Wednesday, June 12, 2019

Tin Tức: Thứ Tư, ngày 12/06/2019

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Bảo Trân và Miên Dương trình bày sau đây:

1) NẠN NHÂN FORMOSA – HÀ TĨNH ĐỆ ĐƠN KIỆN LÊN TÒA ÁN ĐÀI LOAN.
Vào sáng ngày thứ Ba 11/6, 60 người Việt đã đứng ra mở cuộc họp báo trước tòa án Đài Bắc để loan báo việc kiện tập đoàn Formosa đòi bồi thường cho gần 10 ngàn nạn nhân của thảm họa cá chết ở ven biển miền Trung vào năm 2016.

Tham dự cuộc họp báo có một số tu sĩ Công giáo đến từ Việt Nam như: Đức cha Hoàng Đức Oanh_ cựu Giám mục Kontum, Linh mục Nguyễn Hồng Lĩnh và Linh mục Trần Văn Thành thuộc giáo phận Hà Tĩnh. Các đại diện cho biết là đã nạp đơn kiện và cung cấp bằng chứng cho tòa án. Sau đó phái đoàn Việt Nam đã kéo đến biểu tình trước tổng hành dinh của tập đoàn Formosa để yêu cầu bồi thường thỏa đáng cho các nạn nhân.
Theo nguồn tin của Sáng hội Bảo vệ Môi trường Đài Loan, nhóm đỡ đầu cho vụ kiện này thì trong đơn kiện, nguyên đơn yêu cầu bồi thường 140 triệu Đài tệ, tương đương 4, 460 triệu Mỹ kim, cho khoảng 10 ngàn người đã ký tên vào đơn kiện. Ngoài ra, đơn kiện cũng đề nghị điều tra về tiến trình phân chia khoản tiền bồi thường 500 triệu Mỹ kim trước kia mà tập đoàn Formosa đã giao cho nhà cầm quyền Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/victims-of-formosa-spill-in-vietnam-seek-compensation-06112019095545.html
2) TIN VỀ TNLT LÊ ANH HÙNG VÀ CON GÁI TNLT NGUYỄN NAM PHONG.
Theo tin từ blogger Phạm Thanh Nghiên, ngày 11/6/2019, bà Trần Thị Niêm, mẹ của blogger Lê Anh Hùng đã phát đi một lá đơn gửi đến cơ quan an ninh điều tra, Viện kiểm sát và bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 và đề nghị các cơ quan này chấp thuận việc bà đưa con trai về nhà chăm sóc. Lê Anh Hùng, một blogger phản biện nổi tiếng bị bắt hơn 1 năm trước tại Hà Nội vì các quan điểm chính trị và bày tỏ quyền tự do biểu đạt. Trong quá trình bị tam giam để điều tra, anh Hùng đã bị cưỡng bức đưa vào bệnh viện tâm thần để giám định và điều trị. Trong lá đơn, bà Trần Thị Niêm đã khẳng định trước đó con bà hoàn toàn khoẻ mạnh, bình thường. Bà cũng cho hay là khi anh Hùng bị đưa từ nhà tù đến trại tâm thần gia đình không được thông báo. Bà Niêm viết trong lá đơn rằng những lần thăm gặp gần đây anh Hùng đã trở nên “gầy guộc, xơ xác, tiều tuỵ” và “suy sụp” khiến một người mẹ như bà rất xót xa. Bà cũng khẩn thiết kêu gọi sự quan tâm, giúp đỡ của công luận để bà được đón con trai về nhà chăm sóc.
Cũng trong ngày 11/6, công luận chú ý đến thông tin cháu Nguyễn Hải Giang là con gái TNLT Nguyễn Nam Phong bị bệnh viện trả về sau một thời gian điều trị bệnh ung thư. Trước đó, Giang được phát hiện là có khối u ở đùi và đã ăn vào xương, có nguy cơ phải cưa chân. Tin từ gia đình cho hay, trưa ngày 12/6, Giang sẽ về tới nhà mình tại Giáo xứ Song Ngọc. Nguyễn Nam Phong là một trong những người bị bắt năm 2016 vì lên tiếng chống lại tập đoàn Formosa và đấu tranh bảo vệ môi trường. Anh bị bắt cùng với Hoàng Đức Bình- người bị kết án 14 năm tù giam. Nguyễn Hải Giang năm nay 16 tuổi và là một trong ba người con của TNLT Nguyễn Nam Phong. Được biết còn vài tháng nữa TNLT này mới mãn hạn tù.
3) TÒA ĐẠI SỨ HOA KỲ SẼ YÊU CẦU VIỆT NAM TRỤC XUẤT ÔNG PHƯƠNG MINH SAU KHI XÉT XỬ.
Tòa đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết là sẽ yêu cầu phía Việt Nam trục xuất ông Michael Phương Minh Nguyễn về Mỹ sau khi kết thúc phiên xét xử vào hai ngày 24 và 25 tới đây.
Như tin đã loan, ông Phương Minh là một công dân Mỹ gốc Việt, 55 tuổi, đã bị công an Sài Gòn bắt giam suốt 11 tháng qua với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chế độ CS Việt Nam”.
Trong cuộc điện đàm với các dân biểu quan tâm đến số phận của ông Phương Minh vào tối thứ Hai 10/6, Đại sứ Daniel Kritenbrink cho biết ý định nêu trên của ông. Dựa trên các vụ án chính trị tại Việt Nam trong mấy năm qua, Đại sứ Kritenbrink bày tỏ mối lo ngại là tòa án Việt Nam có thể kết án ông Minh từ 12 đến 20 năm tù, đặc biệt là cho đến nay, phía Việt Nam vẫn chưa cho phép ông Minh gặp gỡ gia đình và luật sư bào chữa.
Như tin đã loan, vào tháng 8 năm ngoái, nhà cầm quyền Việt Nam đã kết án hai công dân Mỹ gốc Việt 14 năm tù với cáo buộc tương tự. Hai công dân Mỹ này là bà Angel Phan và ông James Nguyễn.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-embassy-to-ask-for-extradition-of-us-citizen-after-trial-06112019133124.html
4) DỊCH TẢ HEO PHI CHÂU ĐÃ LAN ĐẾN SÀI GÒN.
Vào chiều hôm qua, thứ Ba 11/6, nhân viên Sở Nông nghiệp Sài Gòn chính thức xác nhận là dịch tả heo Phi châu đã lan đến thành phố này, với ổ dịch đầu tiên nằm ở quận 9.
Ngay sau khi xác nhận kết quả xét nghiệm vào chiều thứ Hai 10/6, 163 con heo ở phường Phú Hữu lập tức bị tiêu hủy và nhân viên thú y đã lập chốt phong tỏa để tránh lan nhiễm.
Với ổ dịch này, Sài Gòn trở thành địa phương thứ 55 trong tổng số 63 tỉnh thành bị nhiễm dịch tả heo Phi châu. Vào thứ Sáu tuần trước, dịch này cũng lan đến tỉnh Bình Thuận với khoảng 300 con heo bị bệnh. Tính đến hôm qua, khoảng 2 triệu 5 rưỡi con heo đã bị tiêu hủy, tổng trọng lượng khoảng 150 ngàn tấn.
https://tuoitre.Việt Nam/o-dich-ta-heo-chau-phi-dau-tien-o-tp-hcm-da-xuat-hien-20190611165616506.htm
5) GIỚI TÀI XẾ TIẾP TỤC CHỐNG ĐỐI BOT LỘ PHÍ HÒA LẠC – HÒA BÌNH.
Suốt mấy ngày qua, trạm thu lộ phí Hòa Lạc – Hòa Bình liên tục phải xả trạm vì bị giới tài xế chống đối dữ dội khiến lưu thông bị tắc nghẽn trên quốc lộ 6.
Báo chí lề đảng cho biết là vào hôm qua, rất nhiều tài xế cho xe ngừng ở làn thu phí nhưng không mua vé mà tắt máy bỏ đi. Để tránh bị tắc nghẽn lưu thông, các nhân viên chấp nhận ngừng thu phí nhưng giới tài xế vẫn không di chuyển xe qua trạm. Chủ nhân trạm Hòa Lạc cho biết là đợt phản đối này có sự tham gia của rất nhiều xe cộ đến từ các tỉnh khác, chứ không chỉ có giới tài xế địa phương và cư dân sống quanh trạm.
Tuần trước, vào hai ngày 7 và 8 tháng 5 vừa qua, trạm thu phí này cũng phải xả trạm nhiều lần trước sự chống đối và tẩy chay mua vé của giới tài xế.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ongoing-protest-at-toll-booth-bot-hoa-lac-06112019090350.html
6) HOA KỲ ĐƯA LỰC LƯỢNG TUẦN DUYÊN ĐẾN BIỂN ĐÔNG.
Để trấn áp lực lượng hải cảnh và ngư dân vũ trang Trung Cộng, chính phủ Hoa Kỳ đã điều động hai tàu tuần duyên đầu tiên đến Biển Đông nhằm bảo vệ ngư dân các nước và bảo vệ công ước quốc tế về ngư nghiệp.
Phát biểu với báo chí vào hôm thứ Ba 11/6, bà Linda Fagan, Phó Tư lệnh Tuần duyên Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, xác nhận nguồn tin trên và cho biết thêm là lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ sẽ giám sát chặt chẽ mọi hành vi của lực lượng ngư dân vũ trang Trung Cộng ở Biển Đông. Các tàu tuần duyên này sẽ được đệ thất hạm đội bảo vệ và yểm trợ.
Cũng theo tuyên bố của bà Fagan, đây là lần đầu tiên tuần duyên Hoa Kỳ xuất hiện ở Biển Đông kể từ 7 năm qua và hành động này phù hợp với luật pháp quốc tế.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/us-coastguard-up-activities-in-scs-06112019092429.html
7) THÁI LAN RA LỆNH CẤM ĐÁNH CÁ TRONG VỊNH THÁI LAN.
Chính phủ Thái Lan vừa ban hành lệnh cấm đánh cá trong vịnh Thái Lan kể từ ngày 15/6 đến ngày 30/9, với lý do là nhằm giúp cho các loài hải sản phục hồi số lượng.
Lệnh cấm này được đưa ra sau khi Bộ Ngư nghiệp Thái Lan nhận thấy là trong đợt thí điểm vào năm ngoái, lượng hải sản đã tăng lên rất nhiều sau 3 tháng bị cấm đánh bắt. Điền hình là các loại cá xa bờ như cá mè ngắn và cá trích đã gia tăng rất nhiều. Tuy nhiên lượng cá thu vẫn giữ nguyên mức cũ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/fishing-restrictions-re-imposed-to-thailand-gulf-06112019083701.html
8) GIỚI TIỂU THƯƠNG HỒNG KÔNG ĐÓNG CỬA ĐỂ PHẢN ĐỐI DỰ LUẬT DẪN ĐỘ.
Trong một hành động chưa từng có trước đây, hơn 2 ngàn cửa tiệm và nhà hàng ở Hồng Kông đã loan báo đóng cửa vào hôm nay, thứ Tư 12/6, để phản đối dự luật dẫn độ tội phạm về Hoa Lục xét xử.
Trong khi đó, người chống đối kêu gọi biểu tình trước trụ sở nghị viện Hồng Kông vào đúng 10 giờ tối hôm nay, tức thời điểm mà các nghị viên sẽ dự phiên họp thứ nhì về dự luật dẫn độ. Dự trù sẽ có hàng trăm ngàn người tham gia vào cuộc biểu tình này và 5 ngàn cảnh sát Hồng Kông được điều động để đề phòng bạo loạn.
Trong các cuộc xuống đường rầm rộ trước đây, kể cả trong diễn biến Dù Vàng, giới tiểu thương Hồng Kông không hề tham gia trực tiếp mà chỉ hiến tặng thực phẩm hay nước uống cho người biểu tình. Nhưng lần này thì nhiều cửa tiệm, quán ăn và các khu giải trí, đồng loạt đóng cửa vì tin rằng dự luật dẫn độ sẽ làm mất niềm tin của giới đầu tư và du khách về hệ thống pháp luật của Hồng Kông.

No comments:

Post a Comment