Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh và Đồng Tâm trình bày sau đây.
Sở Y tế Sài Gòn cho biết có 3 ổ dịch Vũ Hán đang lây lan nhanh,
trong khi tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương có thêm một bác sĩ thuộc
khoa cấp cứu bị nhiễm dịch.
Theo loan báo của sở Y tế, 3 ổ dịch này ở quận Nhì, quận 8 và huyện
Bình Chánh. Ổ dịch đầu tiên đến từ những người sang Mã Lai tham dự một
thánh lễ Hồi giáo vào cuối tháng 2 vừa qua. Ổ dịch thứ 2 là tại quán
rượu Buddha, có 10 người bị lây lan từ một phi công người Anh.
Ổ dịch thứ 3 vừa xuất hiện tại huyện Bình Chánh, có nguy cơ lây lan
cho hàng chục người tham dự tang lễ của một gia đình có người bị nhiễm
dịch sau khi trở về nước vào ngày 10/3. Hơn 50 nhân viên y tế huyện Bình
Chánh và nhiều người tham dự tang lễ nói trên đang bị cách ly để theo
dõi sức khỏe.
Tính đến hôm qua, Việt Nam có 141 trường hợp nhiễm dịch Vũ Hán
nhưng chưa có người nào chết. Trong số đó có thêm một bác sĩ bị lây
nhiễm trong lúc gắn máy trợ thở cho người cháu bị nhiễm bệnh.
HÀ NỘI LÊN CƠN SỐT VÌ Ổ DỊCH TẠI BỆNH VIỆN BẠCH MAI
Nhà cầm quyền thành phố Hà Nội đề nghị đưa quân đội đến khử trùng
toàn bộ bệnh viện Bạch Mai sau khi có 5 người bị lây nhiễm tại bệnh viện
này.
Theo tuyên bố của ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch thành phố Hà Nội,
xác suất lây nhiễm dịch tại bệnh viện Bạch Mai là rất cao, và sẽ có thêm
nhiều trường hợp nhiễm dịch trong vài ngày tới. Hiện 500 nhân viên
của bệnh viện này đang được cách ly, trong khi 5 ngàn nhân viên và bệnh
nhân đang chờ được xét nghiệm.
Tính đến hôm qua, trong tổng số 141 trường hợp nhiễm được bộ Y tế
xác nhận, có 52 người sống tại Hà Nội. Điều đáng lo ngại là một nữ du
khách Đan Mạch bị xác nhận là nhiễm dịch khi đến xét nghiệm tại bệnh
viện Nhiệt đới Trung ương trước khi lên đường về nước. Người phụ nữ 20
tuổi này đã đi thăm viếng nhiều nơi ở Việt Nam suốt hai tuần qua.
Trong khi đó, theo ghi nhận của báo chí lề đảng, nhiều nhà hàng và
quán ăn tại Hà Nội vẫn có rất đông khách đến ăn uống vào chiều tối thứ
Tư 25/3, bất chấp lệnh đóng cửa mà nhà cầm quyền này đưa ra vào sáng hôm
qua.
MƯA ĐÁ VÀ GIÔNG GIÓ LẠI GIÁNG XUỐNG CÁC TỈNH PHÍA BẮC
Vào hôm qua, thứ Tư 25/3, mưa đá và giông lốc lại giáng xuống một số
tỉnh thành phía bắc, gây nhiều thiệt hại về tài sản và thương vong ở các
tỉnh này.
Thống kê sơ khởi cho biết, hơn một ngàn căn nhà ở tỉnh Lai Châu bị hư
hỏng nặng, đặc biệt là tại huyện Tân Uyên. Tỉnh Lào Cai cũng bị bao
phủ dưới một lớp mưa đá và có một người chết vì bị sét đánh. Cây cầu
treo lớn nhất bắc qua sông Chảy, nối liền hai xã Long Phúc và Việt Tiến,
cũng bị giông lốc đánh sập. Cùng với các tỉnh nói trên, Thanh Hóa cũng
xuất hiện mưa đá và giông gió, gây thiệt nặng cho các thị trấn và huyện
xã.
Đây không phải là lần đầu tiên mưa đá và giông gió giáng xuống các
tỉnh phía bắc trong năm nay. Vào ngày 18/3, các tỉnh trung du và miền
núi phía bắc cũng đã hứng chịu một trận mưa đá rất lớn, khiến hàng
ngàn căn nhà bị hư hỏng nặng. Hai tuần trước đó, các tỉnh Yên Bái, Lai
Châu, Tuyên Quang và Hà Giang cũng đã bị thiệt hại nặng vì mưa đá kèm
theo giông lốc.
ĐỒNG NAI TUYÊN BỐ HẾT DỊCH TẢ HEO PHI CHÂU
Nhà cầm quyền tỉnh Đồng Nai, nơi có đàn heo nhiều nhất nước, vào hôm
qua tuyên bố dịch tả heo Phi châu đã biến mất sau gần một năm hoành hành
ở tỉnh này.
Theo tuyên bố trên, tính đến ngày 15/3, toàn bộ 137 xã, phường và thị
trấn ở tỉnh Đồng Nai đã qua 30 ngày không tái phát dịch tả heo Phi
châu.
Như tin đã loan trước đây, dịch tả heo Phi châu đã bộc phát tại
tỉnh Đồng Nai kể từ tháng 4 năm ngoái, với khoảng 450 ngàn con heo bị
tiêu hủy, tính đến cuối tháng 12.
Trong một diễn biến khác, vào hôm qua, nhà cầm quyền tỉnh Thanh Hóa
cũng loan báo dịch cúm gia cầm H5N6 đã biến mất tại tỉnh này, sau khi
xuất hiện từ đầu tháng 2 năm nay, với 18 xã bị nhiễm dịch, 55 ngàn con
gà vịt bị tiêu hủy để dập dịch. Vào tuần trước, tỉnh này cũng công bố
đã hết dịch tả heo Phi châu.
SAU DỊCH VŨ HÁN, TRUNG CỘNG ĐANG XUẤT HIỆN DỊCH CHUỘT
Một người đàn ông ở Hoa Lục đã thiệt mạng vào đầu tuần này khi trở
lại tỉnh Sơn Đông, sau khi kết quả giảo nghiệm cho thấy nạn nhân bị
nhiễm siêu vi hanta, một loại vi khuẩn xuất hiện ở loài chuột.
Theo bản tin của tờ Hoàn cầu Thời báo, 32 hành khách đi chung xe đò với người chết đang bị cách ly để xét nghiệm.
Theo hãng tin News 1 của Nam Hàn, khoa học gia Lee Ho-wang, lần đầu
tiên xác định được virus này vào năm 1976 , được lấy tên từ con sông
Hanta, nơi phát xuất dịch này. Theo nghiên cứu của giới chuyên gia y tế
thế giới, CDC, dịch này không lan truyền từ người sang người mặc dù có
một người Argentina bị lây nhiễm bệnh từ một người thân vào năm 1996.
Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong vì dịch hanta có thể lên đến 38% nếu nhiễm
bệnh.
Tỉnh Vân Nam, quê quán của nạn nhân vừa thiệt mạng, có hơn 1200 người
nhiễm dịch hanta trong 5 năm qua. Tuy nhiên, Trung Cộng đã sản xuất
được thuốc trị bệnh này từ 20 năm trước nên số người chết vì dịch
này rất it́.
THÁI TỬ CHARLES CỦA ANH BỊ NHIỄM DỊCH VŨ HÁN
Thái tử Charles 71 tuổi của Anh đã bị nhiễm dịch Vũ Hán theo loan báo
của điện Buckingham, trong khi phu nhân của ông cũng đang tự cách ly để
theo dõi tình huống.
Triều đình Anh cũng xác nhận là Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị đã được xét
nghiệm và không có triệu chứng bị lây nhiễm. Được biết, lần cuối cùng
bà gặp Thái tử Charles là vào ngày 12/3.
Theo số thống kê của giới chức y tế nước Anh, hiện có hơn 8 ngàn
trường hợp nhiễm dịch Vũ Hán ở nước này, với hơn 420 người thiệt mạng,
tính đến hôm thứ Tư 25/3.
TÂY BAN NHA CẦU CỨU KHỐI NATO TRỢ GIÚP ĐỂ CHỐNG DỊCH
Là ổ dịch lớn thứ hai ở Âu châu, Tây Ban Nha hiện có số người chết
gia tăng nhanh hơn cả nước Ý, với 3500 người chết và hơn 42000 người
nhiễm dịch Vũ Hán, trong đó có cả phó thủ tướng Tây Ban Nha.
Chỉ trong vòng một ngày thứ Tư 25/3 hôm qua, nước này ghi nhận hơn
500 người chết và gần 2000 trường hợp nhiễm mới. Trước tốc độ lây lan
càng ngày càng nhanh, chính phủ Tây Ban Nha đã lên tiếng cầu cứu khối
NATO cứu trợ khẩn cấp, đặc biệt là các trang thiết bị cho lực lượng y
tế. Vì con số tử vong quá nhiều, nước này đã phải sử dụng các sân trượt
băng để tạm đặt xác chết. Một số binh sĩ được huy động vào việc di
chuyển thi hài đến các nơi hỏa táng và các sân trượt băng nói trên.
Tại nước Ý, tính đến hôm qua con số người chết đã hơn 6,800 người, với 70,000 trường hợp nhiễm dịch.
Tính đến hôm qua, trên toàn thế giới hiện có hơn 420,000 người nhiễm bệnh, với hơn 20 ngàn người chết.
No comments:
Post a Comment