Monday, June 1, 2020

Tin Tức: Thứ Hai 01.06.2020

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức với Vân HàNguyên Khải

1)  PHÁP BUỘC TỘI 13 NGƯỜI VIỆT BUÔN NGƯỜI SANG ANH
Công tố viện Pháp đã buộc tội 13 nghi phạm có dính líu đến đường dây buôn người, khiến 39 công dân Việt thiệt mạng trong một thùng xe đông lạnh được tìm thấy tại Anh vào tháng 10 năm 2019.
Sáu nghi phạm trong nhóm này mang quốc tịch Việt và Pháp, bị bắt giữ tại Paris vào tuần trước và kẻ cầm đầu đường dây này cũng bị bắt giữ tại Đức vào cuối tuần qua. Trong một hành động phối hợp, cảnh sát Bỉ cũng bắt giam 13 người dính líu đến đường dây này vào hôm thứ Ba 26/5.
Theo điều tra của cảnh sát quốc tế, một trong 39 công dân Việt bị tử nạn tại Anh đã di chuyển từ Việt Nam đến Nga, sau đó băng qua Ukraine và đến Pháp. Đường dây buôn người này thu từ 10 đến 20 ngàn Âu kim để đưa 1 người từ Pháp sang Anh. Chủ mưu đường dây là một thanh niên 29 tuổi có biệt danh là “Công tước hói đầu”, nhưng cảnh sát chưa tiết lộ quốc tịch của người này.
2)  DÂN QUẢNG NGÃI BAO VÂY NHÀ MÁY THÉP HÒA PHÁT DUNG QUẤT, VÌ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Không thể chịu đựng mùi hôi khét bốc ra từ nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất, người dân xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đã bao vây phong tỏa nhà máy này vào sáng thứ Bảy 30/5.
Đây là lần thứ 6 mà người dân chận các lối ra vào nhà máy Dung Quất vì môi trường bị ô nhiễm trầm trọng. Không chỉ ô nhiễm không khí, người dân xã Bình Thuận nhiều lần phản đối nhà máy Hòa Phát đã phá hoại nghĩa trang, gây tiếng ồn và bốc mùi hôi khét. Người dân cho biết là suốt tuần qua, cứ mỗi lần luồng khói bốc lên từ nhà máy là mang theo mùi hôi khét trùm phủ cả khu dân cư, gây khó thở.
Chủ tịch xã Bình Thuận cũng xác nhận mùi khét bao trùm toàn xã kể từ ngày 22/5, dẫn đến cảnh người dân bao vây nhà máy hôm 30/5. Hiện nhà cầm quyền huyện Bình Sơn đang mở cuộc thảo luận với nhà máy này để giải quyết nạn ô nhiễm.
3)  HÀNG NGÀN MẪU SẦU RIÊNG, CHÔM CHÔM BỊ CHẾT HÉO Ở MIỀN NAM
Nhiều nông dân ở hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang đang chặt bỏ các vườn sầu riêng và chôm chôm bị khô héo vì hạn hán, bị nhiễm mặn và thiếu nước tưới.
Tình trạng hạn hán kéo dài suốt 3 tháng qua khiến các con sông bị nhiễm mặn không còn nước tưới vườn, nhiều khu vườn phải chuyển sang mua nước từ các xà lan cung cấp, nhưng giá bán lại quá cao không thể trang trải nổi phí tổn. Chỉ riêng xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cả trăm mẫu sầu riêng và chôm chôm bị chết khô, khoảng một ngàn mẫu khác cũng đang chết dần.
Tính toàn tỉnh Bến Tre, có khoảng 10 ngàn mẫu vườn bị thiệt hại vì hạn hán và nhiễm mặn kéo dài. Tỉnh Tiền Giang cũng có gần 3 ngàn mẫu trái cây lâm vào tình cảnh tương tự. Ngoài 2 tỉnh trên, các tỉnh Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng cũng ban bố tình trạng khẩn cấp, với hơn 80 ngàn gia đình đang khan hiếm nước sinh hoạt.
4)  LÀN SÓNG BIỂU TÌNH BẠO LOẠN Ở MỸ TIẾP TỤC LAN RỘNG
Làn sóng biểu tình phản đối cái chết của một người da đen không chỉ lan rộng ở  Mỹ mà còn lan sang các nước trên thế giới, điển hình là tại Anh và Đức vào cuối tuần qua.
Trong khi lệnh giới nghiêm được ban hành tại một số thành phố lớn của Mỹ, vào hôm qua các cuộc biểu tình vẫn diễn ra rầm rộ nhằm phản đối một cảnh sát da trắng đã ép đầu gối vào cổ một người dân da đen, khiến người này chết vì ngạt thở ở thành phố Minneapolis. Người biểu tình đã hô to lời hấp hối “Tôi không thở được” của ông George Floyd trước khi thiệt mạng.
Các cuộc biểu tình ôn hòa đã nhanh chóng biến thành bạo loạn. Những người biểu tình đã dùng cây đập vỡ kính các cửa hàng, đốt xe cảnh sát và đập kính xe người dân, khiến lực lượng cảnh sát phải sử dụng hơi cay và đạn nhựa để đàn áp. Trước đó, Thống đốc tiểu bang Minnesota đã huy động Vệ binh Quốc gia đến thành phố Minneapolis để giữ gìn an ninh, nhưng tình trạng bạo loạn vẫn diễn ra tại nhiều nơi trong thành phố.
Tại London và Berlin vào ngày 31/5, hàng trăm người đã xuống đường bày tỏ sự ủng hộ đối với làn sóng biểu tình nhằm phản đối việc sử dụng bạo lực của cảnh sát Mỹ.
5)  ANH QUỐC CAM KẾT KHÔNG BỎ RƠI NGƯỜI DÂN HỒNG KÔNG
Vào ngày 29/5 vừa qua, Ngoại trưởng Anh Quốc, Dominic Raab, cho biết mọi người dân Hồng Kông có sổ thông hành BNO (tức British National Overseas Passport) có thể được Anh Quốc cấp quyền công dân, nếu Trung Cộng không rút lại Luật An ninh đối với Hong Kong.
Ông Dominic Raab giải thích rõ chủ trương của chính phủ Anh là sẽ gia tăng thời hạn tạm trú từ 6 tháng lên đến 12 tháng, cho phép những người sở hữu hộ chiếu nước ngoài được kéo dài thời gian làm việc hay học hành tại Anh Quốc. Điều này giúp mở đường cho việc được cấp quyền công dân Anh sau này. Ngoại trưởng Raab nói: Trung Cộng không nên đi quá giới hạn và nên hành xử trách nhiệm của mình như là một thành viên hàng đầu của thế giới.
Bộ Nội vụ Anh vào hôm qua cũng ra thông báo là người dân Hong Kong có thể xin được cấp hộ chiếu. Tính đến tháng 12/2019, đã có gần 300.000 người Hong Kong có hộ chiếu này. Quyết định của Bộ Nội vụ Anh đã mở rộng nhóm dân có thể xin cấp quyền công dân, trong đó có khoảng 2,6 triệu người Hong Kong từng sở hữu BNO trong quá khứ nhưng không thay đổi hộ chiếu mới sau khi hết hạn.
6)  GIỚI CHỨC HỒNG KÔNG PHẢN BÁC VIỆC HOA KỲ SẼ HUỶ BỎ CÁC BIỆT ĐÃI DÀNH CHO HỒNG KÔNG
Với lời lẽ cứng rắn nhất từ trước đến nay, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, tuyên bố vì Bắc Kinh thông qua đạo luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông, nên lãnh thổ này sẽ không còn hưởng các đặc quyền kinh tế của Mỹ. Ông nói: “Hoa kỳ sẽ có hành động rút lại sự biệt đãi dành cho Hồng Kông về vấn đề hải quan và du hành vốn khác biệt với phần còn lại của Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ cũng sẽ áp đặt chế tài lên các cá nhân bị xem là chịu trách nhiệm về việc bóp nghẹt hoàn toàn sự tự do của Hong Kong”.
Ngay lập tức, giới chức Hong Kong lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ về lời tuyên bố của ông Trump. Cục trưởng Cục Bảo an Hoa Lục, John Lee, nói với các phóng viên rằng “Hong Kong không thể bị đe dọa; TQ sẽ xúc tiến các luật mới và Hoa Kỳ sẽ thất bại khi xen vào nội bộ của TQ”.

No comments:

Post a Comment