Saturday, March 28, 2020

TIN TỨC: Thứ Bảy, ngày 28 tháng 03 năm 2020

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức  sẽ được Minh Nguyệt & Hướng Dương trình bày sau đây.
VIỆT NAM CÁCH LY HÀNG CHỤC NGÀN NGƯỜI TRONG NHIỀU DOANH TRẠI QUÂN ĐỘI
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã đưa hàng chục ngàn người vào các trại cách ly tập trung khi người Việt ở nước ngoài ồ ạt trở về  khi dịch Vũ Hán bùng phát ở châu Âu và Mỹ.
Tính đến ngày 26/3, đã có 44.955 người bị cách ly, với gần một nửa trong số đó đang được cách ly tại nhiều doanh trại quân đội. Dữ liệu chính thức cho thấy con số này giảm khoảng 15% so với con số được đưa ra hôm 22/3, vì nhiều trong số những người đầu tiên trở về Việt Nam vào đầu tháng 3 đã được trở về với gia đình.
Theo một viên chức y tế tại phi trường Nội Bài – Hà Nội, tất cả các hành khách đều qua thủ tục kiểm tra nhanh. Những người có triệu chứng được đưa đến bệnh viện và những người còn lại được đưa đi cách ly, nơi họ sẽ ở chung phòng với 10 đến 20 người khác trên cùng chuyến bay.
Bộ Y tế cho biết, Việt Nam ghi nhận 148 trường hợp nhiễm bệnh và không có trường hợp tử vong nào. Số liệu chính thức cho thấy Việt Nam đã xét nhiệm hơn 30.000 người.
Bộ dự báo số người lây nhiễm có thể tăng lên 1.000 người trong thời gian tới.
HÀNG KHÔNG MẪU HẠM THEODORE ROOSEVELT CÓ THÊM 25 THUỶ THỦ NHIỄM DỊCH VŨ HÁN
Truyền thông Mỹ loan tin vào thứ Sáu ngày 27/3 rằng Hải quân Hoa Kỳ vừa phát hiện thêm 25 thủy thủ dương tính với đại dịch Vũ Hán trên tàu USS Theodore Roosevelt khiến giới hữu trách buộc phải đưa hàng không mẫu hạm này cập cảng và xét nghiệm toàn bộ 5.000 sỹ quan và binh lính trên tàu.
Theo đó, con số thuỷ thủ nhiễm bệnh có thể lên đến hàng chục người. Hàng không mẫu hạm này đã cập cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng, hai tuần trước khi Hải quân Hoa Kỳ thông báo về 3 trường hợp xác nhận nhiễm virus đầu tiên trên hàng không mẫu hạm này.
Đô đốc Michael Gilday, chỉ huy các hoạt động Hải quân Mỹ, nói rằng có rất nhiều phi cơ bay đến và bay đi từ hàng không mẫu hạm này, nên rất khó xác định nhiễm virus từ đâu. Có nghi ngờ về mối liên hệ giữa việc nhiễm virus và chuyến thăm Việt Nam đầu tháng này, khi đó Việt Nam mới công bố có 16 trường hợp nhiễm virus ở miền Bắc.
Tuy nhiên, Đà Nẵng là một trong nhiều địa phương có nhiều du khách và người đến từ Trung Cộng với mục đích kinh doanh.
Tính đến sáng 26/3, đã có 280 người nhiễm Covid-19 trong quân đội và gần 600 trường hợp  nhiễm trong Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, bao gồm lao động nhân sự, người thân và nhân viên hợp đồng. 133 người trong số này thuộc hải quân.
Hôm 25/3, Ngũ Giác Đài xác nhận rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã ra lệnh dừng tất cả các hoạt động của quân đội Mỹ ở nước ngoài trong 60 ngày, làm ảnh hưởng đến 90.000 hoạt động trên lịch trình. Tuy nhiên, lệnh này miễn trừ đối với các bệnh nhân như thủy thủ trên tàu Roosevelt và những tàu khác.
TRUNG CỘNG TẠM CẤM CÔNG DÂN NGOẠI QUỐC NHẬP CẢNH ĐỂ CHẶN DỊCH COVID-19
Trung Cộng tuyên bố tạm cấm nhập cảnh đối với toàn bộ người ngoại quốc, kể cả những người có visa hoặc thẻ cư trú, nhằm ngăn chặn lây nhiễm đại dịch Covid-19 hiện đang hoành hành ở nhiều quốc gia.
Bắc Kinh cũng hạn chế các hãng hàng không Trung Cộng và ngoại quốc, mỗi hãng chỉ được bay một chuyến một tuần, mỗi chuyến bay không được chở quá 75% công suất.
Mặc dù quy định mới có vẻ quyết liệt, nhưng nhiều hãng hàng không ngoại quốc trên thực tế đã ngừng bay tới Trung Cộng và nhiều thành phố đã áp lệnh cấm đáp xuống.
TIN THỦ TƯỚNG JOHNSON NHIỄM DỊCH VŨ HÁN TRÀN NGẬP BÁO ANH
Tin ông Boris Johnson nhiễm dịch Vũ Hán là tin hàng đầu trên tất cả các phương tiện truyền thông Anh Quốc từ trưa thứ Sáu ngày 27/3.
Trước đó, có tin Thái tử Charles đã có kết quả dương tính với loại virus này. Nữ hoàng Elizabeth, người tiếp xúc với ông thủ tướng hôm 11/3 hiện mạnh khoẻ.
Giới chức nói hiện gần 15.000 người Anh đã nhiễm  virus, với 2.921 trường hợp nhiễm mới trong 24 giờ qua. Trong số người bị dương tính, còn có Bộ trưởng y tế, ông Matt Hancock. Tại Anh, đã có 759 người chết, riêng ngày 27/3 là 181 người.
HẠ VIỆN HOA KỲ THÔNG QUA GÓI KÍCH THÍCH KINH TẾ 2.000 TỶ MỸ KIM ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI COVID-19
Vào thứ Sáu ngày 27/3, Hạ viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua gói kích thích kinh tế lịch sử qui mô 2.000 tỷ Mỹ kim nhằm đối phó với những ảnh hưởng do đại dịch Vũ Hán gây ra.
Đây là dự luật hỗ trợ thứ ba và là dự luật có số tiền lớn nhất của Chính phủ Mỹ nhằm đối phó với đại dịch Vũ Hán. Dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ Mỹ kim tập trung vào các quan cơ y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch, trong khi dự luật thứ 2 trị giá 104 tỷ Mỹ kim được Tổng thống Donald Trump ký ngày 18/3 nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng.
Theo dự luật mới nhất này, những cá nhân, công dân Mỹ có thu nhập dưới 75.000 Mỹ kim/năm hoặc những người không có thu nhập hoặc thu nhập từ các chương trình phúc lợi không đánh thuế, sẽ nhận 1.200 Mỹ kim, mỗi trẻ em dưới 17 tuổi nhận 500 Mỹ kim. Dự kiến tiền sẽ được chuyển trước ngày 6/4 tới.
Người lao động cũng được hưởng lợi từ gói hỗ trợ người mất việc trị giá 250 tỉ Mỹ kim. Theo đó, thời hạn nhận bảo hiểm thất nghiệp tối đa là 4 tháng, thay vì 3 tháng như thông thường và người lao động sẽ nhận được 600 Mỹ kim/tuần.
KHỐI G20 CAM KẾT GIÚP 5000 TỶ ̣MỸ KIM ĐỂ CỨU TRỢ TRONG VIỆC ĐỐI PHÓ DỊCH COVID-19
Theo tin từ hãng Reuters, các nhà lãnh đạo của Nhóm G20,  gồm 20 quốc gia có nền kinh tế lớn,  cùng với Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức quốc tế khác hôm 26/3 cam kết bơm hơn 5 nghìn tỷ Mỹ kim vào nền kinh tế toàn cầu để hạn chế tổn thất do mất công ăn việc làm và thu nhập từ ảnh hưởng của dịch Vũ Hán.
Saudi Arabia hiện là chủ tịch Nhóm G20, đã triệu tập hội nghị thượng đỉnh trực tuyến trong lúc xuất hiện những lời chỉ trích trước đó nói rằng G20 phản ứng chậm với đại dịch này.  Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố: Hội nghị G20 cho thấy “tinh thần quyết liệt để vượt qua dịch bệnh”, và tất cả các nước đang bị dịch bệnh hoành hành đang ứng phó  theo những cách khác nhau nhưng đều có chung sự đồng thuận tuyệt vời”.

No comments:

Post a Comment