Thứ Tư, ngày 03.09.2014
Liên tục chương trình, trong chuyên
mục Con Người Việt Nam, tuần này Nguyên Hồng tiếp tục chia sẻ nhận định
về truyền thống vô trách nhiệm của nhà cầm quyền Việt Nam. Mời quý
thính giả cùng theo dõi sau đây
Tuần này chúng ta sẽ tiếp tục nhận định những việc làm vô trách nhiệm của nhà cầm quyền VN và của người Việt Nam.
Trong bốn tháng đầu năm 2014, dịch sởi lan tràn và tạo ra nhiều cái
chết của trẻ em. Thế mà bà Bộ Trưởng Bộ Y Tế, Nguyễn Thị Kim Tiến, hoàn
toàn không nhận lãnh trách nhiệm trong việc điều hành cơ quan y tế trong
việc phòng bệnh, trị bệnh và ngăn chặn bệnh sởi lan tràn. Bà cho rằng
"sở dĩ Hà Nội dịch sởi bùng lên mạnh cho dù đây không phải thời điểm
phát dịch là do 4 nguyên nhân. Thứ nhất là các cháu bé không được tiêm
Vắc-xin. Thứ hai là bố mẹ các cháu cứ đưa con đổ dồn đến tuyến trung
ương dẫn đến quá tải. Thứ ba là bệnh nhi dồn một chỗ quá đông, gây lây
nhiễm chéo, và thứ tư là thời tiết miền Bắc từ sau Tết đến nay liên tục
ẩm, khiến virus gây bệnh hô hấp phát triển mạnh, nhiều trẻ vốn bị viêm
phổi, sau mới mắc sởi, bệnh chồng bệnh nên nguy cơ tử vong cao. (NĐT –
23/4/2014)".
Theo bốn điều phân tích của bà Tiến, cho dù là đúng thực tế, thì dịch
sởi làm chết hơn trăm trẻ em vào cuối tháng 4 năm 2014 không phải do
lỗi lầm của Bộ Y Tế mà là tại dân và tại luôn cả trời.
Cách làm việc vô trách nhiệm này hoàn toàn khác xa với cách làm việc
có trách nhiệm của những nước dân chủ tại Á Châu mà điển hình là chuyện
từ chức của Thủ Tướng Nam Hàn, ông Chung Hong Won, bởi vì chính quyền
Nam Hàn đã chậm trễ trong việc cứu người của chiếc phà bị lật trên biển.
Vị thủ tướng này không đổi thừa do thời tiết, do thủy thủ đoàn hay do
học sinh trên phà; trái lại ông thấy rằng -- ông đã có một phần trách
nhiệm trong việc chậm trễ cứu người này và ông xin từ chức cho cái việc
làm chậm trễ của mình. Tại VN, các quan chức nhà nước đã có thói quen
làm việc đổ lỗi cho kẻ khác khi việc sai và giành công khi việc thành
công. Bà Kim Tiến là một trong những người làm việc vô trách nhiệm này.
Khi mà bộ giáo dục, nơi đào tạo Con Người, không có trách nhiệm trong
việc đào tạo Con Người; khi mà bộ y tế làm việc thiếu tinh thần trách
nhiệm và đổ lỗi cho kẻ khác; khi mà bộ máy cầm quyền hoàn toàn không có
trách nhiệm với bất cứ ai, sẵn sàng bỏ tù, đánh đập mà không bị trừng
phạt -- thì sẽ dẫn đến chuyện người dân chẳng thèm quan tâm đến xã hội
hiện tại. Chính vì sự không quan tâm này, người dân sẵn sàng đem gà cúm
từ Trung Quốc để bán cho người Việt Nam. Con buôn Trung Quốc tha hồ đưa
gà cúm, heo bệnh, thức ăn mang hóa chất độc về thị trường Việt Nam tiêu
thụ. Cả nước hoàn toàn sinh hoạt theo bản năng của một con vật, mạnh
được yếu thua, không cần biết xã hội ra sao, dân tộc ra sao. Sản phẩm
Trung Quốc có hại đến sức khoẻ của người dân được buôn bán tự do trên
khắp nẽo đường của đất nước. Kinh tế Việt Nam bị Trung Quốc thao túng.
Chẳng một ai quan tâm đến chuyện này. Trái lại, ai quan tâm lên tiếng
chống Trung Quốc thì sẽ bị đi tù. Ai quan tâm lên tiếng vạch ra những
tội vô trách nhiệm của các vị lãnh đạo VN thì sẽ bị đi tù vì làm ảnh
hưởng đến tai tiếng của vị lãnh đạo quốc gia.
Một thành phần quan trọng khác trong xã hội đó là cơ quan báo chí --
truyền thông, thay vì làm tròn trách nhiệm của một nhà báo, một cơ quan
truyền thông để hạch hỏi những vụ buôn dân bán nước, thì thành phần này
sẵn sàng làm tay sai cho bộ máy cầm quyền, làm những bồi bút viết lên
những điều mà chính cá nhân đó hoàn toàn không tin -- thế nhưng vẫn
viết. Những cơ quan truyền thông nào đi ra cái truyền thống bồi bút thì
sẽ bị rút giấy phép hành nghề và nặng hơn nữa là sẽ đi tù như nhà báo
Trương Duy Nhất, đi tù về tội bôi nhọ lãnh đạo, làm mất tin tưởng trong
nhân dân. Xa hơn nữa là nhà báo Nguyễn Việt Chiến bị kết án tù 2 năm vào
tháng 10 năm 2008 -- khi mà nhà báo này đưa tin chính xác trong vụ hối
lộ có cái tên là PMU 18.
Báo chí và cơ quan truyền thông trong nước có rất nhiều nhưng tất cả
đều phải theo truyền thống -- đó là phục vụ đảng, phục vụ bộ máy cầm
quyền, chỉ nói những điều được cho phép nói, và giỏi nhất là chuyện bôi
nhọ các thành phần đấu tranh bất bạo động chống lại Trung Quốc, chống
lại bộ máy cầm quyền độc tài, bán nước, hại dân hiện tại. Các báo chí và
truyền thông VN chỉ giỏi nói láo, hoặc đưa những tin chó cán xe, xe cán
chó mà không hề phân tích chi tiết tại sao dân oan đi đòi lại đất, tại
sao công an đánh dân mà không một cơ quan báo chí nào hạch hỏi sự tàn
bạo của công an, hoặc vận động người dân thưa kiện cơ quan công an, cơ
quan nhà nước.
Có người lý luận rằng vì trách nhiệm tài chính với gia đình, bắt buộc
cá nhân mình phải làm những điều trái với đạo lý làm người, làm hại đến
xã hội để có tiền nuôi gia đình, nuôi con cái. Đây chỉ là lối nói để
biện minh cho hành động của chính mình, thay vì nhận lãnh trách nhiệm
với chính bản thân, với xã hội. Chính cái suy nghĩ này mà toàn bộ xã hội
VN hiện giờ trở thành một xã hội vô trách nhiệm, vô cảm.
Để dân tộc Việt Nam được đứng lên và được sự nể trọng với thế giới,
chúng ta cần có một xã hội mà mỗi người sống trong xã hội đó biết hoàn
thành trách nhiệm của chính mình để tạo ra một xã hội Người, biết lo cho
người hàng xóm của chính mình, lo cho người dân của chính mình, và sự
sống còn của dân tộc mình. Ngày nào VN còn nằm dưới tay của một đảng độc
tài, cho dù mang tên gì đi nữa, thì VN sẽ mãi mãi là một dân tộc bị
Trung Quốc đô hộ kiểu mới với những thái thú người Việt Nam đang ngự trị
trên khắp nẽo đường của đất nước. Chỉ có những thái thú Tàu gốc Việt
này mới có thể đánh đập người VN không thương tiếc, bỏ tù người Việt Nam
không cần quan tâm đến dư luận của thế giới. Chỉ có thái thú Tàu gốc
Việt này -- không xử tội người Trung Quốc vào VN bắn giết Công An Biên
Phòng và trả những người Tàu vi phạm luật pháp này về lại Trung Quốc.
Chúng ta hãy thức tỉnh để nhìn vào thực tế; để vận động một cuộc biểu
tình với hàng triệu người đồng lúc ở khắp mọi nơi; để bắt kẻ cầm quyền
thay đổi, làm việc có trách nhiệm và nếu không thì người dân sẽ chọn
thành phần khác lên lãnh đạo đất nước. Đó là điều phải xảy ra thì xã hội
VN mới có thể thay đổi khác hơn với hiện tại.
Nguyên Hồng
No comments:
Post a Comment