Kính thưa quý thính giả, Tập Cận Bình đang dẫn dắt Trung Hoa
vào tử lộ, khi bộc lộ dã tâm và tham vọng bá quyền quá sớm tại Biển Đông
cũng như trong xung đột thương mại với Hoa Kỳ. Mời quý thính giả đài
ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: “Tập Cận Bình hô hào vạn lý trường chinh” sẽ được Song Thập trình bày, để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.
Ngô Nhân Dụng
Tập Cận Bình mới đến đặt vòng hoa tại nơi Mao xuất phát cuộc trường
chinh, thị trấn Vu Đô, Giang Tây. Tại sao ông ta lại tới viếng địa điểm
lịch sử này vào ngày Thứ Sáu tuần trước? Cuộc trường chinh bắt đầu vào
Tháng 10, 1934, bây giờ mới là Tháng 5!
Có một lý do là Tập Cận Bình muốn gửi một thông điệp về cuộc chiến tranh mậu dịch đang khởi sự!
Đây là chuyến du hành ở trong nước đầu tiên của Tập Cận Bình, 2 tuần
lễ sau khi Tổng Thống Mỹ Donald Trump tuyên chiến bằng những biện pháp
thuế quan mới đánh trên hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc.
Ngày Thứ Hai, Tập Cận Bình đến thành phố Cống Châu, Giang Tây, đi
thăm các công trường khai thác và nhà máy chế biến của công ty JL MAG
Rare-Earth, một công ty sản xuất “đất hiếm” (rare-earth) lớn nhất thế
giới. Trong tổng số $155 triệu đất hiếm mà Mỹ nhập cảng năm ngoái, hàng
Trung Quốc chiếm 59%.
Trong chuyến đi Giang Tây, người đi kè kè bên cạnh Tập Cận Bình lại
là Phó Thủ Tướng Lưu Hạc, sứ giả chính của Bắc Kinh trong các cuộc
thương lượng mậu dịch. Mọi người đoán ra ý nghĩa bản thông điệp: Trung
Cộng có thể sử dụng đất hiếm như một vũ khí trong cuộc chiến. Nếu Trung
Quốc ngưng bán ngay tất cả số đất hiếm cung cấp cho Mỹ thì nhiều ngành
công nghiệp ở nước Mỹ sẽ tê liệt! Các nhà báo hỏi thẳng điều này và phát
ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng trả lững lờ: Hãy chờ đó, xem sao!
Bài diễn văn của Tập Cận Bình tại Vu Đô có thể đã chứa đựng một câu
trả lời. Họ Tập tuyên bố, “Chúng ta đang bắt đầu một cuộc Vạn Lý Trường
Chinh mới!” Trong khi đó, các mạng xã hội trong nước Tàu đang truyền
nhau một bài hát về “Mậu Dịch Chiến!”
Bài hát “Mậu Dịch Chiến” do Triệu Lương Điền sáng tác, đặt lời theo
điệu nhạc trong một phim về chiến tranh Trung-Nhật, sản xuất năm 1969,
kích thích lòng ái quốc của người dân Trung Hoa. Bài hát lập đi lập lại “Mậu
dịch chiến! Mậu dịch chiến! Chúng ta không sợ những lời khiêu chiến!
Chúng ta không sợ những lời khiêu chiến! Mậu dịch chiến phát sanh ở Thái
Bình Dương!”
Nhiều công dân mạng ở Trung Quốc nói máu họ nóng lên khi nghe những
câu hát này! Dân lục địa sẵn sàng tham dự cuộc Vạn Lý Trường Chinh mới!
Đất hiếm gồm 17 loại, thực ra không hiếm mà có rất nhiều trong đất, ở
California, Trung Quốc, Nga, Australia, Brazil, Burundi, Ấn Độ,
Malaysia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Nhưng những nguyên liệu này trở
thành hiếm hoi vì khai thác tốn kém. Phải lọc những kim loại đó ra khỏi
những thứ khác trong đất, cần rất nhiều sức lao động, khiến giá thành
cao quá, không có lời. Hơn nữa, việc khai thác đất hiếm gây hại cho môi
trường sống, muốn giảm bớt cũng rất tốn kém.
Trước năm 1980, Mỹ là nước sản xuất nhiều “đất hiếm” nhất thế giới.
Mỏ đất hiếm ở Mountain Pass, California đóng cửa năm 2015 vì không có
lời, 2 năm sau bán cho một công ty Trung Quốc. Năm ngoái mỏ này hoạt
động trở lại, nhưng chỉ lấy quặng đưa về nước Tàu tinh luyện.
Trung Quốc có mỏ đất hiếm tại Giang Tây, Sơn Đông, Tứ Xuyên, Quảng
Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Hồ Nam, Phúc Kiến, Nội Mông Cổ, thường đã sản
xuất 90% số đất hiếm. Năm ngoái xuống chỉ còn chiếm 71% trong số 170,000
tấn trên cả thế giới, sau khi Mỹ tăng số sản xuất.
Những kim loại hiếm này vẫn được dùng khi muốn làm kiếng có màu, chế
biến các dụng cụ nam châm, nhưng gần đây được sử dụng trong kỹ nghệ điện
tử và tin học. Phần cứng trong máy điện toán, điện thoại di động, máy
laser, lò vi âm, chất bán dẫn, các động cơ điện… đều cần dùng. Các hệ
thống quốc phòng như hỏa tiễn, tàu ngầm và phi cơ đều chứa những cơ phận
điện tử cần đất hiếm.
Bắc Kinh đã sử dụng việc bán đất hiếm làm vũ khí ngoại giao. Năm
2010, tàu bè Trung Cộng và Nhật Bản đụng độ nhau tại vùng đảo Senkaku,
Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh đã giảm bớt số lượng đất hiếm cần cho các xe chạy
điện của công ty Toyota, hay pin điện của Matsushita Electric.
Với tỷ lệ cung cấp lớn cho số lượng đất hiếm dùng ở Mỹ, Trung Cộng có
thể dùng thứ nguyên liệu này làm vũ khí trong cuộc “mậu dịch chiến” hay
không?
Có thể, nếu Tập Cận Bình dám chịu đựng những đòn đáp lại.
Mỗi năm các công ty điện tử và viễn thông trong nước Tàu nhập cảng
khoảng $200 tỷ chất bán dẫn từ các công ty Mỹ. Nếu không mua được các
“chíp” từ Mỹ, các công ty ZTE hay Huawei ở bên Tàu sẽ tê liệt! Các thứ
chíp sản xuất trong nước Tàu chưa đạt được tiêu chuẩn cao, chỉ dùng
trong các hàng rẻ tiền. Intel, Broadcom, Qualcomm vẫn chiếm độc quyền
thế giới về những loại chíp cần cho các mặt hàng tân tiến nhất!
Nhưng ông Tập Cận Bình vẫn cần phải kích thích lòng yêu nước trong
dân chúng, cho nên ông kêu gọi sống lại tinh thần chiến đấu cho Vạn Lý
Trường Chinh mới. Bắn tiếng đe dọa dùng vũ khí “đất hiếm” chỉ là một
cách báo cho dân Trung Hoa thấy rằng nước họ có một thứ vũ khí có thể
làm nền công nghiệp điện tử của Mỹ tê liệt. Không phải người dân Trung
Hoa nào cũng biết các công ty của nước họ cũng có thể bị đánh sập không
khác gì, nếu Mỹ phản công.
Kêu gọi Vạn Lý Trường Chinh cũng là một cách Tập Cận Bình báo tin cho Donald Trump biết Bắc Kinh… không vội vàng.
Trong cuộc chiến tranh mậu dịch đang diễn ra, phía Mỹ tỏ ra sốt ruột
hơn Trung Cộng. Trả đũa các sắc thuế quan do Mỹ đánh ngay lập tức trên
$200 tỷ mặt hàng, họ cũng đánh thuế trên $60 tỷ hàng Mỹ, nhưng lại nhẩn
nha chờ tới đầu Tháng Sáu mới áp dụng.
Khi ông bộ trưởng Tài Chánh Mỹ nói rằng ông sắp qua Tàu nói chuyện
thì phát ngôn viên ngoại giao Trung Cộng tỏ vẻ ngạc nhiên, không biết gì
về chuyện đó cả. Tổng Thống Trump tuýt đi tuýt lại về “Bạn tốt” Tập Cận
Bình nhưng chính họ Tập không nói một câu nào hết. Trong khi đó bộ máy
tuyên truyền của Bắc Kinh hô hào dân chúng chấp nhận “hy sinh” sẵn sàng
chịu đựng các cuộc tấn công của Mỹ.
Hiện nay Tập Cận Bình không có cách nào “ăn miếng trả miếng” với
Donald Trump. Nhưng cuộc chiến tranh kéo dài thì bên nào chịu đựng được
lâu hơn sẽ chiếm ưu thế. Đó là lý do họ Tập kêu gọi dân Tàu bắt đầu một
cuộc Vạn Lý Trường Chinh mới!
No comments:
Post a Comment