Thưa quý thính giả, làm một người công dân VN tử tế trong một
chế độ CS gian dối lọc lừa, thật không dễ chút nào. Qua chuyên mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả theo dõi bài viết của Tuấn Khanh, nhan đề: “Làm người Việt không dễ” sẽ được Khánh Ngọc trình bày, để tiếp nối chương trình.
Tôi là ai, giữa dòng định mệnh mang tên Việt Nam? Câu hỏi đó vẫn theo đuổi tôi, buộc tôi phải luôn nhìn lại mình, nhìn những khát vọng co rút lại như miếng da lừa, và đếm lại tuổi trẻ hoang phí, ngu ngơ trước cối xay gió thời cuộc bên đường.
Ký ức lớn nhất của những ngày thơ ấu mà tôi luôn bị ám ảnh, đó là một
buổi sáng nắng gắt, trên mặt đường đầy quân trang vứt la liệt khắp nơi.
Tiếng người gọi nhau. Tiếng xe hỗn loạn. Tay mẹ nắm chặt tôi như sợ tôi
vụt mất đi, y như một quốc gia miền nam Việt Nam đã tan biến kỳ lạ sau
cuộc chiến tranh dai dẳng hai mươi năm. Từ lúc đó, tôi lớn lên, loay
hoay nhiều năm với việc lựa chọn mình phải là gì, phải như thế nào để
được chấp nhận là một sinh linh hợp pháp trong một quốc gia mới, có tên
Cộng sản.
Cuộc sống của một người Việt Nam không đơn giản đâu bạn ạ. Nếu mười
năm hay hai mươi năm nữa, khi được hỏi, tôi cũng sẽ nhắc lại, y như vậy
không khác gì. Nhưng chúng ta vẫn có thể vẽ lại nó.
Năm lớp ba, tôi học ở ngôi trường cách không xa trung tâm Sài Gòn,
nhưng hẻo lánh và nghèo nàn như một ngoại ô. Thằng bạn cùng tuổi có cuốn
truyện tranh của chế độ mới, kể về anh bộ đội chiến đấu giỏi, mà tôi
mượn mãi không được. Cuối cùng thì nó đồng ý cho mượn xem, nếu như tôi
mang đồ ăn cho nó. Ấy vậy mà sau khi ngồm ngoàm hết món tôi đưa, nó vẫn
không cho mượn. Giận quá, tôi gào lên với nó bằng một câu nói mà thời
đó, tôi hay nghe người lớn chỉ vào mặt nhau: “Đồ bợ đít cộng sản”.
Thằng bạn cũng nổi giận- dường như câu nói đó vào cuối những năm 1970
là rất nặng nề thì phải. Nó lập tức chạy vào lớp và kể với cô chủ nhiệm
rằng tôi đã gọi nó là “cộng sản”. Bà cô nghiêm mặt, trầm giọng nói tôi ở
lại cuối giờ để nhận mức trừng phạt.
Tôi sợ hãi, co ro ở cuối lớp và chờ sự trừng phạt vào chiều hôm ấy.
Thế nhưng kỳ lạ thay, cô chủ nhiệm nhìn quanh khi không còn ai, bước tới
nắm tay tôi, nói dịu dàng và lo lắng: “Con không được nói như vậy nữa,
rất nguy hiểm biết không?”. Sau này, tôi mới biết cô có người em trai là
sĩ quan của chế độ cũ phải đi tù- mà nhà nước mới gọi là học tập cải
tạo.
Nhà trường vẫn là nơi đổ đầy vào đầu trẻ con miền Nam những câu
chuyện thú vị về những con người mới đến từ miền Bắc, về một ông cụ có
râu dài, da mặt hồng hào được gọi là Bác Hồ. Là trẻ con, tôi cũng bị hút
theo những điều mới lạ như vậy. Một ngày kia, tôi đeo khăn quàng đỏ
chạy về nhà ăn cơm với mẹ và các chị. Tôi khoe học được rất nhiều điều,
và kể cho mẹ tôi “Bác Hồ biết nói đến sáu mươi thứ tiếng, trong khi Đức
Giáo Hoàng chỉ biết có năm thứ tiếng thôi, thầy con nói vậy”. Cả nhà tôi
im lặng ăn, không ai nói với ai tiếng nào. Nhà tôi lúc đó vắng người.
Các anh rể thì đi học tập cải tạo, còn các chị thì đang ngồi tù vì vượt
biên không thành.
Sau các câu chuyện kể từ bài học mới của tôi, mang từ nhà trường xã
hội chủ nghĩa về, ở nhà có thêm những tiếng thở dài. Dù chỉ là trẻ con,
tôi vẫn nhận ra có những điều gì đó mâu thuẫn, rách nát trên một bề mặt
cuộc sống được đậy kín, ca vang những bài ngợi ca đời mới tươi đẹp. Nó
là tiền đề để tôi nhìn, nhận thức của mình bị cào cấu, và cuối cùng nát
vụn mọi thứ trong tôi qua từng niên kỷ, khiến tôi phải tự khâu vá đời
mình cho đến hôm nay.
Cuộc sống niên thiếu trôi qua lãng đãng trong thống khổ. Tôi nhớ
những chén bo bo dành cho ngựa ăn với đường chảy mà Liên Xô viện trợ cho
Việt Nam vào những mùa miền Nam đói quặn. Tôi nhớ những ngày xếp hàng
rã rượi để lãnh được mấy ổ bánh mì theo nhân khẩu, vác vội về nhà rồi ăn
ngấu nghiến như ngày mai là tận thế. Tôi nhớ những đêm bọn trẻ đua xe
đạp điên cuồng, gào thét trong những đêm cúp điện triền miên để giải
trí.
Nhà trường, các anh chị cán bộ dạy dỗ nói rằng tội ác xâm lược của
bọn bành trướng Bắc Kinh khiến người Việt Nam phải chịu khổ như vậy. Mọi
người nghe, và hò hét vỗ tay như trò giải trí của bọn trẻ chúng tôi vào
những đêm cúp điện, nóng hực. Rồi mọi thứ dần đổi thay, tôi cũng đổi
thay.
Thật cám ơn những thùng sách vở từ chế độ cũ mà gia đình tôi, mẹ tôi
quyết tâm giấu giữ lại, bất chấp việc truy lùng, bắt, đốt của chính
quyền như thời chống dị giáo. Như đứa trẻ may mắn tìm được lối đi bí mật
đến được vùng đất phép thuật Narnia, tôi tìm thấy một thế giới khác cho
mình, chìm đắm vào đó. Thậm chí có những ngày tôi trốn học về nhà chỉ
để ôm sách ra vườn đọc.
Sách giúp tôi vượt qua những bữa ăn cơm độn khoai lẫn cát. Sách giúp
tôi chỉ hô vang một lần ở những buổi mít-ting bắt buộc, rồi dành thời
gian để quan sát đám đông đỏ mặt, hổn hển vô nghĩa. Từ sách, tôi biết
nước Việt mình rõ hơn. Biết số phận dân tộc mình nhiều hơn, và ý thức
được về bản thân mình trong một nhà nước cộng sản là như thế nào. Và tôi
cũng biết nhiều hơn về ông cụ có bộ râu dài, da mặt hồng hào, mà mọi
người gọi là Bác Hồ.
Không biết từ khi nào, tôi đã bị ám ảnh về sự thật. Và thật may mắn-
hay xui rủi, tôi cũng không biết- tôi lại khao khát muốn được sống cuộc
đời cống hiến cho hiện thực. Tôi muốn làm một công dân Việt nói lên sự
thật và trình bày những gì tôi thấy, bất chấp điều đó có thể tước quyền,
không cho tôi làm thần dân trong vương quốc Cộng sản.
Tôi là ai vậy? Có lúc tôi tự hỏi.
Tôi là ai vậy? Có lúc tôi tự hỏi.
Tuấn Khanh
No comments:
Post a Comment