Friday, June 28, 2019

Tại sao Việt Nam không ký công ước 87?

Quan Điểm

Những thông tin cho biết Hiệp Định Thương Mại Việt Nam và Liên Minh Châu Âu (EVFTA) sẽ được ký kết vào ngày 30 tháng 6 này ở Hà Nội, sau khi Việt Nam đã đáp ứng đòi hỏi tối thiểu là phê chuẩn Công Ước 98, nhưng lại phớt lờ công ước 87. Mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ về những toan tính mờ ám của Hà Nội trong cách hành xử này qua sự trình bày của Hải Nguyên để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Thưa quí thinh giả,
Để nhằm cứu vãn nền kinh tế đầy bất trắc của Việt Nam, Hà Nội rất cần đến Hiệp Định Thương Mại giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu  viết tắt là EVFTA, mà lẽ ra nó đã được ký kết từ hơn một năm trước, nếu không có vụ nhà nước Việt Nam đưa mật vụ qua Đức bắt cóc Trinh Xuân Thanh hồi tháng 7 năm 2017 và tình trạng vi phạm nhân quyền mỗi ngày mỗi trầm trọng thêm.

Trong thời gian qua Hà Nội đã dồn mọi nỗ lực vận động các chính phủ trong Liên Hiệp Âu Châu, bằng cách gửi các viên chức hàng đầu từ Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến chủ tịch quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân và phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh đi du thuyết và hứa hẹn đủ điều với lãnh đạo các nước có liên hệ, để xin nhẹ tay cho người dân Việt Nam được nhờ!.
Đồng thời để chứng tỏ thiện chí, hôm 29/5/2019  Đặng Thị Ngọc Thịnh phó chủ tịch nhà nước, đã thay mặt ông Nguyễn Phú Trọng đệ trình Quốc Hội Việt Nam  khóa 14  việc gia nhập Công Ước Lao Động ILO số 98. Ngày 14 tháng 6, Quốc Hội VN đã chính thức  thông qua Nghị Quyết phê chuẩn việc gia nhập Công Ước này.
Nội dung Công ước 98 về Quyền Tổ Chức và Thương Lượng Tập Thể có 3 điểm chính: Một là bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử, chống công đoàn của người sử dụng lao động. Hai là bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động. Và ba là những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể.
Điều trớ trêu ở đây là Việt Nam phê chuẩn công ước 98, mà lại không phê chuẩn công ước 87, vì công ước 87  mới chính là văn bản quan trọng nhất, bởi nó ấn định quyền tự do thành lập công đoàn độc lập, bảo vệ lợi ích và nhân quyền của người lao động. Công ước 87 và 98 như một cặp song sinh, nếu không có 87 thì không cần có 98.
Chúng ta nên biết rằng Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) có 8 Công ước cơ bản để bảo vệ quyền lợi người lao động, lập thành 4 cặp song song gồm: Công ước số 87 và 98 về tự do hiệp hội và thương lượng tập thể; Công ước 29 và 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức và bắt buộc; Công ước số 100 và 111 về xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp; Công ước số 138 và 182 về xóa bỏ lao động trẻ em.
Tại sao Hà Nội lại chọn cách làm như vậy?  Trả lời cho câu hỏi này không khó, nếu chúng ta theo dõi quá trình đàm phán giữa Việt Nam và EU từ 4 năm trước, sẽ nhận ra rằng Hà Nội luôn hứa hẹn chấp hành tất cả những yêu sách, miễn sao ký kết được thỏa ước rồi sẽ tính sau. Không phải chỉ có EVFTA, mà với CPTPP và các thỏa ước khác, họ cũng hành xử lươn lẹo như vậy.
Sau những cuộc vận động ngầm, nhiều nhà lãnh đạo Âu Châu đã bị thuyết phục, và tỏ ra mủi lòng trước thái độ nhún nhường van xin của Hà Nội. Nhưng EVFTA đã vấp phải bản nghị quyết về nhân quyền Việt Nam, mà Nghị Viện Châu Âu đã đưa ra vào giữa tháng 11 năm 2018, có nội dung mạnh mẽ dứt khoát, đòi hỏi Hà Nội phải đáp ứng vấn đề cải thiện nhân quyền. Nhưng chỉ sau khi EVFTA bị Hội Đồng Châu Âu hoãn vô thời hạn vào tháng 2 năm 2019, mà lý do chính là VN vi phạm nhân quyền và không hề có dấu hiệu cải thiện nào, thì đến tháng 4 năm 2019 Hà Nội mới phải nhượng bộ và phê chuẩn Công Uớc 98 như đã nói trên.
Sở dĩ Hà Nội trì hoãn phê chuẩn các công ước về người lao động, nhất là công ước 87, vì nó sẽ mở đường cho các nghiệp đoàn lao động tư do được thành lập, từ đó đẩy lui Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam ra khỏi vị trí bất lợi cho người lao động như hiện nay, vì tổ chức này do đảng CSVN điều hành, chỉ nhằm kiểm soát và đàn áp người lao động. Người CSVN cũng thừa biết rằng lực lượng lao động chính là thành tố chính giúp đảng CS cướp được chính quyền, nhưng sau khi nắm quyền, thì họ “vắt chanh bỏ vỏ”.
Nếu EVFTA được ký vào cuối tháng 6 này, và VN có thời gian đến năm 2023 để hoàn tất các đòi hỏi còn lại và sửa đổi luật lệ hiện hành, thì họ sẽ đẻ ra vô số những công đoàn độc lập “xanh vỏ đỏ lòng” mà người lao động Việt Nam không thể cưỡng lại được.
Đứng trước sự kiện không mấy lạc quan này, chúng tôi xin nhắc lại lời cảnh báo của ông John Sifton, Giám đốc Vận động, Ban Á Châu của Human Rights Watch, khi ông phát biều rằng: Vội vàng thông qua hiệp định thương mại với Việt Nam sẽ là một sai lầm lớn. Làm như vậy là tưởng thưởng cho Việt Nam trong khi nước này chẳng làm gì cả, thông qua EVFTA là gửi đi một thông điệp tệ hại cho thấy những cam kết mà Liên Minh Châu Âu đã đưa ra trước đây là dùng thương mại như một công cụ để quảng bá nhân quyền trên toàn cầu không còn đáng tin cậy nữa.
Do đó, các tổ chức đấu tranh nhân quyền, các tổ chức xã hội dân sự của người Việt trong nước cũng như hải ngoại cần phải nỗ lực hơn nữa trước sự kiện bất lợi của người lao động Việt Nam khi hiệp ước thường mại này được ký kết.
Cám ơn quí thinh giả đã theo dõi bái Quan Điểm của chúng tôi

No comments:

Post a Comment