Thursday, March 12, 2020

Bàn Về Chuyện Tàu Vượt Mỹ

Bình Luận

Muốn phát triển kinh tế thì không có cách nào hơn ngoài dân chủ hóa hệ thống chính trị quốc giaMời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi phần Bình Luận của Đỗ Ngà với tựa đề: “Bàn Về Chuyện Tàu Vượt Mỹ”qua sự trình bày của Song Thập, và đây là tiết mục để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Dân số nước Mỹ là 330 triệu người, dân số Trung Quốc 1 tỷ 430 triệu người gấp hơn 4 lần dân số Mỹ. Nếu thu nhập bình quân đầu người của dân Trung Quốc chỉ bằng một nửa người Mỹ thì GDP Trung Quốc sẽ gấp đôi GDP nước Mỹ. Ôi sao đơn giản quá! Nhà bạn có 1 người, nhà tôi có 4 người nếu bạn thu nhập ngày 200 triệu/người, và nhà tôi thu nhập 100 triệu/người thì nhà tôi có 400 triệu giàu gấp đôi nhà anh. Dễ quá nhỉ?
Để Trung Quốc tiến đến thu nhập bình quân đầu người bằng ½ người Mỹ thì Trung Quốc phải vượt qua những gì? Như ta biết ½ thu nhập bình quân của người Mỹ năm 2019 là 32.500 USD, còn thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc năm 2019 là 10.400 USD. Như vậy để người Trung Quốc tiến lên con số nửa thu nhập của người Mỹ thì họ bắt buộc phải vượt quả bẫy thu nhập trung bình. Vậy bẫy thu nhập trung bình là gì?
Bẫy thu nhập trung bình là trạng thái một nền kinh tế đã vượt qua mốc thu nhập thấp (khoảng 1.025 USD/người) nhưng bị chặn tại mức nhập trung bình cao (khỏang từ 10.000- 14.000 USD/người). Mức này chúng ta có thể tạm gọi đó là một bức tường. Nguyên nhân của nó là khi quốc gia nào đạt tới vùng tiệm cận của bức tường này thì hầu hết những lợi thế giúp nó phát triển trước đó không còn nữa. Như ta biết, khi thu nhập tăng thì lợi thế công nhân giá rẻ không còn. Mà khi mức sống cao thì kéo theo mọi thứ chi phí cũng đắt đỏ, thế nhưng các ngành công nghiệp sản xuất cũ kỹ vẫn theo lối của thời nhân công giá rẻ thì tất sẽ mất khả năng cạnh tranh, bởi vì làm đồ dỏm mà trả chi phí công nhân cao thì sao cạnh tranh nổi? Đến ngưỡng này thì buộc Trung Quốc phải có chính sách kinh tế thích hợp để chuyển “chuỗi giá trị” sang xuất khẩu các sản phẩm công nghệ tiên tiến hơn để tránh bẫy. Nhưng thực hiện điều này không dễ.
Để dọn sạch những thứ công nghệ lạc hậu của nền công nghiệp cũ thì Trung Quốc đã tính trước. Họ đẩy những thứ rác rến đó sang những nước nghèo như Việt Nam để lấy đô la về mua công nghệ hiện đại. Nhưng với một công xưởng của thế giới, Việt Nam dù cho được ĐCS Việt chấp nhận bỏ tiền ra hốt thì cũng không cách nào hốt hết. Có thể nói, thế giới các nước nghèo khó mà nuốt hết đống rác Trung Cộng. Và quan trọng nhất, chính quyền Trung Cộng vẫn là ổ tham nhũng. Như ta biết hiện nay ĐCS Trung Quốc có đến 80 triệu đảng viên mà hễ ai có chút quyền lực là bốc hốt tài sản công. Tương tự như Việt Nam, quan chức CS Trung Quốc xem con đường quan lộ cũng là con đường làm giàu bằng tham nhũng.
Đầu tư công là là số tiền mà chính phủ chi ra để phát triển đất nước. Khi nguồn tiền này bị bòn rút thì tất chính nó đã làm nên sự trì trệ của đất nước. Vì vậy, để vượt bức tường thu nhập trung bình thì đòi hỏi Trung Quốc phải cải cách thể chế chính trị chứ xuất khẩu rác công nghệ không thôi là chưa đủ. Trên thế giới người ta chứng kiến hậu Park Chung – hye, Hàn Quốc chuyển sang dân chủ và vượt bẫy thu nhập trung bình ngoạn mục. Hồng Kông vượt bẫy thu nhập trung bình nhẹ nhàng vì xứ này đã thừa hưởng mô hình thể chế chính trị Anh Quốc. Singapore tuy độc tài nhưng họ đề cao tính minh bạch và sự trong sạch giống như những nước dân chủ tiến bộ. Đài Loan cũng tựa Hàn Quốc, họ cũng dân chủ hóa. Đó là lý do tại sao 4 con rồng Châu Á đã vượt tường Bẫy Thu Nhập Trung Bình để gia nhập các nước phát triển là vậy.
Tuy lịch sử chứng kiến 4 con rồng Châu Á vượt bẫy ngoạn mục, nhưng thế giới cũng chứng kiến nhiều quốc gia cũng bị té nặng và đến giờ vẫn chưa gượng dậy được. Ví dụ như Brazil năm 2011 đạt thu nhập 13.298 USD/người, thế nhưng sau đó thì sao? Quốc gia này không có cải tổ chính trị và thu nhập bình quân đầu người đã thụt lùi. Đến năm 2018 chỉ còn 8.959 USD/người. Cũng tương tự như Brazil, Nam Phi dính bẫy ở mức thu nhập thấp hơn. Năm 2011, Nam Phi có thu nhập bình quân đầu người 8.066 USD/người, nhưng từ năm 2012 quốc gia này lao dốc và đến năm 2018, thu nhập bình quân đầu người chỉ còn là 6.509 USD/người. Đấy là những bài học nhãn tiền, mà Trung Quốc phải biết cách làm gì để vượt bẫy. Để đạt tới thu nhập bình quân đầu người bằng ½ dân Mỹ đấy không phải là bài toán cộng trừ nhân chia giản đơn mà nó là một bài toán vô cùng phức tạp buộc ĐCS Trung Quốc phải biết giải. Nó là mối quan hệ chính trị-kinh tế.
Nói đơn giản thế này, công ty có vốn điều lệ 1 tỷ thì bộ máy quản trị thật tinh gọn, khi công ty có vốn điều lệ 100 tỷ thì phải cơ cấu lại bộ máy quản trị nhiều ban bệ hơn và nhân viên phải chuyên nghiệp hơn, và khi công ty có vốn điều lệ lên đến hàng ngàn tỷ thì phải cơ cấu lại bộ máy xứng tầm với nguồn vốn lớn như vậy. Nếu để bộ máy quản trị công ty có vốn điều lệ 1 tỷ mà quản trị nguồn vốn ngàn tỷ thì hậu quả sẽ khôn lường. Bộ máy làm 1 tỷ đồng sinh lời không có nghĩa là bộ máy đó cũng khiến ngàn tỷ sinh lời. Đấy mới là bản chất vấn đề. Chính vì thế với thể chế chính trị độc tài CS thì nó không phải được sinh ra là để quản trị một xã hội giàu có hàng đầu của xã hội loài người được. Để Tàu vượt Mỹ thì không đơn giản là chúng ta áp mức thu nhập bình quân vào dân số mà phán. Kinh tế vĩ mô nó có quy luật riêng của nó, nó chẳng đi theo đường thẳng đâu./.
Đỗ Ngà

No comments:

Post a Comment