Friday, December 2, 2022

Người Tàu chưa mở mắt!?

Bàn Ngang Tán Dọc

Sự kiện: Sau 3 năm, lấy cớ chống dịch, Tập Cận Bình nhốt dân Tầu trong nhà tù khổng lồ để thuần hóa và tra tấn, nay một số người đã sực tỉnh, nhưng đa phần còn mơ màng, chưa mở mắt... 

Kịch Bản 

MN- Chào anh BC và anh HS, hai anh có còn nhớ bài thơ của cô giáo Trần Thi Lam cách đây bốn năm năm về trước không? 

HS- Chào MN, chào anh BC. Sao tự dưng MN lại hỏi thơ với phú, trong lúc đầu óc HS đang nghĩ đến chuyện cơm áo gạo tiền cho ngày mai đây nè, nên chẳng còn nhớ gì cả. Xin lỗi MN. 

BC- Có phải MN muốn nói đến bài thơ có tựa đề: “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” của cố giáo Trần Thị Lam ở Hà Tĩnh, viết sau vụ Formosa làm ô nhiễm biển năm 2016 không? 

MN- Đúng rồi anh BC, trong ấy MN nhớ 4 cầu đầu là:

 Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...

Bây giờ thì anh HS đã tỉnh lại chưa? MN nhớ hồi ấy anh HS đã ngâm nga bài thơ này và tỏ ra đắc ý lắm mà. Nhớ không? 

HS- HS nhớ ra rồi, nhưng đang không sao MN lại nhắc lại bài thơ ấy làm gì thế? 

MN- Là vì MN muốn so sánh 4,000 năm dân ta không chịu lớn với 5,000 năm dân Tàu, sao nó cũng không chịu lớn vậy? Như thế dân ta còn hơn dân Tàu cả ngàn năm đấy. Hai anh thấy MN có lý không nào? 

BC- Có lý đấy. À há. Phải chăng MN muốn nói đến hơn 5 ngàn năm văn hóa Trung Quốc đã ảnh hưởng đến văn hóa và lịch sử nước ta và những  nước như Nhật Bản  hay Đại Hàn chăng? Những nét đặc trưng xa xưa ấy khó mà tim thấy ở Trung Hoa lục địa nữa rồi. 

HS- Đúng vậy, có chăng là còn tìm thấy ở Đài Loan, ở Hong Kong trước đây, hay ở các cộng đồng người Hoa ở hải ngoại thôi. Thí dụ như đoàn múa nghệ thuật ShenYun chẳng hạn, những nét nghệ thuật ấy bây giờ đã thay thế bằng báng súng, roi điện, còng số 8, bằng búa liềm thô bạo cả rồi. 

MN- Như hai anh thấy, sau khi Tập Cận Bình đã nhốt dân chúng suốt 3 năm vì lý do chống dịch, từ một vụ hỏa hoạn chung cư bị phong tỏa ở Tân Cương, khiến mấy chục người chết, vì xe chữa lửa không vào được. Dân chúng phẫn nộ biểu tình ở nhiều thành phố, cả thế giới đang hướng mắt vế phía Tàu Cộng, xem có biến động gì không. Chắc hai anh có theo dõi mà? 

BC- Có. Ở TC thì như vậy. Ở bên ngoài, cộng đồng người Hoa trên khắp thế giới cũng tổ chức những cuộc biểu tình để ủng hộ tinh thần người dân trong nước, cho thấy phần nào người Tàu đã chán ghét chệ độ CS, nhưng người dân trong nước thì chưa hẳn như thế đâu. 

HS- Chắc hai anh đã thấy rồi, từ năm 1949 đến nay, đất nước đông dân nhất địa cầu này dưới sự cai trị hà khắc của đảng CS, dân chúng đã quen với cuộc sống nghèo đói chậm tiến rồi, nay đời sống khá hơn, họ cứ tưởng đó là công lao của đảng CS Tàu đem lại, có biết đâu chính thế giới Phương Tây đã làm thay đổi nền kinh tế đất nước này đấy. 

MN- Chinh vì thế mà Tập Cận Bình quyết liệt bưng bít thông tin, áp dụng mọi phương cách để kiểm soát, hòng bịt miệng người dân, ngăn chặn tất cả những ai cất lên tiếng nói trái với ý đảng, nên trong mấy ngày qua, dân chúng biểu tình ở nhiều thành phố, kể cả trong khuôn viên một số đại học, lần đầu người ta nghe thấy những tiếng hô “đả đảo đảng CS -  TCB phải từ chức....” v.v... 

BC- Nhưng đa số họ vẫn phải che mặt, và chỉ giơ cao những tờ giấy trắng mà không viết gì trên ấy, như một biểu tượng họ bị cướp mất quyền tự do ngôn luận. Chứng tỏ họ phải đề phòng có thể bị bắt và kết án với bằng chứng chống đối nhà nước. Chứng tỏ dân Tàu chưa tỉnh hẳn đâu. 

HS- Hiện nay chưa thấy có các cuộc đàn áp mạnh tay nào, nhưng HS nghĩ Tập Cận Bình và đảng CS Tàu đang có các kế hoạch để ứng phó với tình hình này. Một mặt họ tạm thời nới lỏng chút ít để cho dân chúng thấy nhẹ nhóm phần nào, trong lúc ấy vẫn theo dõi, nhận diện những người có ảnh hưởng để sẽ bắt sau. Trò này ở VN cũng đã áp dụng rồi. 

MN- MN nghĩ, nếu biểu tình phản kháng lan rộng, ảnh hưởng đến uy quyền tuyệt đối của Tập, thì chắc chắn sẽ có đàn áp đẫm máu như vụ Thiên An Môn năm 1989. Đối với 1.5 tỷ người, dù có phải giết chết  năm bảy chục ngàn mà giữ vững được chế độ, thì CS họ cũng làm mà. 

BC- Hoặc nhân cơ hội lấy lý do phải dẹp loạn trong nước, cũng để cứu vãn nền kinh tế khủng hoảng vì chính sách O covit, Tập Cận Bình khởi binh đánh chiếm Đài Loan luôn thì sao? 

HS- Và cũng có thể Tập gây hấn để đánh chiếm nốt các đảo ở Trường Sa của VN nữa. Ai làm gì được họ đây. Việt Nam ta có câu “Đền được vạ thì má đã sưng”. Lúc ấy VN đi kiện ai, trong khi đảng CSVN vẫn hoàn toàn lệ thuộc vào Tàu Cộng mà. 

MN- Lệ thuộc là một chuyện, còn trong nước thì đầy dẫy tham nhũng, thối nát, bất công. Hết Trịnh Văn Quyết lại đến Việt Á, chưa hết Việt Á lại đến Nguyễn Thị Thanh Nhàn, rồi Trương Mỹ Lan với Vạn Thịnh Phát. Quanh năm suốt tháng hết vụ án lớn này đến vụ tham nhũng khủng khác. Chẳng lẽ đất nước mình cứ mãi như thế này sao hả hai anh? 

BC- Chừng nào còn đảng CSVN ngồi trên đầu trên cổ người dân, thì những thứ ấy vẫn tồn tại thôi. Cho nên loại bỏ CS là nhu cầu tất yếu của dân tộc ta đấy. 

HS- Bên Tàu cũng thế, cho nên nếu dân Tàu chưa mở mắt thì VN ta cũng khó có thay đổi gì. Nhưng chúng ta không có quyền thất vọng và đi lui nha bà con ơi. 

MN- MN rất đồng ý với hai anh. Chúng ta sẽ trở lại lần sau vậy.

 

Đất nước mình ngộ quá phải không anh?
 
Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...


Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay...


Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa...


Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu...


Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu...


TRẦN THỊ LAM
Trường THPT chuyên Hà Tĩnh.

No comments:

Post a Comment