Và để mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức với Vân Hà và Nguyên Khải
Không đầy một tuần sau khi công bố hết dịch, Bộ Y tế Việt Nam vào
hôm qua xác nhận có 30 ca nhiễm Covid-19 tại một số địa phương, trong đó
có một quan chức cấp cao thuộc ban cố vấn của Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc.
Đa số các người nhiễm bệnh là do lây lan từ một nữ hành khách đi
trên chuyến bay từ Luân Đôn về Việt Nam vào ngày 2/3 vừa qua. Người này
được cho là bệnh nhân thứ 17 đã lây nhiễm cho thân nhân và người tài xế
đón cô về nhà ở Hà Nội. Vào hôm qua, nhân viên y tế xác nhận là 8 du
khách ngoại quốc đi cùng chuyến bay với cô này đã nhiễm dịch Covid-19,
trong đó 4 người đang ở Quảng Ninh, 2 người ở Lào Cai và 2 người khác ở
Đà Nẵng.
Cùng chuyến bay và ở cùng toa với bệnh nhân thứ 17 có ông Nguyễn Chí
Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch & Đầu tư. Kết quả xét nghiệm vào hôm
thứ Bảy 7/3 cho thấy ông Dũng không bị nhiễm dịch, nhưng vẫn bị cách ly
14 ngày để theo dõi.
Trong khi đó, khu phố Trúc Bạch ở Hà Nội, nơi mà bệnh nhân thứ 17
sinh sống, đang bị phong tỏa vào cuối tuần qua, hàng trăm người từng
tiếp xúc với bệnh nhân này hiện cũng đang bị cách ly.
2) MỘT CỐ VẤN CỦA THỦ TƯỚNG CSVN NHIỄM DỊCH COVID-19
Một người nhiễm dịch Covid-19 đang được dư luận tại Việt Nam chú ý
nhiều nhất, đây là bệnh nhân thứ 21 vì có nguy cơ lan nhiễm cho nhiều
người nhất.
Ông này là Nguyễn Quang Thuấn 61 tuổi, cựu Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa
học Xã hội, hiện giữ Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đảng
CSVN/ kiêm thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân
Phúc. Ông Thuấn bị lây nhiễm từ bệnh nhân thứ 17, vì ngồi cùng chuyến
bay từ Luân Đôn về Hà Nội vào ngày 2/3 vừa qua.
Người nhiễm thứ 17 về đến nhà đã bộc phát các triệu chứng bệnh,
nên gần như không ra khỏi nhà ở phố Trúc Bạch – Hà Nội. Ngược lại, ông
Thuấn đã tham dự một số buổi họp và tiếp xúc với hàng trăm người. Giới
chức Hà Nội cho biết trong 5 ngày trước khi phát bệnh, ông Thuấn đã dự
các phiên họp của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Hội đồng Lý luận Trung
ương, và đã tiếp xúc với ít nhất 400 người.
3) HẠ LONG PHONG TỎA 2 KHÁCH SẠN
Trong khi thành phố Hà Nội đang lên cơn sốt vì các ca nhiễm dịch
Covid-19, thì thành phố Hạ Long hôm 8/3 đã ra lệnh phong tỏa 2 khách sạn
lớn ở phường Bãi Cháy, nơi lưu trú của một số du khách ngoại quốc bị
xác nhận nhiễm dịch.
Tại khách sạn Wyndham, công an đã lập hàng rào chắn xung quanh và cô
lập 49 nhân viên, có 32 người VN và 34 du khách ngoại quốc đang cư trú
bên trong. Đây là khách sạn mà một du khách Ái Nhĩ Lan đã cư trú từ ngày
2 đến ngày 7/3. Du khách này bị lây nhiễm từ một nữ hành khách VN đi
cùng trên chuyến bay từ Luân Đôn đến Hà Nội. Tại khách sạn Thái Sơn,
nhóm du khách đi cùng chuyến bay nói trên cũng bị cách ly, có 3 du
khách người Anh bị xác nhận là nhiễm dịch sau khi xét nghiệm.
Ngoài 2 khách sạn nói trên, một khu vực khác cũng bị phong tỏa vì là
nơi cư trú của các tài xế taxi đã chở nhóm du khách du ngoạn Hạ Long
trong tuần qua.
4) HƠN 15 TRIỆU NGƯỜI Ý BỊ CÁCH LY ĐỂ NGĂN CHẶN SỰ LÂY LAN DỊCH COVID-19
Với con số người nhiễm dịch tăng vọt một cách chóng mặt, chính phủ Ý
đã quyết định phong tỏa hoàn toàn 2 thành phố là Venice và Milano,
tương tự như Trung Cộng đã áp dụng đối với Vũ Hán.
Quyết định nói trên có nghĩa là hơn 15 triệu người Ý bị cấm di chuyển
ra bên ngoài, đặc biệt là tại ổ dịch Lombardo có hơn 10 triệu dân. Tính
đến hôm qua, Ý đã có hơn 7.000 người nhiễm với 240 người chết. Lệnh
phong tỏa có thời hạn đến ngày 3/4, gây liên lụy cho một phần tư dân số
nước này. Ngay sau khi lệnh trên được ban hành, hàng ngàn người Ý tại 11
khu vực đang phong tỏa đã vội vã tháo chạy để tránh bị cô lập. Cùng với
lệnh trên, chính phủ Ý đã điều động thêm 20.000 bác sĩ và y tá đến các
khu vực mà dịch Covid-19 đang hoành hành, trong số đó có 5.000 bác sĩ
chuyên khoa.
5) DỊCH COVID-19 ĐÃ LAN ĐẾN 105 QUỐC GIA
Tính đến sáng hôm nay, tổng số người nhiễm dịch Covid-19 trên toàn
thế giới đã vượt qua mức 103.000 người, với 3.800 người thiệt mạng và
hơn 100 quốc gia bị lan nhiễm.
Nam Hàn, Iran và Ý vẫn là các ổ dịch lớn nhất sau Hoa Lục. Số bệnh
nhân ở Nam Hàn lên đến hơn 7.300 người với 50 người chết. Tại Iran, hơn
6.500 ca nhiễm với 195 người chết. Tại Đức có gần 1.100 ca nhiễm với 1
người chết. Hòa Lan có thêm cái chết thứ 3 với 265 người nhiễm bệnh.
Thụy Sĩ có 285 ca nhiễm với 2 người chết. Tại Anh, có 27 người nhiễm
với 2 người chết. Theo một số nguồn tin, một nghị sĩ quốc hội Âu châu
cũng bị nhiễm dịch.
Tại Á châu, Singapore có 150 trường hợp nhiễm bệnh nhưng không có
người chết. Trong khi Campuchia ghi nhận người nhiễm bệnh đầu tiên, sau
2 tuần Thủ tướng Hun Sen khẳng định là nước này sẽ không nhiễm dịch.
Riêng Trung Cộng, con số người nhiễm là 83.000 người với 3.100 người
chết.
No comments:
Post a Comment