Thứ Sáu, ngày 05.09.2014
Kính thưa quý thính giả, hôm nay,
Ngoại trưởng Úc, bà Julie Bishop, cùng với Bộ trưởng Quốc Phòng David
Johnston đang có mặt tại thành phố Newport, xứ Wales, để tham dự cuộc
họp thương đỉnh của NATO tức LIÊN MINH PHÒNG THỦ BẮC ĐẠI TÂY DƯƠNG.
Trong cuộc họp này, Úc Đại Lợi sẽ chính thức tuyên bố trở thành một "đối
tác thực thụ" của NATO.
Nguyên nhân nào đã thúc đẩy Úc có
quyết định này, và liệu rằng với vai trò mới này của Úc thì cán cân lực
lượng của các bên tại Thái Bình Dương có thay đổi gì không?
Để trả lời các câu hỏi nầy, mời quý
thính giả theo dõi buổi thảo luận của Đài Phát Thanh Đáp Lời Sông Núi
(ĐLSN) với Ông Lý Việt Hùng, tổng thư ký Tập Hợp Đồng Tâm, một đoàn thể
chính trị và văn hóa kỳ cựu có trụ sở tại Sydney, Úc Châu. Ông Hùng cũng
giữ trọng trách Tổng Thư Ký Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc, đoàn
thể do Tập Hợp Đồng Tâm, cùng với Phong Trào Sài Gòn và Tổ Chức Phục
Hưng Việt Nam thành lập ngày 28 tháng 2 năm 2010.
Hải Sơn: Xin kính chào ông Lý Việt Hùng, thông
thường, khi nói đến khối NATO (tức Liên Minh Phòng Thủ Bắc Đại Tây
Dương) người ta liên tưởng ngay đến các quốc gia ở Âu Châu. Tại sao khối
NATO lại chấp nhận sự tham gia của quốc gia thuộc một vùng rất xa, như
Úc Đại Lợi, thưa ông?
Lý Việt Hùng: - Thưa anh, kể từ sau đệ nhị thế
chiến, quân đội Úc đều tham chiến chung với khối NATO ở mọi chiến trường
trên thế giới đặc biệt là Anh – Mỹ. Kể cả tại cuộc chiến Kosovo ở Âu
châu. Chưa kể là Đông Timor được lập quốc là nhờ quân đội Úc. Mặc dù
quân số Úc không nhiều, với lực lượng bộ binh chỉ gồm 6 trung đoàn,
nhưng rất thiện chiến, đặc biệt là đối phó với chiến thuật du kích
chiến.
- Nhất là trong chuyến viếng thăm của Thủ tướng Úc vào tháng 3 vừa
qua, Tổng thống Obama không tiếc lời ca tụng nước Úc như là một đồng
minh thân thiết nhất của Mỹ và nước Mỹ cảm thấy vững tâm khi có thêm một
đồng minh giàu mạnh đứng chung chiến tuyến.
- Mới đây, nước Úc dưới sự lãnh đạo của Tony Abbott, là quốc gia đầu
tiên tỏ ra cứng rắn trước sự trỗi dậy của phiến quân Nhà nước Hồi giáo,
và đã nhanh chóng gửi vũ khí cho lực lượng người Kurd để kháng cự đà
tiến quân của ISIS ở Iraq.
- Và nước Úc cũng đang tu chỉnh đạo luật chống khủng bố, trực tiếp
nhắm đến những tay Hồi giáo quá khích và cực đoan như bọn ISIS.
Chính vì những điểm nêu trên, việc nước Úc được gia nhập khối NATO
không có gì đáng ngạc nhiên và nếu có bị chống đối thì có lẽ chỉ có
Trung Cộng. Hơn thế nữa, sau Úc có thể là Nhật, Nam Hàn và Ấn Độ cũng sẽ
được mời gọi gia nhập vào khối này.
Hải Sơn: Nếu có thể, xin ông Lý Việt Hùng chia sẻ
với quý thính giả đài ĐLSN, lý do gì Úc Đại Lợi lại muốn trở thành một
"thành viên" trong khối NATO ạ?
Lý Việt Hùng: Đây là thế "Cây đa cậy thần, thần cậy
cây đa", hai bên đều có lợi. Nếu là thành viên của NATO, Úc sẽ có thêm
uy tín, đạt vị thế mạnh hơn trong các cuộc xung đột toàn cầu đang diễn
ra tại Iraq, Syria, Ukraine và biển Đông. Úc sẽ có tiếng nói trong khối
NATO và nhất là khi "hữu sự" nước Úc sẽ được khối NATO chung lưng sát
cánh bảo vệ.
Hải Sơn: Việc Úc gia nhập khối NATO có ảnh hưởng gì
đến cán cân lực lượng tại Thái Bình Dương không? Hay nói cách khác, vai
trò của Úc trong việc cùng với Hoa Kỳ ngăn chận sự bành trướng của Trung
Cộng tại Thái Bình Dương có gì thay đổi không, thưa ông Hùng?
Lý Việt Hùng: Hôm 3/9 vừa qua, một quan chức cấp
cao Trung Cộng cảnh báo các nước láng giềng châu Á chớ ngã theo một 'đại
cường' để đối kháng với việc giải quyết tranh chấp lãnh hải của họ.
Việc Úc vào khối NATO, chắc chắn là sẽ ảnh hưởng đến cán cân lực lượng
tại Á châu – Thái Bình Dương, nhất là trong việc ngăn chận sự bành
trướng của bá quyền Trung Cộng.
Trước các biến động diễn ra tại biển Đông hiện nay, sự đóng góp của
Úc sẽ là lực lượng cần thiết tại các chiến trường này nếu xảy ra chiến
tranh. Khoảng hai tháng trước đây, Úc và Nhật cũng có những phiên họp về
quốc phòng và ngoại giao, nội dung thảo luận về kế hoạch thành lập một
liên minh quân sự tại Á châu gồm Úc – Nhật – Nam Hàn và mời gọi Ấn Độ
gia nhập. Ngay lập tức Trung Cộng đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ vì hiểu
rõ là liên minh này nhằm ngăn chận sự bành trướng của Trung Cộng tại Á
châu.
Hải Sơn: Nói đến khối NATO thì cũng phải nói đến
khối SEATO (tức là South East Asia Treaty Organization) còn gọi là Liên
Minh Phòng Thủ Đông Nam Á. Xin ông cho biết số phận của Liên Minh này
hiện nay ra sao, thưa ông?
Lý Việt Hùng: Thưa anh, khối SEATO trước 1975 được
gọi là Liên Phòng Đông Nam Á, được thành lập để ngăn chận làn sóng cộng
sản ở Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung. Tuy nhiên sau khi hệ
thống cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô bị sụp đổ thì Liên minh này cũng trở
nên mờ nhạt, đặc biệt là sau khi VN, Lào và Cam Bốt gia nhập khối
ASEAN. Và sau khi khối này mở rộng, thì khối SEATO được thay thế bằng
Diễn đàn An ninh Khu vực Á châu – Thái Bình Dương, gồm nhiều quốc gia
trong khu vực, kể cả Trung Cộng.
Có thể nói là khối SEATO hiện không còn tồn tại, vì nó đã giải tán hơn 20 năm qua.
Hải Sơn: Rất cám ơn ông Lý Việt Hùng, TTK/LLDTCNTQ
đã dành thời giờ cho buổi phỏng vấn đặc biệt hôm nay. Mong sẽ có dịp
trao đổi thêm với ông trong những chương trình phát thanh khác. Kính
chào ông.
No comments:
Post a Comment