Kính thưa quý thính giả, một trong những bất hạnh của dân tộc
Việt là khả năng quản trị kinh tế tồi tệ của đảng CSVN trong giai đoạn
đại dịch Vũ Hán. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình luận của Đỗ Ngà với tựa đề: “Bài Toán Khó Do Đảng Tự Tạo” sẽ được Song Thậptrình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.
Có lẽ không ai không biết câu nói “không được bỏ tất mọi quả trứng
vào cùng một giỏ”. Vâng! Đây là nguyên tắc rất cơ bản trong quản lý rủi
ro. Nói đến doanh nghiệp cũng vậy mà nói đến quốc gia cũng vậy. Như ta
biết, đã 34 năm “đổi mới” mà ĐCS Việt Nam vẫn không thể xây dựng một thị
trường nguyên liệu có sức cạnh tranh ngay trong nội địa mà phải đi nhập
từ nước ngoài, mà đặc biệt chủ yếu là nhập từ Trung Cộng.
Lấy sự thất bại của chính sách phát triển ngành ô tô là ví dụ. Năm
2000, chính phủ Phan Văn Khải đặt ra mục tiêu nội địa hóa xe dưới 9 chỗ
là 40% vào năm 2005 và 60% vào 2010. Thế nhưng đến năm 2010 thì tỷ lệ
nội địa hóa các dòng xe từ 9 chỗ trở xuống chỉ từ 7-10% tùy thương hiệu,
và đến đây Bộ Công Thương đã tuyên bố thất bại. Sự thất bại trong chính
sách nội địa hóa có nguyên nhân là do Việt Nam đã thất bại trong việc
xây dựng nền công nghiệp phụ trợ cho các hãng ô tô nước ngoài đang đầu
tư tại Việt Nam. Nền công nghiệp phụ trợ rất quan trọng, chính nó sẽ đưa
Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, và cũng chính nó là nhân
tố quan trọng để bắt lấy quá trình chuyển giao công nghệ. Thế nhưng qua
cách điều hành của ĐCS, chính sách nền tảng này đã thất bại kéo theo
chính sách phát triển công nghiệp ô tô cũng thất bại theo.
Không chỉ trong ngành công nghiệp ô tô và nhiều ngành khác cũng vậy.
Chính vì thế mà nền sản xuất Việt nam bao năm mở cửa cũng chỉ là nhập
nguyên liệu từ nước ngoài để gia công, điều đáng ngại là họ chỉ tập
trung nhập từ Trung Cộng, tức là họ đã bỏ tất cả các quả trứng vào cùng
một giỏ.
Nếu nói thị trường nguyên liệu là nền, thì nền sản xuất của đất nước
là phần móng, và nền kinh tế của quốc gia là ngôi nhà. Mà như ta biết
móng cắm vào nền, và nhà đứng trên móng. Nếu nền yếu thì móng cũng lung
lay làm nhà đổ sụp. Mô hình kinh tế Việt nam hiện nay chẳng khác nào
Chùa Một Cột, với nền kinh tế là ngôi nhà, nền sản xuất là cây trụ móng
duy nhất, và thị trường nguyên liệu ở bên Trung Cộng là phần nền. Khi
nền yếu thì cột trụ có nguy cơ đổ ngã và tất nhiên ngôi chùa kia cũng sẽ
chao đảo và ngã nhào theo cột trụ. Khi ĐCS Việt Nam xây dựng nền kinh
tế Việt Nam theo mô hình Chùa Một Cột thì rõ ràng, họ đã phạm vào điều
đại kỵ của nguyên tắc quản lý rủi ro.
Ngày 11/03/2020 trên báo Vietstock có bài viết “Covid-19 đe dọa suy
thoái kinh tế, nhưng bài học gói kích cầu 2009 vẫn còn”, bài báo này có
nói rằng: “Bộ Công Thương cho biết, rất nhiều doanh nghiệp chỉ có
hàng dự trữ đến tháng 3/2020, nếu nguồn cung bị đình hoãn, có thể nhiều
doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động”. Dù là năm 2019, tăng trưởng
GDP đến hơn 7% nhưng điều đó không nói lên ý nghĩa gì nhiều. Và đến hôm
nay khi dịch cúm nổ ra, và kinh tế gặp khó khăn thì ta mới thấy vấn đề
của nó.
Hóa ra đã qua 34 năm “đổi mới” bằng những quyết định “sáng suốt” của
đảng nhưng nay nội lực nền kinh tế lại yếu kém đến thế. Mà cái yếu dễ
thấy nhất là sức đề kháng quá mỏng của các doanh nghiệp Việt. Một vài
doanh nghiệp yếu thì đó là lỗi của doanh nghiệp, nhưng hàng loạt doanh
nghiệp yếu thì đó là lỗi của chính phủ, lỗi ở việc điều hành kinh tế vĩ
mô.
Để giải quyết khủng hoảng do dịch cúm gây ra thì hiện nay Chính Phủ
Nguyễn Xuân Phúc đã bung ra gói hỗ trợ tín dụng 250 ngàn tỷ đồng tương
đương với 10 tỷ 755 triệu đô và gói hỗ trợ giải pháp trị giá 30 ngàn tỉ
tương đương với 1 tỷ 300 triệu đô để giảm thuế và gia hạn thời hạn nộp
thuế cho doanh nghiệp.
Việc bung tiền thế này thì lạm phát là điều khó tránh khỏi, nhưng
điều người ta lo ngại nhất là số tiền hỗ trợ này không được phân bổ về
đúng những doanh nghiệp sắp chết mà nó lại rót về những doanh nghiệp sân
sau của các quan lớn. Nếu rót về đúng nơi cần thì tất sẽ cứu được hàng
loạt doanh nghiệp, và nhờ đó đất nước tránh được nền sản xuất bị sụt
giảm mạnh.
Chỉ khi nào làm được như vậy, thì khi đó gói hỗ trợ tín dụng kia mới
mang đúng ý nghĩa là “giải cứu”. Còn nếu gói tín dụng rót về doanh
nghiệp mà bị những bàn tay quyền lực nắn dòng để nó cho đi lộn chuồng
sang các ông doanh nghiệp thân hữu thì xem như hỏng.
Năm 2009 là bài học, khi đó chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bung gói kích
cầu đến 10% GDP để giữ “tăng trưởng cao” nhưng kết quả thì sao? Tăng
trưởng chỉ ở 5,2% còn lạm phát tăng vọt lên đến 2 chữ số. Nguyên nhân là
gói tín dụng thì triển khai nhưng nó không cứu được những doanh nghiệp
cần cứu, phần vì do triển khai chậm phần vì nó bị rót về sai địa chỉ.
Thế là dù chính phủ ra tay cứu thì doanh nghiệp vẫn cứ chết hàng loạt,
kéo theo hàng hóa được sản xuất bị sụt giảm nghiêm trọng trong khi đó
tiền bung ra thị trường thì thừa thãi nên lạm phát cao là tất yếu. Thế
là lợi bất cập hại.
Có thể nói bài toán giải cứu nền kinh tế trong lúc này sẽ dễ hơn rất
nhiều, nếu ĐCS xây dựng được một thị trường nguyên liệu mạnh ngay trong
nội địa. Vì sao? Vì khi đó các doanh nghiệp có thể dùng tiền nội tệ
trong gói kích cầu ấy để mua nguyên liệu trong nước mà không cần phải
mua ngoại tệ để mua nguyên liệu từ Trung Quốc. Mà như tình hình hiện nay
cho thấy, dù doanh nghiệp có đủ ngoại tệ vẫn chưa chắc gì mua được
nguyên liệu. Và tất nhiên khi có thị trường nguyên liệu nội địa đủ mạnh
thì nền sản xuất không phải bị nghẽn ngay ở khâu nhập nguyên liệu như
vậy.
Để hiểu được nền kinh tế Việt Nam thì xin đừng nhìn vào con số tăng
trưởng, mà hãy nhìn vào bản chất của nền kinh tế. Thực tế, nền kinh tế
Việt Nam rất yếu. Tất cả cũng bởi “công lao” của ĐCS mà ra./.
Đỗ Ngà
No comments:
Post a Comment