Kính thưa quý thính giả, HT Thích Quảng Độ là một nhà lãnh đạo
Phật Giáo uy tín, trải qua nhiều thế hệ và thăng trầm lịch sử đất nước,
từ Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa tại Miền Nam đến giai đoạn bạo quyền CSVN
cai trị cả 2 miền Nam Bắc. Sự ra đi về cõi Phật của Ngài là một mất mát
lớn lao cho Phật Giáo và trong công cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân
quyền tại Việt Nam. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ls. Đào Tăng Dực với tựa đề: “Vinh danh Hòa Thượng Thích Quảng Độ” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.
Tuy nhiên, thực tế đang chứng minh rằng, niềm đau của sự mất mát này
đang trở thành động lực lớn lao để Phật Tử khắp nơi, từ hải ngoại đến
quốc nội, ý thức sâu sắc tính gian trá và phi nhân của Ý Thức Hệ Mác-Lê
và tính tàn phá đạo pháp và dân tộc của tập đoàn CSVN.
Từ đó, Phật tử Việt Nam từ mọi chân trời góc biển, nhất thiết đứng lên, noi gương Bồ Tát Đạo của Ngài hầu đạp đổ độc tài CSVN.
Trước khi bàn đến công đức của HT, chúng ta cũng nên nhắc đến sơ qua về tiểu sử và con người.
HT tục danh là Đặng Phúc Tuệ, sinh ngày 27 tháng 11 năm 1928 tại tỉnh
Thái Bình thuộc Bắc Phần Việt Nam. Ngài thọ giới sa di năm 1944 và di
cư vào miền Nam năm 1954.
Năm 1965, HT trở thành Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo trong GHVNTN. Đây là
một định chế Phật Giáo độc lập với chính quyền và một thành phần quan
trọng của xã hội dân sự tại miền Nam.
Theo vận mệnh nổi trôi của đất nước, đảng CSVN, với sự ủng hộ của
Liên Xô và Trung Quốc, đã xâm chiếm miền Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Đến năm 1981, đảng CSVN, thi hành sách lược xóa bỏ xã hội dân sự hầu xây
dựng độc tài toàn trị trên đất nước. Đảng CSVN quyết tâm cưỡng bách
GHPGVNTN phải xóa sổ và gia nhập Mặt Trận Tổ Quốc hầu xây dựng một định
chế mới, dưới sự điều hướng của đảng, mang tên là Giáo Hội Phật Giáo
Việt Nam (GHPGVN).
Dưới sự lãnh đạo sắt thép của HT, GHPGVNTN và hàng ngũ giáo phẩm từ
chối không gia nhập. Từ đó, HT bị chính quyền CSVN đàn áp dã man.
Theo Wikipedia, từ năm 1977, HT bị giam giữ và năm 1982 bị trục xuất
về nguyên quán tỉnh Thái Bình. Năm 1995, HT bị tuyên án 5 năm tù giam và
5 năm quản chế cùng với các HT Thích Không Tánh, Thích Nhật Trường và
Thích Trí Lực về tội “phá hoại chính sách đoàn kết và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước”.
Năm 1999, HT được bầu làm Viện Trưởng Viện Hóa Đạo của GHPGVNTN. Khi
HT Thích Huyền Quang viên tịch thì Ngài trở thành Xử Lý Thường Vụ Viện
Tăng Thống và năm 2011, trong Đại Hội kỳ IX của GHPGVNTN tại TP
Westminster, California, Hoa Kỳ thì HT chính thức được bầu làm Đức Đệ
Ngũ Tăng Thống.
Như một con người, HT không phải là một nhà lãnh đạo hoàn hảo. Những
bất đồng quan điểm của HT đối với các vị tôn đức như Thích Viên Định
(Viện trưởng Viện Hóa Đạo) hoặc Thích Viên Lý (Văn Phòng II) đã đưa đến
sự từ chức tạm thời cũng như tái nhiệm của HT. Sau đó giáo chỉ số 10 của
HT đã gây chia rẽ trầm trọng nội bộ và sự thành lập của Tăng Đoàn
GHPGVNTN với HT Thích Thiện Hạnh làm Thượng Thủ và HT Thích Chánh Lạc
làm CT Hội Đồng Giáo Phẩm.
Tuy nhiên, bên cạnh những khuyết điểm về điều hành và lãnh đạo một
định chế thì HT là một học giả Phật Giáo vô cùng uyên thâm. Theo Báo
Điện Tử Giác Ngộ thì:
“Ngài là nhà phiên dịch của nhiều bản kinh, sáng tác, biên soạn nhiều tác phẩm, như Kinh
Mục Liên sám pháp, Thoát vòng tục lụy, Truyện cổ Phật giáo, Ðại thừa
Phật giáo tư tưởng luận, Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận, Nguyên thủy
Phật giáo tư tưởng luận, Từ điển Phật học Hán Việt…, đặc biệt bộ Phật Quang Đại từ điển đồ sộ đã được xuất bản chính thức trong nước.”
HT cũng có một tâm hồn thi sĩ với hằng trăm tác phẩm và nhiều vần thơ tranh đấu bất khuất nhưng luôn đượm mùi Thiền vị như:
Qua kẽ xà lim chỉ mấy ly
Nhìn ánh triêu dương thật diệu kỳ
Thế giới ba nghìn đang chuyển động
Trong từng mảy bụi nhỏ vi ti
(Vô Thường tr.71)
Đây là miền Nam trong căn phòng giam chật hẹp âm u
Ngoài kia là miền Nam trong một nhà tù rộng lớn
…
toàn khu nhà tù chìm vào yên lặng
yên lặng như nấm mồ hoang vắng
giữa miền cát trắng bao la
và nằm trong căn nhà mồ
tôi không thấy gì nữa cả
trừ những bóng ma
vai mang khẩu súng AK
thỉnh thoảng chập chờn qua gang cửa gió
(Trời Đã Sáng tr. 61)
HT cũng là một trường thành bảo vệ chánh pháp trước sự hung ác của
bạo quyền. Thật vậy, sau chính biến năm 1975, số phận GHPGVNTN như mành
treo chuông. Tuy đảng CSVN không dám chính thức khai tử GH vì sợ phản
ứng của quần chúng, nhưng chúng lại dựng lên GHPGVN như một thành phần
của Mặt Trận Tổ Quốc và cánh tay đắc lực của đảng. Chúng tích cực ủng hộ
cho GHPGVN và đối xử vô cùng tàn nhẫn với hàng giáo phẩm của GHPGVNTN
bằng cách ngăn cấm phật tử đến chùa, tịch thu tự viện, chùa chiền và đất
đai… cũng như truy tố giam cầm tăng chúng. Trước bạo quyền độc tài toàn
trị như thế tinh thần bất khuất Phật Môn của HT Thích Quảng Độ sáng
ngời như một bức trường thành vững chãi bảo vệ chánh pháp.
Hầu như suốt cuộc đời tranh đấu và bị CSVN giam cầm của HT thì mỗi bước chân thiền của HT là một cú đạp vào mặt chế độ.
Thêm vào đó, như một nhà tranh đấu bất khuất cho dân chủ và nhân
quyền, HT là một biểu tượng được quốc tế công nhận. Hầu như HT đã hiến
dâng trọn đời để tranh đấu cho tự do tôn giáo và dân chủ đa nguyên tại
Việt Nam. Tên tuổi HT nổi khắp thế giới và HT đã nhiều lần được đề nghị
nhận giải Nobel Hòa Bình. Năm 2006, HT được giải Quỹ Thorolf Rafto của
Na Uy thành lập năm 1986, với giải thưởng trị giá khoảng 7700
đôla Mỹ.
Trước đó năm 2002, HT được giải thưởng Homo Homini của Tổ chức People in Need, Cộng hòa Chzec cùng với HT Thích Huyền Quang và Linh Mục Nguyễn Văn Lý.
HT là một trong những lãnh tụ tôn giáo hiếm hoi minh thị kêu gọi đảng
CSVN từ bỏ độc tài đảng trị và xây dựng dân chủ đa nguyên trên đất nước
Như một bậc Thầy của nhiều thế hệ tăng chúng thì sự nghiệp của HT ít
người bì kịp. Thật vậy, trong Lễ Hỏa táng của HT tại Chùa Từ Hiếu
Sàigòn, chúng ta nhận thấy sự hiện diện của không những hàng ngàn tăng
ni phật tử trong và ngoài nước mà còn đại diện Gia Đình Phật Tử khắp nơi
trên thế giới. Điều này chứng minh hùng hồn rằng, bất chấp sự đàn áp và
đe dọa của tập đoàn đảng trị CSVN, người Phật tử chân chính trong lẫn
ngoài nước đều ngưỡng mộ nhân cách của HT và luôn đeo đuổi lý tưởng một
giáo hội PGVNTH độc lập với chính quyền, sinh hoạt trong một môi trường
xã hội dân sự khai phóng của một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa
nguyên chân chính của dân tộc.
Cuộc đời và sự nghiệp của HT đã nói lên một chân lý hiển nhiên. Đó là
uy tín và nhân cách lớn của một bậc chân tu đã dễ dàng vượt lên trên sự
đàn áp của cả một tập đoàn độc tài toàn trị như CSVN.
Phật Giáo không phải là một tôn giáo xây dựng trên những huyền thoại không tưởng.
Như những người phật tử chân chánh, chúng ta nhìn thẳng vào sự thật
về sự nghiệp và con người của HT. Một mặt, chúng ta công nhận và bổ sung
những khuyết điểm. Mặt khác chúng ta tôn vinh những ưu điểm và công
trạng của HT hầu các thế hệ tương lai học hỏi, tiếp tục công trình xây
dựng đạo pháp, đạp đổ bạo quyền CSVN và đưa đất nước đi lên.
Cuộc sống của HT có gây một vài chia rẽ trong nội bộ GHVNTN nhưng cái
chết của HT sẽ tạo ra sự đoàn kết chân chính mà GH cũng như dân tộc
đang cần, hầu làm lực đẩy, đạp đổ độc tài CSVN hầu xây dựng một xây dựng
một đất nước Việt Nam hậu cộng sản phú cường và dân chủ thực sự./.
No comments:
Post a Comment