Liên tục chương trình, mời quý thính giả theo dõi Chân Dung Người Tù Lương Tâm Nguyễn Văn Oai do Thúc Lân biên soạn qua giọng đọc của Bảo Trân.
Năm 2011 Nguyễn Văn Oai bị bắt với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ
chính quyền nhân dân” điều 79 BLHS năm 1999. Năm 2013, Oai bị đưa ra tòa
cùng với nhiều người khác mà công luận vẫn gọi là vụ án “14 thanh niên
Công Giáo và Tin lành”. Anh bị kết án 4 năm tù giam, 4 năm quản chế.
Người bị kết án nặng nhất trong nhóm này là Đặng Xuân Diệu và Hồ Đức Hòa
với bản án 13 năm tù giam. Ông Diệu được chính phủ Pháp can thiệp và
được phóng thích trước thời hạn. Hiện Đặng Xuân Diệu đang định cư tại
Pháp. Hồ Đức Hòa là người duy nhất chưa được trả tự do trong số 14 người
và hiện đang thụ án tại nhà tù Nam Hà.
Năm 2015, Nguyễn Văn Oai mãn án tù nhưng anh tuyên bố sẽ tiếp tục đấu
tranh cho tự do, dân chủ. Nguyễn Văn Oai khẳng định bản án 4 năm tù
giam của anh là bất công, sai trái và anh tuyên bố không chấp hành bản
án quản chế.
Ngày 19/1/2017, Nguyễn Văn Oai bị một nhóm người mặc thường phục bắt
khi đang đi trên đường tại thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Anh bị cáo
buộc hai tội danh “Chống người thi hành công vụ” và “Không chấp hành bản
án quản chế” của bản án năm 2013. Ngày 20/1, một ngày sau khi bắt
Nguyễn Văn Oai, công an xã Quỳnh Vinh mới thông báo cho gia đình anh về
việc bắt giữ này. Việc “chống người thi hành công vụ” thực chất chỉ là
trò vu khống của công an nhằm hãm hại Nguyễn Văn Oai. Nhà cầm quyền bắt
Nguyễn Văn Oai và một số người khác như Hoàng Đức Bình, Nguyễn Văn Hóa
là để giảm nhiệt làn sóng phản đối Formosa đang ngày một tăng trong dân
chúng.
Nguyễn Văn Oai bị tòa án cộng sản tại Nghệ An đưa ra xét xử ngày
18/9/2017. Anh bị kết án 5 năm tù giam và 4 năm quản chế cho hai tội
danh “Chống người thi hành công vụ” (điều 257) và “Vi phạm lệnh quản
chế”(điều 304 BLHS). Luật sư biện hộ cho Nguyễn Văn Oai nói rằng anh vô
tội và bản án 5 năm tù giam đối với anh là bất công, sai trái. Chị Hồ
Thị Châu, vợ của Nguyễn Văn Oai, nói rằng không một ai trong gia đình
được vào tham dự phiên tòa dù đã được thông báo là “xét xử công khai”.
Chị cũng nói bản án 5 năm tù dành cho anh Oai đã được định sẵn trước đó.
Và “mọi lời biện hộ của luật sư tại tòa đều vô nghĩa.” Vợ anh Nguyễn
Văn Oai sinh con gái đầu lòng chỉ một tháng trước khi phiên tòa diễn ra.
Khẳng định đây là bản án sai trái nên Nguyễn Văn Oai cho luật sư biết
rằng anh sẽ kháng án. Tuy nhiên phiên tòa phúc thẩm sau đó đã tuyên giữ
nguyên bản án 5 năm tù giam 4 năm quản chế đối với anh.
Chỉ sau phiên phúc thẩm ít ngày, Nguyễn Văn Oai đã bị chuyển từ trại
tạm giam Nghệ Anh đến phân trại số 4, trại giam Gia Trung, Huyện Mang
Yang, tỉnh Gia Lai, cách xa nhà cả ngàn km. Việc chuyển các TNLT đến các
nhà tù cách xa nơi họ sinh sống, cư trú là việc làm vi phạm pháp luật,
vi phạm nhân quyền không chỉ đối với bản thân người tù mà còn đối với
người thân của họ. Đây là một cách thức gây khó khăn cho việc thăm nuôi,
tốn kém chi phí cho việc di chuyển và gây rủi ro cho việc đi lại.
Nguyễn Văn Oai là một trong số ít những con người đáng quý, biết sống
cho lý tưởng tự do và dấn thân bảo vệ sự thật. Khi hàng triệu thanh
niên Việt Nam khác đang chìm ngập trong hưởng thụ, chạy theo các giá trị
vật chất tầm thường, ích kỷ thì Nguyễn Văn Oai phải lìa xa vợ con, cha
mẹ, sống cảnh tù đày khổ ải. Đất nước Việt Nam sau này hồi sinh, là nhờ
một phần công sức đóng góp của những Nguyễn Văn Oai, Hồ Đức Hòa, Nguyễn
Viết Dũng, Nguyễn Văn Hóa, Hoàng Đức Bình… và những người yêu nước khác.
Thúc Lân
No comments:
Post a Comment