Kính thưa quý thính giả, trong danh sách những nhân vật xuất
chúng bị cộng sản ám sát hoặc thủ tiêu, có một nhà trí thức tầm vóc, nổi
tiếng trên chính trường thời Việt Nam Cộng Hòa. Ông có bằng Thạc sĩ
Công pháp Quốc tế, giữ chức Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh,
đồng thời là Chủ tịch Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến. Vì chủ trương chống
cộng, ông bị cộng sản Bắc Việt ám sát bằng chất nổ vào ngày 10/11/1971…
Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý
thính giả bài “Giáo sư Nguyễn Văn Bông, Người Con Ưu Tú Tại Miền Nam Việt
Nam” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương
trình phát thanh tối hôm nay.
Việt Thái
Giáo sư Nguyễn Văn Bông sinh ngày 2/6/1929, tại làng Kiểng Phước,
tổng Hòa Lạc, tỉnh Gò Công (nay thuộc xã Kiểng Phước, huyện Gò Công
Đông, tỉnh Tiền Giang). Thân phụ của ông hành nghề thợ bạc và thân mẫu
là một thợ may.
Từ nhỏ ông đã có chí lớn, học giỏi nhưng nhà nghèo nên phải làm việc để kiếm tiền đi học bằng cách sửa xe đạp, quét trường học, phụ đánh máy và làm nhiều công việc lặt vặt khác. Vài năm sau, ông có đủ tiền mua vé tàu sang Pháp du học.
Tại Paris, ông được người quen cho ở trọ để học lấy bằng Tú tài. Trong thời gian này, ông làm bồi bàn tại tiệm ăn La Table du Madarins. Tại đây, ông làm quen với một sinh viên Việt Nam có tên là Nguyễn Ngọc Huy, một người sát cánh hoạt động chính trị với ông trong thời gian sau này.
Sau khi tốt nghiệp Tú tài, ông theo học ngành Luật và Chính trị tại Đại học Sorbonne. Do lao lực quá độ khi làm phu khuân vác ban đêm tại Nhà Lồng, ông bị bệnh lao, phải nằm bệnh viện một thời gian.
Với ý chí và nỗ lực, ông tốt nghiệp Cử nhân Luật năm 1956, đậu bằng Tiến sĩ Luật và Chính trị học năm 1960. Năm 1962, ông lấy bằng Thạc sĩ Công pháp Quốc tế.
Đầu năm 1963, ông quyết định về nước làm việc. Trước khi về nước, ông đã hứa hôn với nữ sinh viên là Lê Thị Thu Vân và cô này về sau trở thành vợ ông.
Khi về nước, ông được mời dạy môn Luật hiến pháp và Khoa học Chính trị tại Đại học Luật khoa Sài Gòn và Học viện Quốc gia Hành chánh.
Sau khi ông viết bài tiểu luận “Đảng phái và Đối lập chính trị”, tên tuổi ông được chú ý trên chính trường. Cũng từ đó, ông bắt đầu có những hoạt động chính trị nhằm tiến tới việc thành lập một chính đảng quốc gia để xây dựng “một nước Việt Nam thống nhất và dân chủ”.
Sau cuộc đảo chính ngày 1/11/1963, ông được bổ nhiệm làm Viện trưởng Học viện Quốc Gia Hành Chánh. Rất nhiều sinh viên do ông đào tạo nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trong những năm sau.
Cuối năm 1968, được sự khuyến khích của người bạn là giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, một trong những người lãnh đạo đảng Tân Đại Việt, ông thành lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, một tổ chức chính trị đối lập với chính quyền.
Cương lĩnh của Phong Trào cổ võ cho một nước VN thống nhất dưới một chế độ dân chủ, với quyền bình đẳng giữa các công dân, tôn trọng nhân quyền, triệt tiêu nạn tham nhũng và cải tổ hành chánh. Về kinh tế, Phong Trào chủ trương đẩy mạnh phát triển, cải cách điền địa, canh tân thuế vụ và khuyến khích đầu tư. Về an sinh xã hội, Phong Trào đòi hỏi một chế độ quân dịch công bằng, giáo dục miễn phí và sự phục hồi uy tín của giáo giới.
Thế nhưng các hoạt động chính trị tích cực và chủ trương chống cộng trong việc thay đổi chế độ quân phiệt bằng chế độ dân sự của ông đã khiến ông trở thành mục tiêu ám sát của Mặt trận Giải phóng Miền Nam.
Ngày 25/11/1968, cộng sản gài bom tại phòng làm việc của ông ở Học viện Quốc gia Hành chánh nhưng ông may mắn thoát chết. Theo tiết lộ của nhà báo Nam Thi trên tờ Thanh Niên, 2 người nhận trách nhiệm ám sát này là luật sư Đỗ Hữu Cảnh và công nhân Trần Văn Hoành. Cả hai đều là người của Mặt trận Giải phóng Miền Nam.
Ngày 10/11/1971, một lần nữa cộng sản tổ chức ám sát giáo sư Nguyễn Văn Bông tại ngã tư đường Cao Thắng – Phan Thanh Giản bằng chất nổ do Vũ Quang Hùng và Lê Văn Châu thực hiện. Lần này ông bị thiệt mạng, hưởng dương 42 tuổi.
Sự kiện giáo sư Nguyễn Văn Bông bị ám sát không chỉ làm sụp đổ kế hoạch cải tổ nội các của Việt Nam Cộng Hòa mà còn gây ly gián, khiến cho nội bộ chính quyền và các đảng phái ở miền Nam nghi ngờ lẫn nhau. Lý do là giáo sư Nguyễn Văn Bông được xem là người có triển vọng nắm chức vụ Thủ tướng Chính phủ VNCH với chủ trương phát triển nền dân chủ và pháp trị cho miền Nam.
Chính vì thế việc cộng sản ra tay ám sát Giáo sư Bông là thủ đoạn “một mũi tên bắn chết nhiều con chim”, gây ra xáo trộn trên chính trường miền Nam trong bối cảnh chiến trường đang ngày càng khốc liệt. Thế nhưng miền Nam vẫn vượt qua được cơn sóng gió để ổn định thêm 7 năm, trước khi xảy ra biến cố 30/4/1975.
Sự ra đi quá sớm của giáo sư Bông là nỗi bất hạnh của miền Nam VN, nhưng cũng là một chứng tích nữa về tội ác của người cộng sản, sau những cái chết của đức Huỳnh Phú Sổ, Hồ Văn Ngà, Nguyễn Bình trong thời kháng chiến chống Pháp.
Cũng giống như các bậc tiền bối Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, giáo sư Bông ra đi trước khi miền Nam VN bị đọa đày dưới sự cai trị độc tài vô nhân tính của đảng CSVN. Nhưng dù sao thì người dân miền Nam có quyền hãnh diện và tự hào vì trong thời kỳ tao loạn nhất của đất nước, vùng đất Gò Công tiếp tục sản sinh ra hàng loạt những người con ưu tú cho đất nước, mà nổi bật là Giáo sư Nguyễn Văn Bông. Trong tương lai gần, sẽ có những con đường và trường học mang tên Nguyễn Văn Bông ở nhiều nơi trong nước, để vinh danh một người con lỗi lạc của miền Nam VN.
No comments:
Post a Comment