Wednesday, July 1, 2020

Dự báo bất ổn chính trị gia tăng

Bình Luận

Độc tài đảng trị đồng nghĩa với bất ổn chính trị. Muốn ổn định chính trị Việt Nam, chúng ta không còn sự chọn lựa nào ngoài cải tổ kinh tế và dân chủ hóa đất nước toàn diện.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Nguyễn Nam với tựa đề: “Dự báo bất ổn chính trị gia tăng” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Nhận định về tình hình chính trị ở Việt Nam vào thời điểm này, ít nhiều được coi là đang đùa với lửa, là ‘phản động’ hơn là theo nghĩa thiện chí của ‘phản biện’, hay ‘phản hồi’ về chuyện kiến nghị chi chi đó…
Thế nào là đồng bộ của trục kinh tế – chính trị – xây dựng đảng cộng sản?
“Đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế ở Việt Nam hiện nay là vấn đề lớn cần tổng kết, tiếp tục nghiên cứu, và có cách thức phù hợp” – đó là ý kiến của PGS., TS. Nguyễn Văn Vĩnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Nếu như ông Nguyễn Văn Vĩnh đặt vấn đề cho trục đổi mới phải đồng bộ ở cả chính trị và kinh tế, thì với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Võ Văn Thưởng, thì “công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thời gian qua cũng còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Năng lực dự báo, định hướng chính sách, thể chế hóa, cụ thể hóa để tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, còn khoảng cách so với đòi hỏi của thực tiễn. Quản lý, giáo dục đảng viên chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao”.
Như vậy, vấn đề chính theo ông Thưởng lại là trục đồng bộ còn chưa mấy khớp giữa ‘xây dựng Đảng’ và ‘hệ thống chính trị’.
Tổng hợp từ ý kiến của ông Vĩnh và ông Thưởng sẽ cho ra trục bất ổn cho sự kết nối liền mạch của chính trị – kinh tế – đảng cộng sản. Hệ lụy của những khập khiễng đó, như một nhận xét khá sốc của TS., Luật sư Nguyễn Thanh Bình (Học viện Tư pháp), đó là nguy cơ của sự bất ổn về chính trị trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị lựa chọn các đại biểu nhân dân cho nhiệm kỳ mới của Quốc hội.
TS., Luật sư Nguyễn Thanh Bình nêu 6 dấu hiệu mà ông cho rằng người dân bình thường cũng thấy bất ổn chính trị ở Việt Nam ngày càng gia tăng, và diễn biến phức tạp.
Thứ nhất, thế lực thù địch và bọn phản động hoạt động khắp nơi. Chúng thâm nhập, trà trộn ngày càng nhiều trên mọi lĩnh vực, nhưng chúng ta không thể hạn chế và đẩy lùi được; bởi nếu đã đẩy lùi được thì ắt sẽ không có 5 điều tiếp theo đây.
Thứ hai, có sự lung lay và bất lực của chính quyền cấp cơ sở (cấp xã, phường, thị trấn). Chính vì vậy, bộ Công an đang triển khai kế hoạch, chương trình đưa lực lượng công an chính quy về biên chế, tăng cường cho đội ngũ công lực, sức mạnh ở xã, phường, thị trấn cùng với việc gia tăng năng lực của các lực lượng bán vũ trang ở cấp này… Có lẽ sau đó chúng ta có thể đưa hẳn một lực lượng quân sự thường trực ở địa bàn này (bộ đội chính quy hoặc bộ đội địa phương).
Thứ ba, tình trạng bắt bớ, trấn áp các tội phạm hoặc nghi là tội phạm về an ninh quốc gia, các tội về âm mưu lật đổ chính quyền, chống phá chính quyền… ngày càng gia tăng. Thậm chí chúng ta đã sử dụng các biện pháp vũ lực đặc biệt như vụ giết cụ Kình – Đồng Tâm.
Thứ tư, tình trạng tham nhũng càng ngày càng kinh khủng hơn, diễn biến phức tạp hơn nhất là trong vực đất đai, các khu vực kinh tế mà nhà nước độc quyền như điện, xăng dầu, giáo dục phổ thông và đại học quốc lập.
Thứ năm, tình hình biên giới, biển đông ngày càng căng thẳng do có sự thao túng, chi phối, quậy phá của Trung Quốc.
Thứ sáu, dấu hiệu nhiều quan chức cao cấp tìm cách đưa vợ con, người thân thích ra định cư một số quốc gia giàu có như Mỹ, Châu Âu, Canada… cho thấy họ muốn đến những nơi có cuộc sống an toàn, văn minh và hạnh phúc mà khi đương chức họ ra sức chống đối, thù địch… Tình trạng người dân trốn ra nước ngoài ngày càng nhiều.
“Với những dấu hiệu trên cho chúng ta thấy rõ tình hình chính trị của nước ta khá bất ổn!” – TS., Luật sư Nguyễn Thanh Bình kết luận.
Có lẽ ý kiến tiếp sau đây của TS. Nghiêm Thuý Hằng (chuyên ngành Ngôn ngữ học và Ngôn ngữ học Ứng dụng, hiện đang công tác tại Khoa Đông phương học, Đại học Quốc gia Hà Nội), là một ‘mơ mộng’ cho ‘phản biện dung hòa’ quanh thực trạng bất ổn chính trị như nhận xét của TS., Luật sư Nguyễn Thanh Bình về 6 điều nêu ở phần trên; và cả tuyên bố tự tin thái quá trên báo Quân đội nhân dân “Nền chính trị ổn định tạo cho Việt Nam có được một nền hòa bình và thịnh vượng”:
“Có những cá nhân tài giỏi, tử tế sẽ có một chính quyền tài giỏi, tử tế. Có chính quyền thực sự tử tế ‘của dân, do dân, vì dân’ sẽ có tất cả. Thực tế diễn ra tại nước Mỹ mấy trăm năm qua đã chứng tỏ điều này, họ chính là một chế độ chính trị như vậy, chỉ khác là họ chọn giá trị ‘tự do’ còn người Việt Nam chúng ta thường chọn giá trị ‘hòa hiếu’, hòa cả làng làm giá trị cốt lõi nhất, đã là giá trị cốt lõi thì không dễ gì thay đổi”./.
Nguyễn Nam

No comments:

Post a Comment