Thứ Ba, ngày 30.09.2014
Thưa quý thính giả, vì xây dựng
trên căn bản dối gạt, bịp bợm, cái xã hội mà chúng ta đang sống đầy rẫy
những nghịch lý. Để cùng chia sẻ những mẩu chuyện "cười ra nước mắt" của
cuộc sống hôm nay, Đài Đáp Lời Sông Núi hân hạnh mang đến quý thính giả
một chuyên mục mới: "Chuyện Chỉ Có Ở Việt Nam" phát thanh vào mỗi Thứ
Ba. Chuyên mục này do Việt Cường phụ trách biên soạn. Xin mời quý thính
giả theo dõi những nhận xét về "Thất Nghiệp ở Việt Nam" do Bá Cơ trình
bày để tiếp nối chương trình hôm nay.
Bộ lao động thương binh xã hội Việt Nam vừa công bố tỷ lệ thất nghiệp
ở Việt Nam cập nhật đầu tháng 9/2014 chỉ có 1,84%, mức thấp nhất từ
trước đến nay, và cũng là mức thấp nhất trên toàn thế giới. Ở các nước
phát triển, như Na Uy, tỷ lệ thấp nhất cũng còn ở mức 3, 3%. Một số liệu
nực cười, cười đễn chảy nước mắt. Khỏi phải tổ chức khảo sát gì, cứ
nhìn vào thực tế trong xã hội Việt Nam, bất cứ ai cũng có thể nhận ra
nạn thất nghiệp ở nước ta đến mức nào.
Một ngày làm việc bình thường trong tuần, hình ảnh tấp nập từng tốp
thanh niên la cà, tụ tập ở các quán xá tán ngẫu, cờ bạc sát phạt nhau,
bàn mưu tính kế làm những việc thiếu lương thiện ở các đô thị đang diễn
ra hàng ngày, hàng giờ; cảnh một lực lượng lao động không hề nhỏ túc
trực hành nghề phe vé, tranh giành khách, ép khách, móc túi ở các nhà
ga, bến xe, các điểm du lịch danh lam thắng cảnh trên toàn quốc diễn ra
hoành hoành đang làm đau đầu nhức óc cho các nhà quản lý; cảnh từng tốp
xe ôm chầu trực ở các bến tàu , bến xe, điểm họp chợ, cho đến các khu
dân cư kiếm kế sinh nhai; cảnh nhan nhản những thanh niên nông thôn kéo
ra thành thị tìm kiếm việc làm; cho đến cảnh giới trẻ ở nông thôn, vùng
xa xôi, vùng đồng bào dân tộc ít người, tụ tập dong ruổi la cà cờ bạc
ngày qua ngày, tháng qua tháng; cảnh hàng trăm nghìn lao động đang khai
thác trái phép tài nguyên khoáng sản mà điển hình là than đá, vàng, các
loại quặng mà nhà cầm quyền các cấp không thể quản lý nổi; cảnh không
thể thống kê nổi những người lao động đã và đang tàn phá hàng trăm nghìn
héc ta rừng trên toàn quốc... Tất cả những thực trạng trên đang diễn ra
trong đời sống xã hội Việt Nam, mà nguyên nhân chính là người lao động
thiếu công ăn việc làm, điều đó chứng tỏ nạn thất nghiệp ở Việt Nam là
trầm trọng.
Bệnh thành tích đã trở thành căn bệnh thâm căn cố đế dưới chế độ Cộng
sản Việt Nam, nó tràn lan ra mọi cấp, mọi nghành. Chỉ có báo cáo láo
mới có được thành tích mà chẳng phải khó khăn gì. Có điều lạ là ai cũng
biết, ai cũng nhận ra song vẫn làm ngơ, cho qua và để nó ngự trị bấy lâu
nay trong hệ thống hành chính. Người ta lấy báo cáo láo làm phương tiện
để cầu mong thăng tiến. Trong đội ngũ cán bộ, đảng viên cộng sản, không
hiếm những kẻ làm việc yếu kém, nhờ vào thói bịa đặt thành tích nên cơ
hội thăng quan vẫn chẳng kém ai. Vì vậy bệnh thành tích mà chủ yếu thông
qua thói báo cáo láo nó vẫn có đất để tồn tại dai dẳng và đi cùng năm
tháng trong đời sống xã hội Việt Nam đến ngày nay.
Khi mà cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa phục hồi, suy thoái
kinh tế còn trầm trọng, hàng trăm nghìn doanh nghiệp ở nước ta bị phá
sản trong những năm gần đây thì tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam chỉ còn
1,84%, một thông điệp khiến dư luận bàng hoàng xôn xao! Bộ Lao động
thương binh xã hội căn cứ vào đâu mà đưa ra con số sửng sốt này? Đó
chính là thái độ vô trách nhiệm của bộ trước xã hội, nó cho thấy sự kém
cỏi trong cách tính toán do tư duy thiển cận, phiến diện, thiếu tầm nhìn
và thói bất cẩn trong phát ngôn. Trong một chương trình: "Dân hỏi, bộ
trưởng trả lời" trên chương trình thời sự VTV1, Bộ trưởng lao động
thương binh xã hội giải thích về tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam thấp là
do: một số doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sau một thời gian bị đình
đốn; nhiều doanh nghiệp mới thành lập và đi vào hoạt động ổn định; tuy
nhiều doanh nghiệp bị phá sản trong thời gian gần đây song nhìn chung số
lao động này đều xuât phát từ nông thôn, khi doanh nghiệp giải thể họ
quay trở về và tiếp tục công việc đồng áng nên họ vẫn có việc làm. Đây
là một nhận định đánh giá hết sức hồ đồ, thể hiện sự hạn chế về năng lực
của một bộ trưởng.
Một lao động thuần nông có thể đảm nhiệm được ba sào ruộng Bác bộ
trong điều kiện thâm canh, tăng vụ với cường độ lao động bình thường.
Một hộ gia đình ở Bắc bộ hiện nay thường chỉ có từ bốn đến sáu sào
ruộng, thậm chí có nhiều hộ chỉ vẻn vẹn có hai đến ba sào, trong khi đó
dân số tăng, ngược lại ruộng đất sản xuất ngày càng co cụm lại do con
người sử dụng vào mục đích khác. Nếu bình quân một hộ gia đình có bốn
sào ruộng thì chỉ đủ việc làm cho một lao động chính và một lao động
phụ, số lao động còn lại là dư thừa, đồng nghĩa với thất nghiệp. Trong
thực tế hiện nay ở nông thôn nhiều nơi không mở rộng được ngành nghề,
chỉ độc canh cây lúa, nhiều hộ có đến bốn năm lao động nhưng chỉ trông
chờ, bấu víu vào ba bốn sào ruộng. Cuộc sống cầm cự, qua ngày đoạn
tháng, tình trạng này kéo dài đằng đẵng trong suốt nhiều thập niên qua.
Ở Việt Nam người ta không thống kê lực lượng thất nghiệp này, họ
không thừa nhận lực lượng này là thất nghiệp, mặc dù họ biết dân số nông
nghiệp nông thôn chiếm tới trên dưới 78% so với dân số cả nước, bởi vì
một mặt họ cho rằng cuộc sống ở nông thôn còn nhiều kế sinh nhai, chẳng
hạn đi mò cua bắt ốc, lên rừng kiếm vác củi để bán hoặc chao đổi, như
vậy là vẫn có việc làm,vẫn đảm bảo cuộc sống bình thường; mặt khác số
người thất nghiệp ở nông thôn nó ít tác động đến xã hội, do cuộc sống
của họ ít nhiều còn mang tính tự túc, tự cấp; là lực lượng thấp cổ, bé
họng trong xã hội vì họ chỉ biết cam chịu, không có phản ứng và cũng
không biết phản ứng, thế nên những nhà chức trách trong giới cầm quyền
Cộng sản Việt Nam dễ dàng cố tình bỏ qua họ. Họ chỉ thống kê lực lượng
lao động dư thừa ở Đô thị, ở vùng ven đô, lực lượng sinh viên ra trường
không có việc làm và thế là có được một số liệu mỹ miều để lừa bịp thiên
hạ, chứng minh cho sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lại là câu chuyện nghịch lý được mọc lên trong lòng xã hội Cộng sản mà những người dựng chuyện không hề biết ngượng.
Đúng là chuyện này chỉ có trong thiên đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam!
Việt Cường
No comments:
Post a Comment