Friday, June 14, 2019

Một Nền Giáo Dục “Không Nói Dối”

Quan Điểm

Thưa quý thính giả,chế độ CS đã gây ra bao thảm họa cho đất nước và dân tộc. Một trong những thảm họa được xem là tai hại nhất, tạo nhiều hệ quả nghiêm trọng và lâu dài nhất là hủy hoại nền đạo lý của dân tộc Việt, mà cụ thể là tạo nên “nếp sống dối trá”, khởi đi ngay từ tầng lớp trẻ em. Mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ với tựa đề: Một Nền Giáo Dục “Không Nói Dối” sẽ được Hải Nguyên trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

LLCQ
Thưa quý thính giả,
Trong buổi thảo luận của Quốc Hội CSVN về cải tổ giáo dục sáng ngày 30 tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu quốc hội tỉnh An Giang đã phát biểu, xin trích nguyên văn lời ông, “… chúng ta đã dành nhiều thời gian để bàn về triết lý giáo dục. Nhưng theo tôi, trước mắt chúng ta cần xây dựng một nền giáo dục không nói dối. Không nên kỳ vọng vào một sản phẩm giáo dục hoàn hảo nếu chúng ta chấp nhận sự dối trá ngay từ khi các con bước vào trường”.
Đây là lời phát biểu thẳng thắn và can đảm của một quan chức CSVN đang tại nhiệm. Thẳng thắn vì nó đã nói rõ thực trạng của nền giáo dục Việt Nam dưới chế độ CS. Và cam đảm vì, không giống với hầu hết các đại biểu quốc hội khác chỉ biết “gật”, ông Nguyễn Lân Hiếu đã nói rõ sự sự thật, bất chấp những biện pháp thanh trừng, trấn áp của bạo quyền. Sự thẳng thắn và can đảm của ông cũng đã thể hiện trong vụ Quốc hội CSVN thảo luận dự luật An Ninh tháng 6 năm 2018 khi ông tuyên bố “bảo đảm an ninh mạng không có nghĩa là hi sinh phát triển kinh tế và tự do của người dân” và đề nghị cần xem lại dự luật này.
Thật ra, tệ nạn nói dối của học sinh không phải bây giờ mới được bàn thảo công khai. Gần 6 năm trước, tại hội thảo “Thực trạng văn hoá học đường và nhu cầu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học” tổ chức ngày 24 tháng 9 năm 2013, Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hoá học Lý luận và Ứng dụng thuộc đại học Quốc gia Sài Gòn, đã đưa ra kết quả điều tra: Tỉ lệ nói dối cha mẹ của học sinh cấp tiểu học là 22%, cấp Trung học Cơ sở là 50%, cấp Trung học Phổ thông là 64%, sinh viên là 80%.
Người ta vẫn nói “Trẻ con như tờ giấy trắng”, thói quen nói dối tránh tội và đổ lỗi không phải tự trẻ con có thể nghĩ ra. Thông thường người ta quy trách nhiệm cho cha mẹ về các thói hư tật xấu của con trẻ. Thế nhưng, nếu nhìn vào kết quả khảo nghiệm kể trên, học sinh lớp càng lớn thì mức độ nói dối càng tăng, cho thấy trường học cũng đã góp phần làm tăng tệ nạn nói dối của học sinh Việt Nam. Điều này dễ hiểu vì bản thân trẻ em là tấm gương phản ánh xã hội. Nếu trong cuộc sống mà hàng ngày các em thấy cha mẹ nói dối, thầy cô nói dối thì trẻ em sẽ tự nhiên mà nhiễm thói nói dối. Đáng nói hơn nữa, ngoài cha mẹ, thầy cô nói dối, cả môi trường chung quanh trẻ em đều nhan nhản những điều dối trá, từ tin tức trên báo chí, truyền thanh, truyền hình, đến tuyên bố, phát biểu của quan chức nhà nước, thì chắc chắn mức bộ nói dối của trẻ em càng tăng.
Đây là hậu quả tất yếu mà đảng CSVN –một tập đoàn chủ trương dùng dối gạt, bịp bợm để cướp đoạt và duy trì quyền lực– đã gây ra cho dân tộc Việt Nam sau mấy chục năm thống trị đất nước. Điển hình cho chủ trương dối gạt và bịp bợm này là việc Hồ Chí Minh, kẻ khai sinh ra đảng CSVN đã dùng tên khác để viết sách tự ca tụng, đánh bóng mình. Đó là các quyển “Vừa đi vừa kể chuyện”, Hồ Chí Minh viết với tên T. Lan, và “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” với tên Trần Dân Tiên. Cũng chính vì muốn vạch trần bản chất dối trá này của chế độ mà Phùng Quán đã viết bài thơ “Lời Mẹ Dặn” nổi tiếng trong vụ Nhân Văn-Giai Phẩm với những câu “Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành yêu” .
Sống trong một xã hội được xây dựng trên sự dối trá, bịp bợm như vậy, người dân buộc phải nói dối để sống còn. Dối trá vì vậy đã trở thành một “nếp sống” của mọi người, từ bậc cha mẹ, thầy cô, đến hàng xóm láng giềng, từ cán bộ, đảng viên cấp thấp đến cấp cao. Trong môi trường đó, thử hỏi làm sao các học sinh lại không nói dối? Có thể nói “nói dối” đã trở thành một “căn tính” của cả dân tộc Việt, không chỉ riêng các học sinh!
Vì vậy, để xây dựng được nền giáo dục “không nói dối” như mong ước của đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, trước hết phải tẩy trừ “nếp sống dối trá” của người Việt. Và để tẩy trừ nó, việc cần làm là loại bỏ sự thống trị của tập đoàn CSVN trên đất nước Việt Nam, vì đây là căn nguyên cỗi rễ gây ra nếp sống dối trá này. Cần lưu ý là “dối trá” đã trở thành một “căn tính” của dân Việt cho nên việc tẩy trừ nó đòi hỏi nhiều công sức và thời gian, kéo dài nhiều thế hệ mới mong thành tựu.
Nhận thức rõ như vậy để thấy rằng việc loại bỏ sự thống trị của đảng CSVN chẳng những là công cuộc toàn dân Việt cần làm mà còn phải nỗ lực hoàn thành càng sớm càng tốt để giảm thiểu những tác hại mà tâp đoàn này gây ra cho đất nước và dân tộc!
Trân trọng cám ơn quý thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.

No comments:

Post a Comment