Monday, January 16, 2017

Phát Triển Kinh Tế Làm Nghèo Đất Nước

ChuyệnNướcNonMình

“Dự án có tính khả thi cao, khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp nhiều lợi ích về kinh tế xã hội cho địa phương nói riêng và quốc gia nói chung. Tuy nhiên, đây là dự án công nghiệp nặng có quy mô lớn, cần vốn đầu tư cao nên để triển khai dự án thuận lợi, cũng như đảm bảo chắc chắn cho sự thành công của dự án, sự ủng hộ của chính quyền các cấp là rất cần thiết”.
Đây là kiến nghị của Tập đoàn Hoa Sen trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án thép Cà Ná Hoa Sen. Đúng là họ đã có được sự ủng hộ tuyệt đối của chính quyền địa phương, sự vỗ tay nhịp nhàng của cơ quan thẩm duyệt.

Tuy nhiên, thành công của bất kỳ dự án đầu tư nào đều phải xét trên một tổng thể hài hoà giữa lợi nhuận cho nhà đầu tư và lợi ích cho nền kinh tế. Có vẻ như, ở dự án thép Cà Ná Hoa Sen, người ta đang gật gù tán thưởng vì nhìn vào bài toán đầu tư tài chính của doanh nghiệp mà chưa nhìn đến lợi ích cho đất nước, nhân dân.
Trước khi nói về dự án Cà Ná Hoa Sen, cần thiết phải nhìn lại một dự án thép tương tự là Formosa Hà Tĩnh. Với quy mô 7,5 triệu tấn/năm với vốn đầu tư khoảng 10 tỉ USD, Formosa Hà Tĩnh từng được khẳng định sẽ thúc đẩy sự phát triển cho toàn bộ ngành công nghiệp ở Việt Nam, tạo động lực phát triển kinh tế miền Trung, là nguồn thu lớn của ngân sách nhà nước và giúp nhân dân Hà Tĩnh đổi đời.
Thực tế, từ khi được cấp phép đến nay, những đóng góp của Formosa cho nền kinh tế chẳng thấm tháp vào đâu so với những gì mà nhà đầu tư này đã lấy mất của đất nước và nhân dân Việt Nam. Sau 8 năm hoạt động, Formosa đóng góp vào ngân sách 13.800 tỉ đồng. Nhưng cũng trong quãng thời gian ấy, Formosa lại được hoàn thuế 14.600 tỉ đồng. Formosa từng bị cơ quan thuế phát hiện có hành vi khai khống.
Không những thế, ngân sách còn phải bỏ ra hàng chục ngàn tỉ đồng để làm hạ tầng cho Formosa. Trong đó, để có mặt bằng sạch, ngân sách đã phải chi tới 5.637 tỉ đồng. Để có nước cho Formosa làm thép, dự án xây dựng đập Rào Trổ được đầu tư 5.000 tỉ đồng, trong đó có vốn ngân sách….
Bỏ ra hàng chục ngàn tỉ đồng, đến nay không thấy động lực kinh tế cả nước, không thấy thúc đẩy kinh tế miền Trung, Formosa đã lấy đi của nền kinh tế 0,3% GDP, ngư dân bám biển giờ thành kẻ tha hương. Đó là chưa kể những bất ổn xã hội đang tồn tại ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh chưa biết khi nào mới giải quyết được.
Trở lại dự án thép Cà Ná Hoa Sen, tôi đọc toàn bộ báo cáo tiền khả thi, chỉ thấy một giọng điệu giống hệt với Formosa, đó là thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, kinh tế miền Trung, kinh tế cả nước, tạo nền tảng phát triển công nghiệp, đổi đời cho nhân dân… Những thứ họ vẽ ra vẫn luôn luôn đẹp. Nhưng tôi không thấy họ đưa ra dữ liệu cụ thể chứng minh cho những tuyên bố trên.
UBND tỉnh Ninh Thuận kêu gọi ủng hộ dự án Cà Ná vì cho rằng dự án thép Cà Ná sẽ đóng góp lớn vào ngân sách địa phương. Họ dẫn ra thông tin Formosa đóng góp vào ngân sách 4.500 tỉ đồng trong năm 2015. Có lẽ, lãnh đạo tỉnh này chưa nắm kiến thức về ngành thuế. Họ sẽ hụt hẫng biết chừng nào khi sau này triển khai, đó chỉ là một khoản thu ảo để cho ra những báo cáo đẹp. Vì thực tế, số tiền trên chủ yếu là VAT và doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế.
Để có nước cho Hoa Sen làm thép, Ninh Thuận đang triển khai xây dựng đập chứa nước sông Dinh với vốn đầu tư 700 tỉ đồng. Dự án cảng nước sâu Cà Ná phục vụ cho nhà máy thép, ngân sách cũng phải bỏ ra 3.700 tỉ đồng.
Đó là chưa kể, một trong những lợi thế được nêu ra nhằm thuyết phục cho việc cấp phép cho dự án thép Cà Ná là nguồn quặng sắt ở mỏ Thạch Khê. Tuy nhiên, để khai thác được mỏ sắt Thạch Khê lại phải có đổ vào đó khoảng 7.000 tỉ đồng.
Nếu đầu tư một nguồn lực lớn mà lợi ích kinh tế rõ nét, người dân có thêm việc làm, môi trường được đảm bảo thì sẽ chẳng ai phản ứng. Nhưng ngay cả lợi ích cho người dân là tạo việc làm, dự án này cũng chưa đưa ra được thông tin thuyết phục. Trong báo cáo tiền khả thi nộp cho cơ quan chức năng xin đầu tư, mỗi phần thuyết trình, Tập đoàn Hoa Sen lại đưa ra một con số khác nhau, khi thì tạo được 8.000 việc làm, lúc lại tạo được 13.000 việc làm. Một báo cáo như vậy làm sao có thể tin tưởng?
Nhà nước làm mọi thứ, từ giải phóng mặt bằng, làm đường giao thông, điện, nước, cảng… nhưng hiệu quả tài chính dành cho doanh nghiệp chứ không phải cho nhà nước. Ninh Thuận được cái gì vẫn chưa rõ. Bài toán kinh tế cho Ninh Thuận là gì vẫn không rõ. Tầm nhìn cho kinh tế địa phương ra sao cũng chưa có. Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế khi nghiên cứu hồ sơ về dự án này.
Tôi hi vọng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi xem xét dự án này sẽ đòi hỏi thuộc cấp của mình phải chỉ ra được hiệu quả cho nền kinh tế sau khi cân đối nguồn lực nhà nước phải bỏ ra. Bởi nếu bỏ qua điều đó, làm bằng bất cứ giá nào như với Formosa thì đồng nghĩa các vị đang làm nghèo đất nước.
Bạch Hoàn

No comments:

Post a Comment