Liên tục chương trình, mời quý thính giả theo dõi Chân Dung Người Tù Lương Tâm Trần Huỳnh Duy Thức, do Thúc Lân biên soạn qua giọng đọc của Bảo Trân.
Cùng bị bắt với ông vào tháng 5/2009 còn có ba nhà tranh đấu đấu khác
là Lê Công Định, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung. Cả bốn người đều
bị đưa ra tòa vào ngày 20/10/2010 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”- điều 79 BLHS năm 1999.
Trang Bách khoa toàn thư mở có viết khá chi tiết về Trần Huỳnh Duy Thức như sau:
“Trần Huỳnh Duy Thức sinh ngày 29/11/1966 tại Sài Gòn. Năm 1990, ông tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh.
Đầu năm 1993, Trần Huỳnh Duy Thức mở một cửa hàng vi tính nhỏ. Chỉ một
vài tháng sau, cửa hàng của ông đã có thể tự lắp ráp những chiếc máy vi
tính cá nhân đầu tiên. Dù nhỏ, nhưng cửa hàng không chấp nhận làm giảm
giá trị thương hiệu EIS của riêng mình, từ chối chạy theo trào lưu bằng
một nhãn hiệu nước ngoài giả, cho dù khi đó thị trường Việt Nam vừa được
mở cửa rất ưa chuộng hàng ngoại nhập.
Năm 1994, ông cùng ông Lê Thăng Long
thành lập Công ty tin học Duy Việt tại Hà Nội. Từ năm 1998 trở đi,
Internet chính thức được sử dụng ở Việt Nam, tạo nên một nhu cầu truy
cập Internet bùng nổ. Tuy nhiên, thời điểm đó các nhà cung cấp dịch vụ
Internet (ISP) vẫn còn sử dụng công nghệ truy cập analog qua đường điện
thoại nên dung lượng và tốc độ truy cập rất hạn chế, không đáp ứng được
cho nhu cầu đang tăng rất nhanh. Nhận thấy lỗ hổng trên, công ty Duy
Việt đã giới thiệu vào thị trường công nghệ truy cập digital mới nhất
vào lúc đó, cho phép mở rộng nhanh dung lượng lẫn tốc độ truy cập nhiều
lần so với công nghệ analog cũ. Nhờ vậy Duy Việt thắng thầu nhiều dự án
mở rộng hạ tầng Internet trước các hãng lớn nước ngoài, tạo nên một hiện
tượng mới lạ.
Năm 2000, công ty TNHH Tin học Duy Việt chuyển đổi thành công ty
cổ phần Công nghệ thông tin EIS (EIS, Inc.) với sứ mệnh: “Tiến công mạnh
mẽ vào thị trường CNTT quốc tế, chuyển tri thức Việt Nam thành những
giá trị cao trong nền kinh tế tri thức thế giới.” 2 năm sau, với 3 công
ty con gồm One-Connection Singapore, One-Connection USA và
One-Connection Vietnam có mặt ở San Jose (California, Mỹ), Sài Gòn (Việt
Nam) và Singapore.[3][4]
Sau khi ra mắt vào tháng 2 năm 2003, One Connection Singapore nhanh
chóng nổi lên thành một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên môi trường
Internet toàn cầu. Nhờ thành công về thương mại của công ty, các hãng
thông tấn, truyền hình quốc tế và Singapore bắt đầu đưa tin sự kiện công
nghệ Việt Nam xuất hiện cạnh tranh vững chãi trên thị trường toàn cầu”.
(Hết trích)
Ban đầu, ông Thức bị buộc tội “kinh doanh trái phép”, “trốn thuế” và
“trộm cắp viễn thông”. Tuy nhiên, công an đã không thể tìm ra một chứng
cứ nào dù nhỏ nhất để buộc ông các tội danh này. Song công ty của ông
vẫn bị tịch thu các máy móc thiết bị, rút giấy phép kinh doanh- những
hành vi trả thù của chế độ đối với ông không những nhẫn tâm mà còn mâu
thuẫn với chính các cáo buộc của cơ quan công an. Môt nhà hoạt động nhân
quyền nổi tiếng giấu tên từng nói với phóng viên đài ĐLSN rằng “Đọc
bản cáo trạng dành cho ông Thức như là đọc một cuốn truyện trinh thám.
An ninh thêu dệt, vẽ ra đủ thứ trò đê tiện để bịa đặt, vu cáo thành câu
chuyện ly kỳ mà khi đọc xong cảm giác duy nhất của tôi là ghê tởm và
khinh bỉ. Tôi cũng ngạc nhiên rằng ở một môi trường kinh tế khốn nạn như
Việt Nam mà ông Thức và các đồng nghiệp của ông làm được những việc phi
thường và đàng hoàng, “sạch” đến mức khó tin nổi”.
Năm 2005, ông cùng ông Lê Thăng Long và một vài người bạn khác lập ra Nhóm nghiên cứu Chấn thông qua việc nghiên cứu tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam. Ông cũng là người lập ra hai trang blog Change We Need và Trần Ðông Chấn
với nhiều bài viết và bình luận về chính trị Việt Nam, trong đó có một
số thông tin được một số hãng thông tấn quốc tế đăng lại.
Ông là đồng tác giả của cuốn Con đường nước Việt với
phần viết về cải cách kinh tế, luật sư Lê Công Định viết phần cải cách
Tư pháp, ông Nguyễn Sĩ Bình viết về phần cải cách Xã hội.
Sau khi bị tuyên án 16 năm tù giam, Trần Huỳnh Duy Thức bị đưa đến
trại Z30 A- Xuân Lộc (Đồng Nai)- một nhà tù giam giữ nhiều tù nhân chính
trị. Sáng ngày 30/6/2013, một cuộc nổi dậy đã nổ ra nhằm gây sức ép với
trại giam, yêu cầu cải thiện điều kiện giam giữ và chấm dứt nạn ngược
đãi tù nhân. Những tù nhân tham gia cuộc nổi dậy còn bắt trói cả Trưởng
ban Giám thị Hồ Phi Thắng, gọi điện thoại ra ngoài để thông báo diễn
biến sự việc. Truyền thông trong nước và hải ngoại đều đưa tin khá rè
dặt nhưng giới quan sát và hoạt động nhân quyền đều tin rằng những người
lãnh đạo cuộc nổi dậy là các tù nhân chính trị. Ngay ngày hôm sau, các
tù nhân chính trị nổi tiếng là Trần Huỳnh Duy Thức, Huỳnh Anh Trí, Phan
Ngọc Tuấn, Nguyễn Ngọc Cường, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng đều bị chuyển trại.
Ông Thức bị đưa đến trại Xuyên Mộc thuộc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, cách đó
khoảng 30 cây số.
Ngày 5/5/2016, ông Thức lại bị chuyển ra trại giam số 6- Nghệ An
thuộc miền Trung Việt Nam cách hơn 1 ngàn cây số với điều kiện giam giữ
tồi tệ hơn hai trại giam trước đó.
Tại nhà tù này, ông Thức đã hai lần tuyệt thực dài ngày. Lần đầu tiên
để phản đối việc nhà nước ép buộc ông đi định cư tại Hoa Kỳ. Lần thứ
hai vào tháng 8/2018 phản đối yêu cầu nhận tội từ phía công an để đổi
lại lệnh đặc xá, đồng thời cũng phản đối những ngược đãi của trại giam
đối với ông.
Là một doanh nhân thành đạt, dư điều kiện để “vinh thân phì gia”,
thậm chí có chức quyền nếu nghiêng theo chế độ, nhưng ông Thức đã từ bỏ
tất cả để đấu tranh với mong muốn Việt Nam có tự do. Khi ra tòa, ông
chấp nhận bản án 16 năm để bị trù dập, đọa đày với biết bao lần đứng
trước ranh giới giữa sống và chết; từ chối đi định cư tại Mỹ: từ chối
được trả tự do nếu nhận tội… cho thấy đây là một con người phi thường và
vô cùng đáng quý.
Ngày hôm nay, nhìn vào những con người được xếp vào hàng ngũ “trí
thức”, có được mấy người như ông. Bản án nghiệt ngã 16 năm tù giam không
những không đè bẹp được ý chí của con người thông minh, tài giỏi và quả
cảm mang tên Trần Huỳnh Duy Thức mà còn như một nguồn cảm hứng lan
truyền sang cho những người tranh đấu khác, và những người sắp bước vào
con đường góp sức cho sự thay đổi của đất nước Việt Nam.
Mới trải qua 11 năm của bản án 16 năm tù giam, phía trước còn 5 năm
dài nữa. Không biết điều gì sẽ xảy đến với người tù can trường này.
Nhưng chúng tôi tin, trái tim và trí tuệ Trần Huỳnh Duy Thức sẽ làm lay
động đến trời đất, đến hồn thiêng sông núi và đến lòng người. Xin cho
ông được bình an để trở về với gia đình, bè bạn và đồng bào ruột thịt
của ông. Đất nước này, tự hào vì có một người con mang tên Trần Huỳnh
Duy Thức.
No comments:
Post a Comment