Kính thưa quý thính giả, lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc
Việt đã sản sinh nhiều bậc anh hùng, kiên cường chiến đấu trong tinh
thần bất khuất để giành lại nền tự chủ cho đất nước. Sau khi cuộc khởi
nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng thất bại, ngày 17/6/1930, một đảng
trưởng và 12 đảng viên hiên ngang bước lên máy chém ở Yên Bái … Qua
chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính
giả bài “Phó Đức Chính và cuộc khởi nghĩa Yên Bái” của Việt Thái qua
giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm
nay.
Việt Thái
Phó Đức Chính sinh năm 1907 trong một gia đình nho học tại làng Đa
Ngưu (nay thuộc xã Tân Tiến) huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông là con
út trong gia đình có 4 anh chị em, cha ông là cụ Duy Chân. Cụ còn có tên
khác là Đức Chân và Đức Tường. Cụ Duy Chân có 4 người con: Phó Đức Chỉ,
Phó Đức Ước, Phó Thị Quy, và Phó Đức Chính.
Tháng 10 năm 1927, Nguyễn Thái Học triệu tập số người còn lại trong Nam Đồng Thư Xã thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ), Chi bộ đảng đầu tiên mang tên là “Chi bộ Nam Đồng Thư Xã”, do Nguyễn Thái Học làm Chi bộ trưởng. Tháng 12 năm 1927, VNQDĐ tổ chức Đại hội đảng lần thứ nhất và Nguyễn Thái Học được bầu làm Chủ tịch.
Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Thái Học với mục tiêu “đánh đuổi quân Pháp giành lại nền độc lập cho Việt Nam”. VNQDĐ nhanh chóng phát triển, kết nạp tầng lớp trí thức, giáo viên, nông dân, công chức và binh sĩ trong guồng máy cai trị với mục đích lật đổ nhà cầm quyền.
Tháng 12 năm 1927, Phó Đức Chính tham gia vào VNQDĐ, phụ trách công tác tổ chức và phát triển Đảng. Sau khi tốt nghiệp trường Công Chính, Phó Đức Chính được bổ nhiệm sang Lào làm việc. Kể từ ngày 9/12/1928, Phó Đức Chính giữ chức Phó chủ tịch VNQDĐ.
Đến đầu năm 1929, VNQDĐ đã thành lập được 120 chi bộ tại Bắc kỳ với 1500 đảng viên.
Trung tuần tháng 5 năm 1929, Nguyễn Thái Học triệu tập Đại hội toàn quốc tại làng Đức Hiệp, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, chuẩn bị khởi nghĩa. Mặc dù không tin chắc vào thắng lợi, vào ngày 17/9/1929, Tổng bộ VNQDĐ vẫn quyết định Tổng khởi nghĩa với một câu tuyên bố của Nguyễn Thái Học: “Không thành công thì thành nhân”.
Công việc chuẩn bị chưa hoàn tất, vào cuối năm 1929 tại Bắc Giang, một cơ sở chế bom bị tai nạn phát nổ, đầu năm 1930 quân Pháp khám phá thêm rất nhiều cơ sở chế tạo bom, đao, kiếm, khiến nhiều đảng viên VNQDĐ bị bắt.
Trước tình hình nguy cấp, ngày 26/1/1930, VNQDĐ họp mặt tại làng Mỹ Xá, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương, vạch ra kế hoạch tấn công vào một số đô thị và những yếu điểm quân sự của Pháp vào đêm 10, rạng ngày 11/2/1930 tại các tỉnh Sơn Tây, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Bắc Ninh, Đáp Cầu, Phả Lại, Yên Bái, Hưng Hóa, Lâm Thao và Hà Nội.
Theo kế hoạch ban đầu cuộc khởi nghĩa sẽ nổ ra trên 2 địa bàn chính ở Bắc Kỳ vào đêm 9/2/1930. Nguyễn Thái Học lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở miền xuôi, Phó Đức Chính và Nguyễn Khắc Nhu chỉ huy cuộc nổi dậy ở miền núi. Nhưng khi gần đến ngày nổi dậy, do cơ sở ở miền xuôi yếu kém, vừa bị đánh phá nặng nề nên không chuẩn bị kịp, Nguyễn Thái Học cử người báo cho Phó Đức Chính và Nguyễn Khắc Nhu đình hoãn cuộc nổi dậy cho đến ngày 15 tháng 2, nhưng liên lạc viên bị quân Pháp chận bắt giữa đường. Vì vậy, cuộc khởi nghĩa đã nổ ra tại nhiều địa điểm từ Sơn Tây, Phú Thọ cho tới Yên Bái vào đêm 9, rạng sáng ngày 10/2/1930.
Ngày 15/2/1930, mặc dù cuộc khởi nghĩa ở miền núi thất bại, VNQDĐ vẫn quyết định khởi nghĩa ở miền xuôi như kế hoạch cũ. Nơi vùng dậy quyết liệt nhất là ở Phụ Dực (Thái Bình) và Vĩnh Bảo (lúc đó thuộc Hải Dương). Cuối cùng sự việc không thành, ngày 15/2/1930, Phó Đức Chính bị bắt tại làng Nam An, tổng Cẩm Thượng, huyện Tùng Thiện, Sơn Tây và bị giam ở ngục thất Hỏa Lò tại Hà Nội.
Chiều ngày 16/6/1930, Pháp đã đưa ông và 11 đảng viên VNQDĐ cùng Nguyễn Thái Học từ Hà Nội lên Yên Bái xử chém vào ngày 17/6/1930. Ông là người thứ 12 bước lên máy chém và được nằm ngửa để xem lưỡi đao rơi xuống.
Sau khi hành quyết các nhà cách mạng VNQDĐ tại Yên Bái, Pháp cho chôn tất cả vào một ngôi mộ. Năm 1945, quân Việt Nam Quốc Dân Đảng chiếm đóng Yên Bái, cho trùng tu mộ phần và lập đền tưởng niệm. Ngày nay, khu lăng mộ này tọa lạc trong công viên Yên Hòa thuộc tỉnh Yên Bái và được xếp vào hạng di tích lịch sử.
* * *
Với chủ trương dùng vũ lực để lật đổ nhà cầm quyền thực dân Pháp để giành độc lập cho VN, cũng như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính và 11 đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng đã rạng danh trong sử Việt. Ông đã “đáp lời sông núi”, tự nguyện dâng hiến máu xương cho nước nhà. Mặc dù cuộc khởi nghĩa thất bại, nhưng đó là một điểm son trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt.
Nhưng điều đáng nói hơn hết là trong nhiều năm qua, dưới sự độc tài toàn trị của đảng CSVN có mức tàn bạo gấp trăm lần thực dân Pháp, nhưng dòng máu bất khuất của Phó Đức Chính vẫn luân chảy trong tim của các hậu duệ, những người đã quyết đấu tranh giành tự do dân chủ cho dân tộc. Ngày nào nước Việt còn thế hệ trẻ biết noi gương anh hùng như Phó Đức Chính thì dân tộc Việt chắc chắn sẽ khôi phục nền độc lập và chủ quyền lãnh thổ mà tập đoàn lãnh đạo CSVN đã hèn hạ dâng hiến cho bọn Tàu Cộng phương Bắc!
No comments:
Post a Comment