Tuesday, January 3, 2017

Đã đổi mới một lần nhưng chưa đủ

BìnhLuận

Chính sách đổi mới của CSVN chỉ là một thủ thuật nửa vời, mị dân hầu sống còn và chia chác quyền lợi phe nhóm.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Song Chi với tựa đề: “Đổi mới một lần nhưng chưa đủ” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Để “kỷ niệm” 30 năm đại hội VI của đảng cộng sản đưa tới quyết định “đổi mới”, báo VNExpress đăng một loạt bài về VN thời trước, trong và sau “đổi mới”: “Công cuộc ‘sắp xếp lại giang sơn’ trước đại hội Đổi Mới 1986”, “Những đêm dài thiếu đói trước đổi mới”, “Những chuyện ‘cười ra nước mắt’ thời tem phiếu”, “Cách ăn vận của người Việt thời bao cấp”, “Đường phố thủ đô những năm 1980”, v.v…

Đọc những bài báo, xem lại những hình ảnh cũ, cảnh chen lấn, xếp hàng, những cửa hàng quốc doanh trống huếch hàng hóa nghèo nàn, những vật dụng cổ lỗ một thời, cách ăn mặc của người Việt thời bao cấp, nhất là người miền Bắc, rồi hình ảnh phố xá Hà Nội lúc bấy giờ… Nhớ lại một thời cả nước đói ăn đói mặc, túng thiếu đủ thứ… mà thấy rùng mình.
Miền Nam trước năm 1975 dù đang trong thời kỳ chiến tranh nhưng người dân từ thành thị đến nông thôn chưa bao giờ phải trải qua chế độ tem phiếu, xếp hàng cả ngày để mua lương thực, thực phẩm mà phần lớn là gạo mốc, sắn, bột mì, cao lương… cho tới miếng thịt, ký đường, cái quần đùi…, hàng hóa thì khan hiếm khổ sở như vậy!
Thời đấy người miền Bắc vốn quen khổ từ thời chiến tranh nên chắc cũng không có cảm giác nặng nề gì lắm, nhưng người miền Nam đang sống trong một quốc gia khá là phát triển về nhiều mặt so với các nước láng giềng trong khu vực, phải chứng kiến kinh tế cho tới văn hóa, giáo dục, nghệ thuật miền Nam bị đổ sụp, xã hội đi xuống một cách nhanh chóng chỉ trong vài năm và kéo dài tới tận 1986… thì hẳn phải shock hơn nhiều.
Thế rồi cuối cùng khi đã mấp mé bên bờ vực chết đói cả nước thì nhà cầm quyền bèn “đổi mới” thực chất là “đổi cũ”, quay trở lại dần dần mở cửa cho làm ăn kinh tế tự nhân, kinh tế thị trường…
Ở Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước, sự chủ quan có lẽ thể hiện trong lĩnh vực khác nhiều hơn. Còn về kinh tế thì không phải kiêu ngạo mà chủ yếu do nhận thức chưa phù hợp thực tiễn, chưa đúng quy luật khách quan. Chúng ta quá thiếu kiến thức và kinh nghiệm, cứ đinh ninh rằng cách làm của các nước Xã hội chủ nghĩa là duy nhất đúng, là tất cả những gì phải học tập. Hơn nữa, tâm lý chủ lưu lúc này “Nam Bắc đã sum họp một nhà, có điều kiện đưa cả nước đi lên con đường Xã hội chủ nghĩa thì không lý do gì để chần chừ”.
Cái tâm lý chủ quan, “kiêu ngạo cộng sản” này không chỉ đã phá nát cả nền kinh tế ở miền Nam để rồi về sau phải đi lại từ đầu mà cả văn hóa, giáo dục, nghệ thuật; về sau lại lẳng lặng cho in lại, nghe lại một phần không nhỏ những quyền sách, bản nhạc… mà một thời nhà nước này đã đốt sạch khi mới vừa chiến thắng!
Và phải chăng nhà nước này đã vượt qua được cái tâm lý “kiêu ngạo cộng sản”?
Khi mà họ vẫn tiếp tục hàng năm tưng bừng ăn mừng chiến thắng, vẫn chưa có bất cứ một hành động cụ thể nào để hòa giải hòa hợp dân tộc ngoài những lời chót lưỡi đầu môi; khi mà họ vẫn khăng khăng không chịu cất lên một lời xin lỗi về tất cả những sai lầm, tội ác đã qua; khi mà họ vẫn tiếp tục ca ngợi chủ nghĩa Mác Lênin, đi theo cái mô hình quái gở “kinh tế thị trường định hướng XHCN”.
Còn về chính trị thì kiên quyết bảo vệ vai trò độc đảng của đảng cộng sản đến cùng… thì họ chẳng hề thay đổi gì cả. Kể cả thấy được đất nước bị tàn phá lụn bại, người dân khốn khổ như thế nào dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản.
Chỉ mới đây thôi, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn hể hả mà rằng: “Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được như thế này không?” kia mà. Những người cộng sản và những ai còn mê muội tin theo họ, thường chỉ muốn thấy những gì họ muốn thấy, và chỉ biết so sánh với chính mình.
Nhưng không thể cứ so sánh với mình qua những thời điểm tồi tệ nhất để rồi “tự sướng”, mà phải so sánh với các nước khác, chỉ cần so sánh với các nước láng giềng xung quanh thôi, để thấy trong 41 năm qua kể từ sau khi “thống nhất đất nước” và 30 năm “đổi mới” thì các nước tiến tới đâu so với VN và VN đang đứng ở đâu trên thế giới!
Bởi vì rõ ràng sau 30 năm, chính sách “đổi mới” nửa vời, thay đổi một chút về phương thức làm ăn kinh tế nhưng không hề thay đổi, cải cách về chính trị đã khiến VN, sau một thời gian ngắn phất lên, lại đang đứng trước sự khủng hoảng toàn diện.
Cũng như năm 1986, đảng cộng sản lại đang đối diện với sự thật là phải thay đổi một lần nữa. Và phải thay đổi triệt để, cả kinh tế lẫn chính trị, vì đất nước này đã quá đỗi tụt hậu, bung bét. Nhưng liệu họ có dám làm? Và nếu họ không làm, chỉ tìm cách vá víu câu giờ thì người dân VN có tỉnh ngộ ra để tự cứu lấy mình, cứu lấy đất nước?
Song Chi

No comments:

Post a Comment