Đồ của
Tú Xương. Ngày nay phú là thể văn còn dùng để làm các bài văn tế. Trong
tuyển tập Thơ Phú của Nguyễn Lê, ông đã sáng tác 3 bài phú. Chúng tôi sẽ
giới thiệu với quí thinh giả sau.
Thơ Nguyễn Lê cũng xoay quanh ba chủ đề lớn là Quê Hương, Tình Yêu và
Thân Phận con người; nhưng thơ Nguyễn Lê có những nét độc đáo, khó tìm
được ở những thi sĩ khác, trước hết tác giả dùng đến những từ ngữ đặc
thù địa phương của vùng việt vườn sông nước ở Miền Nam. Như chữ Rông là
tiếng chỉ con nước vào đầu và giữa tháng Âm Lịch, hay buồng dừa Xiêm,
quày chuối Dà Hương, những sản phẩm đống quê rất quen thuộc. Nét đặc
biết thứ hai là tác giả nhân cách hóa, gọi quê hương bằng tiếng em
ngọt ngào, theo sau là những từ ngữ mô tả nét đẹp, nét quyến rũ của quê
hương. Mở đầu tập thơ, ta hãy nghe bài Chính Em, tác giả sáng tác ngày
10 tháng 3, 2005.
Em là con nước Rông đầu hạ
Em là bóng trăng thu đêm rằm
Em dìu dặt lá xanh đồng mạ
Em Én về ríu rít chào xuân
Em chùm quit chùm cam mời gọi
Em buồng dừa Xiêm nạo sai oằn
Em quày chuối Dà-Hương chín bói
Em vườn mít vườn dâu xanh um
Em hoàng hôn mưa qua xóm vắng
Em nhạc Dế non nỉ canh trường
Em đèn Chong cô đơn thức trắng
Em giọng Cuốc buồn trong hơi sương
Em chiều đông âm u rét mướt
Em mẹ hát ru giấc “ơi à”
Em tình Ngưu chờ duyên Ô-Thước
Em ngậm ngùi Chức-Nữ trời xa
Em lời kinh giáo đường chiều xuống
Em mục tử lùa trâu trên đồng
Em thôn nữ thẹn thùa nghiêng nón
Em hồi mõ hồi chuông Thu-Không
Em bình minh chói chang ruộng lúa
Em dòng nước phù sa ngọt ngào
Em đường quê vi vu hương gió
Em đêm dài lấp lánh ngàn sao
Là đất là người là núi là sông
Là gấm là hoa là nhớ là thương
Em chính là Quê Hương
Em chính là Quê Hương!
Quê tác giả thuộc Cái Mơn, một địa danh quen thuộc với lịch sử Giáo
Hội Công Giáo Việt Nam. Trong bài thơ Nguyễn Lê viết năm 1961 về Cái
Mơn, có lẽ lúc ấy tác giả ở nơi nào đó rất xa quê quán, ông không mô tả
cảnh trí quê hương mình, mà chỉ diễn tả nỗi lòng thương nhớ như phải xa
lìa ngươi yêu muôn thuở. Ở đây người yêu và quê hương lúc ẩn lúc hiện
tựa một giấc chiêm bao, nửa hư nửa thật, còn tác giả như một chàng giang
hồ phiêu bạt bốn phương, ngày về thì vô định:
Trôi nổi kiếp phong sương
Mang theo bóng Quê Hương
Mang cả niềm tâm sự
Trong quang gánh đoạn trường!
CÁI-MƠN
CÁI-MƠN
Ai dừng đây một thuở
Chuyện đường xa áo giang hồ rũ bỏ
Vì mộng mị hão huyền
Say tìm giấc mơ duyên
Vào cuộc tình non dại
Đời chưa biết bạc đen
Đêm nghe gió rú ngoài hiên
Ai còn thao thức ai còn ủ ê
Sao rơi sương lạnh bốn bề
Thư đi thì có thư về thì không
CÁI-MƠN
CÁI-MƠN
Ai nhắc làm chi nữa
Ngậm ngùi đi tình xưa còn chan chứa
Vô định một ngày về
Mây chiều vương lê thê
Sầu chinh lòng lữ khách
Lý tưởng ôi đam mê
Cuộc đời giăng bụi bên lề
Tới lui lui tới não nề thân trai
Đêm buồn sao vỡ trăng cài
Dáng xưa người cũ tháng ngày phôi pha
CÁI-MƠN
CÁI-MƠN
Ai ngâm câu vĩnh biệt
Trót lìa xa thôi thôi đừng tha thiết
Dang dở trọn cung đàn
Người ơi hãy sang ngang
Cho tình ta muôn thuở
Vùi chôn nắm mộ tàn
Nắng rơi chang chói trên ngàn
Hồn chưa qua hết đông hàn tiêu sơ
Trùng dương thăm thẳm vô bờ
Lãng quên dĩ vãng hững hờ tương lai
CÁI-MƠN
CÁI-MƠN
Ai có còn lưu luyến
Mùa mưa qua qua rồi chùng tơ phím
Trôi nổi kiếp phong sương
Mang theo bóng Quê Hương
Mang cả niềm tâm sự
Trong quang gánh đoạn trường!
HS, MN, BC vá KA xin hẹn quí thính giả trong TCYN lấn tới.
Khôi Anh
No comments:
Post a Comment