Thursday, January 12, 2017

NGUYỄN ĐỨC QUANG - TIẾNG HÁT VỠ ĐẤT

ThiCaYêuNước

Nguyễn Đức Quang sinh năm 1944 tại Sơn Tây, theo gia đình vào Nam năm 1954 và sinh sống tại Ðà Lạt từ năm 1958.
Tốt nghiệp đại học Ðà Lạt phân khoa Chính Trị Kinh Doanh khóa 1. Bắt đầu sáng tác nhạc năm 1961. Sau năm 63, bắt đầu cảm hứng về nhạc Thanh niên và những vấn đề đất nước với những ca khúc có chủ đề Tuổi trẻ, Quê hương, Dân tộc và thành lập Phong Trào Du Ca Việt Nam năm 1966 .
Năm 1979 cùng gia đình đến định cư tại Little Saigon, California Hoa Kỳ, hoạt động liên tục trong ngành truyền thông tại hải ngoại.
Nguyễn Đức Quang đuợc biết tới như một nhạc sĩ quần chúng với dòng nhạc chan chứa tình người và lối trình diễn đặc biệt cùng với tiếng hát vang động vào tâm tư giới trẻ. Anh bước vào đời như một tâm hồn trẻ, bên cạnh giới trẻ Việt Nam vốn sống hồn nhiên và yêu quê hương tha thiết. Hãy nghe anh thỏ thẻ với những cô gái tuổi thanh xuân:
Là con gái tuổi mười lăm, mười bảy.
Thì ai mà không ước mộng yêu đương.
Thì ai mà không thầm lén soi gương.
Ðem nhung nhớ hong dài trên mắt biếc.
Khi đã yêu thì trời ơi tha thiết !!!
Trong số những người con gái dễ thương đó, hẳn nhên phải có người yêu của anh, được chọn trong muôn một để dành trọn trái tim cho nàng:
Này người yêu anh ơi!
Cho anh nồng ấm cuộc đời
Hoa thơm có ánh mặt trời
Như núi mừng – vì mây đến rồi
Này người yêu, người yêu anh hỡi!
Yêu nhau mình đưa nhau tới
Bước nhẹ – và nói lên môi
Nói cho vừa … mình anh nghe thôi!
Trong đám trẻ quê hương, giữa những cô gái dễ thương hay người yêu nhỏ bé, còn có cả một lớp tuổi thơ ngơ ngác nơi sân trường, bên cạnh thầy cô đứng trên bục giảng nhưng chưa đủ xác tín:
Cho đàn em tôi còn bỡ ngỡ nơi sân trường
Đi kiếm tình thương trong tập sách in đen
Em say sưa học cố vươn lên
Trong khi cô thầy bỗng lo hơn
Bao nhiêu năm dạy chưa thấy niềm tin
Trong khi nơi sân trường học sinh lo học để xây dựng tương lai, thì ngoài chiến địa, bao chiến sĩ trẻ đã phải từ giã bút nghiên, hy sinh xuơng máu, chỉ mong giữ thơm quê mẹ, nhưng đã đành nhắm mắt trong tủi hận của đêm dài lịch sử;
Anh em tôi hơn trăm năm mang chiết gông đi trong lao tù.
Cho đến nay cờ tự do cắm trên nấm mộ…
Anh em tôi, anh em tôi nhìn mặt nhau giữa đêm dài lẻ loi.
Đêm xa xôi đêm không thôi, tối vô cùng nào ai rõ ai.
xin vươn vai ngó nhau cho gần,
đi hiên ngang bước hai chân trần,
cùng nhau ta giữ thơm cho người Việt Nam
Nỗi ngỡ ngàng của học sinh nơi học đuờng, nỗi đớn đau của chiến sĩ nơi ngục tối đã phản ảnh những oan khiên của dân tộc Việt Nam. Nhưng bất hạnh nhất là nỗi khổ đau của đồng bào trên quê hương đọa đày như một nhà tù rộng lớn, làm tiêu mòn sức sống của dân Việt. Người dân Việt còng lưng kiếm sống với hình ảnh người cày thay trâu:
Cho đồng bào tôi thở nốt những hơi tàn
Buông thỏng bàn tay thua thiệt trước lầm than
Đêm đêm hết sạch vá vay thêm
Hay mang xe đèo kiếm cơm ăn
Thân trâu kéo cày bên lũ hưởng nhàn
Điều đáng mừng là truớc những nỗi oan khiên chất ngất đó, Nguyễn Đúc Quang đã không nản lòng, buông xuôi hay mất niềm tin. Anh đã đứng lên, vươn vai Phù Đổng, cười với khổ đau, tung xiềng xích vào mặt nhân gian như một thách đố:
Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người
Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi
Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi
Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian
Anh cuời ngạo nghễ, vì anh có niếm tin sắt đá vào truyền thống hào hùng của dân tộc. Máu Văn Lang đã dồn lại. Dân Việt đã hiên ngang dẫm nát xích xiềng, bẻ gãy cùm gông:
Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông ta miệt mài
Từng ngày qua
Cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam
Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng
Mang trong tim cả triệu khối kiêu hùng, Nguyễn Đức Quang luôn luôn hướng lòng về quê hương, ấp ủ ước mong một ngày về dựng lại quê hương thanh bình:
Một ngày nào ta sẽ quay về
Đem vinh quang bốn bề..
Đường của ta đưa ta về thanh bình
Đường an lành, đường thảnh thơi những ngày vui.
Đường Việt Nam mời những bước chân rời.
Sát nhau lại vì đường vẫn còn dài.
Ngày về giải phóng quê hương là ngày tươi sáng. Nắng ấm của buổi bình minh rạng rỡ trên quê hương thân yêu với những bước chân an lành thảnh thơi:
Trời sáng tươi đã lên rồi
Trời sáng luôn trong lòng tôi
Cặp mắt khô trong đêm dài
Tìm quanh đây một ngày vui..
Ánh bình minh đó không phải chỉ rạng rỡ trên quê hương Việt Nam thân yêu, mà còn lan tỏa trên khắp địa cầu. Giấc mơ của Nguyễn Đức Quang là giấc mơ của người con Việt, mà cũng là giấc mơ của con người với con tim nhân thế:
Một địa cầu mới hãy mọc lên
Một thế giới mới hãy ra đời
Một nền hòa bình vĩnh viễn mau đến cùng ngưòi
Một đoàn người mới hãy vùng lên
Bài ca tranh đấu hãy vang rền
Và người vì người hãy chủ động nuôi lớn quê hương
Mơ ước xây dựng một thế giới mới không phải là một mơ ước viễn vông. Điều cần nói là mơ ước đó phải khởi đi từ con tim Việt Nam, đòn bẫy của con tim thế giới:
Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên
Thế đó! Những ai còn muốn tiếp tục làm người, hãy chọn làm người dân Nam, bởi lẽ con tim Việt Nam là con tim nhân bản. Nhưng xin hỏi với Nguyễn Đức Quang, con tim nhân bản đó nay còn không dưới chế độ cộng sản? Xin thẳng thắn thưa rằng “không”, bởi lẽ cộng sản đã chủ trương trồng thú thay vì trồng người, đào tạo thú tính trước đảng tính, sản xuất những bộ máy chém. giết, những “người khổng lồ đầy gân thiếu trái tim..”.
Ngô Quốc Sĩ, Hải Sơn, Minh Nguyệt xin hẹn gặp lại quí thính giả trong mục TCYN lần tới.
Ngô Quốc Sĩ

No comments:

Post a Comment