Thursday, May 7, 2020

NGÀY CỦA MẸ – MẸ VIỆT NAM

Thi Ca Yêu Nước
Khôi Anh
Lời dẫn: Chúa Nhật này, ngày 11/5/2020 tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia mừng Ngày Hiền Mẫu, Ngày Của Mẹ, TCYN muốn cùng quí thinh giả thưởng thức một vài bài thơ dành cho các bà mẹ. Chúng tôi cũng kính chúc các bà mẹ được tràn đầy niềm vui bên con cái và người thân, đặc biệt Mẹ Việt Nam, Mẹ Âu Cơ, đang nhìn đàn con phải xa lìa tổ ấm, tản mát khắp nơi mà lòng xót xa đau đớn, mong sao cho nước mắt mẹ bớt ngưng rơi!
Ngày Chúa Nhật thứ hai trong tháng Năm tại Hoa Kỳ và một số nước được dành để vinh danh các bà mẹ, đó là Ngày Của Mẹ, Ngày Hiền Mẫu. Ngày lễ mẹ lần đầu tiên được tổ chức tại thị trấn Grafton, tiểu bang West Virginia là ngày 10 tháng 5, 1908, do cô Anna Jarvis khởi xướng. Mặc dầu rất bận dạy học, nhưng Anna luôn dành nhiều thời giờ để phụng dưỡng mẹ là bà Anna Reese Jarvis, khi mẹ qua đời ngày 9 tháng 5 năm 1905, lúc cô đã 41 tuổi. Cô tiếp tục sống độc thân, lo phụng dưỡng cho người chị cũng như các bà mẹ của bạn bè.
Hàng năm cô Anna đều tổ chức lễ giỗ mẹ, và bàn thảo với các bạn vận động để có một ngày trong năm đặc biệt dành cho mẹ. Kết quả là năm 1913, tiểu bang West Virginia và Pennsylvania đã chấp thuận đề nghị ấy. Tiếp theo Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua và chọn ngày Chúa Nhật Thứ Hai trong tháng 5 để tri ân tất cả các bà mẹ. Sau cùng, ngày 9 tháng 5, 1914, Tổng Thống Wilson đã công bố quyết định này. Kể từ đó, ngày lễ mang ý nghĩa cao quý ấy đã lan sang các nước như Canada, Mễ Tây Cơ, một số nước Âu Châu, Nam Mỹ, đến tận bên kia bờ Thái Bình Dương như Nhật Bản và ngay cả các nước Phi Châu.
Ngoài những hình thức chúc mừng, tặng quà, thăm viếng của con cái dành cho mẹ trong Ngày Hiền Mẫu, những người con thường cài trên áo đóa hoa cẩm chướng màu trắng nếu mẹ đã quá cố, hoặc đóa hoa màu hồng dành cho những ai hân hạnh còn mẹ. Riêng cô Anna Jarvis, người khởi xướng đã không được hưởng vinh dự làm mẹ, vì cô sống độc thân, rồi qua đời ngày 24 tháng 11, 1948 tại nhà An dưỡng West Chester, bang Pennsylvania, trong cô đơn, nghèo khổ của một người đã dành trọn cả 84 tuổi đời trong cuộc sống chỉ để phục vụ và yêu thương tha nhân.
Đối với người Việt Nam, thì Mẹ có một vị trí rất đặc biệt trong cuộc sống của mỗi người, dù con cái ở tuổi nào, ở vị trí nào trong xã hội, giàu hay nghèo, sang hay hèn, mẹ vẫn là nguồn ủi an vô biên, là nơi nương tựa an toàn nhất của cuộc đời. Chẳng những mỗi người đều có mẹ để yêu thương, mà cả dân tộc còn có một người mẹ chung rất vĩ đại, là mẹ Việt Nam, Mẹ Âu Cơ. Để tỏ lòng yêu mến mẹ, mời quí thinh giả nghe bài “Trường Ca Mẹ Âu Cơ” của GS Ngô Quốc Sĩ:
TRUỜNG CA MẸ ÂU CƠ
Âu Cơ lòng mẹ ngàn thương
Sữa thơm đã nức trăm con Lạc Hồng
Non cao biển thẳm Tiên Rồng
Vòng tay nồng ấm trời đông vỗ về
Sử xanh hùng gót sơn khê
Vung tay Phù Đỗng chém tre bạt ngàn

Thăng Long ngất nghểu trời Nam
Rùa thiêng kiếm báu chỉ ngang mặt thù
Sài Gòn ngà ngọc thiên thu
Hương Giang trăng nước lời ru ngọt ngào
Cửu Long cá lội xôn xao
Biển cha núi mẹ dạt dào âm xưa

Mẹ Âu Cơ hùng vĩ xinh đẹp như thế, nhưng những đứa con của mẹ lại chẳng biết giữ gìn mảnh giang sơn ấy, lại chẳng bảo bọc nhau trong tình đồng bào cùng chung huyết thống, mà gây ra muôn vàn đau thương tang tóc cho mau, để đàn con của mẹ nhìn nhau bằng ánh mắt hận thù, phải xa lìa tổ ấm, đau đớn thay!

Nổi trôi mệnh nước chao đưa
Thuyền nan gối sóng cho vừa nhặt khoan
Trăm con ngụp lặn sử đen
Nội thù giày xéo ngoại xâm đọa đày
Mặt người dạ thú cuồng say
Bàn tay đao phủ quyết xây ngai vàng

Tội đời chát mặn biển Đông
Lấm lem nhục sử nát lòng cháu con
Mẹ về nhặt lá Trường Sơn
Đốt lên hương khói niệm hồn thác oan
Nồi da xáo thịt xay gan
Giàn thiêu cốt nhục Bắc Nam một dòng

Mẹ thu mảnh ván bềnh bồng
Nhóm lên từng đóm lửa hồng lất lây
Xác con trôi giạt chân mây
Hồn con tức tưởi dưới tay dâm cuồng
Mẹ vào ngục tối thê lương
Tinh hoa con mẹ trơ xuơng nhục hình

Châu thân máu nhuộm hôi tanh
Chí trai còn đó tinh anh nát nhầu
Mẹ nhìn ngọn tháp ngất cao
Giáo đường nức nở hận trào lời kinh
Tay lần chuỗi hạt cung nghinh
Làn môi mấp máy phận mình rong rêu

Nỗi xót xa dâng trào trong lòng mẹ, khi phải nhìn những đứa con đã chối bỏ truyền thống bảo vệ đất mẹ của cha ông suốt trong mấy nhìn năm lịch sử, chúng đang tâm cắt nát thân mẹ, đem dâng hiến ngoại bang, để đổi lấy sức mạnh phi nghĩa mà giết hại anh em mình!

Mẹ ra biên ải nhìn theo
Mịt mờ sương khói ải đầu mất tăm
Bản Giốc suối nhỏ thì thầm
Ai đem sông núi hiến dâng ngoại thù
Mẹ xem biển mặn nghìn thu
Hoàng Sa chìm khuất mịt mù khói sương
Trường Sa ai thấu đoạn trường
Ai đem từng mảnh thịt xuơng chôn vùi

Mẹ về Đồng Tháp miền xuôi
Dân oan đói khổ kêu đòi áo cơm
Ruộng vườn hoa trái ngát thơm
Tay ai cướp mất chén cơm nghẹn ngào
Thăng Long rồng lượn ngất cao
Ba Đình xác ướp ai chào ai than?

Tội đồ điếm nhục sử xanh
Mẹ đưa tay dứt hôi tanh một thời
Dân Nam hớn hở mừng vui
Cháu con Hồng Lạc ngậm ngùi tay đan..
Trước cảnh đau thương tang tóc của quê hương, từng đàn con phải xa nơi cố quốc, phiêu bạt bốn phương trời, nhưng dẫu từ góc bể phương trời nào, đoàn con vẫn hướng về quê mẹ, tình của mẹ vẫn là nguồn sức mạnh vô biên của đàn con lưu lạc. Tâm tình ấy đã được Duy Giang viết thay cho đàn con viễn xứ trong bài “Mẹ Việt Nam” sau đây:

Mẹ Việt Nam
tình của mẹ , cho con thêm sức mạnh
trên bước đời dẫu gặp cảnh gian lao.
lời ru xưa nhuộm mộng của trăng sao
cây bút viết nguồn thơ trào… nghĩa mẹ

con đi xa nơi cuối trời góc bể
thương quá Việt Nam, dáng mẹ tảo tần.
đã mấy mùa lệ gửi nắng mùa xuân
rơi vai mẹ trong khoảng sân trước ngõ.

kính yêu ơi… trong lệ lòng con nhỏ
theo giọt mưa xuân trên vai mẹ héo gầy
bánh vuông tròn, gói trời đất nồng say
mẹ mong ngóng, bước con quay trở lại.

giọt mưa xuân rơi muôn ngàn tê tái
muốn hòa vào khắc khoải tiếng gọi con
cành hoa đào hồng sắc thắm môi son
đầu ngõ đợi – đàn chim còn…xa tổ.

ấm êm ơi… lòng tôi ngàn trăn trở
thương câu ca Lòng Mẹ bao đời
bước chân ơi… trong xa cách tái tê
nhìn Xuân đến.. sao không về với mẹ ?

có phải không trong cuộc đời phải thế
chúa an bài – cho nỗi nhớ Mẹ Con.
từ ngàn năm trong mỗi trái tim Son
đều muốn ngủ trong vòng tay bảo vệ.

chân trời xa chúng con đều nhớ mẹ
thương kính yêu – trong dâu bể cam đành
nhớ Việt Nam trong dáng mẹ năm canh
mắt nhân hậu, nụ cười dành…tình biển.

Nghe tiếng mẹ gọi lòng chúng con vô cùng phấn khởi, nhưng còn đang ngơ ngác trong bóng tối mịt mù, không biết đâu là phương hướng, đâu là nẻo đường để đoàn viên tụ hội, bỗng từ xa kìa ánh đuốc sáng ngời, soi cho đàn con thấy hướng đi tiến tới. Kìa ngọn đuốc, “Ngọn Đuốc Mẹ Việt Nam”, bài thơ do Lưu Vĩnh Hạ, viết lên niềm hy vọng cho đoàn con của Mẹ Âu Cơ:

Ngọn Đuốc Mẹ Việt Nam
Ngọn đuốc ấy thấp lên từ tâm khảm
Đốt bạo tàn cho tiếng nói tự do
Mẹ Việt Nam ấp ủ những cánh cò
Thương đàn con đang tìm đường công lý

Ngọn đuốc ấy thêm vào trang sử ký
Mẹ là ai mà chẳng sợ cùm gông
Mẹ là ai mà chẳng sợ lửa hồng
Đem ánh sáng thắp trong lòng tăm tối

Đường con đi còn ghập ghềnh đá sỏi
Như xương rồng thương lắm những mùa hoa
Ngọn đuốc kia dù ánh lửa nhạt nhòa
Nhưng cũng đủ làm quân thù khiếp sợ

Ánh sáng kia soi lòng con muôn thuở
Mẹ Việt Nam là ngọn đuốc quê hương
Mẹ Việt Nam một ý chí quật cường
Yêu thiết tha người con yêu nhân bản

Ngọn đuốc ấy mãi muôn đời soi sáng
Cho nhân quyền và tiếng nói tự do
Mẹ Việt Nam còn đó những cánh cò
Chắp đôi cánh cho con đường công lý

Ôi, Mẹ Việt Nam, Mẹ Âu Cơ thật tuyệt vời khôn tả, theo ánh đuốc mẹ soi đường, một ngày không xa, đoàn con lại tụ về trong vòng tay yêu thương ngàn đời của Mẹ, mẹ ơi!
NM, HS, BC và KA hẹn gặp lại quí thinh già trong TCYN lần tới.

No comments:

Post a Comment