Thứ Hai, ngày 08.09.2014
Tuy hiểm họa Bắc Phương vô cùng
nghiêm trọng, nhưng CSVN là kẻ nội thù trong tim phổi, còn CSTQ chỉ là
kẻ ngoại xâm gian xảo. Tiêu diệt kẻ nội thù phải là ưu tiên hàng đầu của
toàn dân. Đoàn kết chống xâm lăng đương nhiên sẽ đến cùng với dân chủ
và nhân quyền tại Việt Nam. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình
Luận của Lâm Thế Nguyên ... với tựa đề: " Phải thoát cộng để có thể
thoát trung."sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát
thanh DLSN tối hôm nay.
Kể từ khi Trung Cộng đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển thuộc đặc
quyền kinh tế của Việt Nam, "thoát Trung" đã trở thành một đề tài thời
sự nhận được quan tâm của nhiều người Việt ở trong và ngoài nước. Nhưng
có phải chăng, để Việt Nam có được sức mạnh của toàn thể nhân dân hầu có
thể bảo vệ được Tổ Quốc, nhu cầu chính yếu trước tiên là 'thoát Cộng'
chứ không phải "thoát Trung"?
Thực vậy, khi nước ta không còn bị lãnh đạo bởi đảng Cộng sản Việt
Nam (CSVN), các áp lực mang tính chất "bảo hộ chính trị" đang đè nặng
lên nhà cầm quyền hiện nay sẽ không còn hiệu quả nữa. Mặt khác, chính
phủ dân chủ đa đảng sắp tới không những sẽ có sự độc lập mặc nhiên với
Trung Cộng, mà còn có điều kiện để vận dụng một cách rộng rãi sự hậu
thuẫn của quốc tế, và sức mạnh đoàn kết yêu nước của toàn dân, kể cả của
tập thể đồng bào ở hải ngoại.
Chúng ta không ngạc nhiên và cũng không nên trông chờ những người
lãnh đạo đảng CSVN sẽ tự động từ bỏ mối quan hệ truyền thống mang tính
sinh-tử như đang có. Bởi lẽ, bản thân và đường lối của đảng CSVN đã là
một hình thái phó bản của đảng CS Trung hoa; và vận mệnh chính trị của
chế độ cũng đang phụ thuộc rất nhiều vào thái độ chính trị của đảng CS
Trung Hoa. Vì vậy, đảng CSVN chỉ có thể tìm cách tự điều chỉnh hình thức
quan hệ ở mặt nổi để có thể âm thầm tiếp tục duy trì mối quan hệ lệ
thuộc đang có.
Tóm lại, mọi kiến nghị, mong đợi đảng CSVN dứt khoát quay lưng lại
với Trung Cộng chỉ là những hy vọng hảo huyền, không tưởng. Thành phần
lãnh đạo CSVN chắc chắn ý thức được rằng sự tiếp tục lệ thuộc vào Trung
Cộng sẽ gây ra nguy cơ bị cô lập bởi những người yêu nước ở trong và
ngoài đảng. Nhưng họ sẽ không chấm dứt chủ trương đó vì các khó khăn
khách quan vẫn có thể hóa giải phần nào bằng những hành động mị dân tinh
vi, bao gồm cả việc tạm thời"nghiêng" nhiều hơn về phía Hoa Kỳ. Có thể
nói, nếu cần thiết, đảng CSVN có thể chấp nhận cả hình thức "thuộc Mỹ"
để tạo ảo tưởng là họ đang thực sự "thoát Trung". Hơn ai hết, Hoa Kỳ
biết rõ bản chất và mưu đồ của CSVN song trong các tính toán chiến lược,
chính phủ nào cũng sẵn sàng vận dụng đối tác để tạo quyền lợi, dù có
biết bản chất thực sự là thế nào.
Nhận định cho rằng nội bộ thành phần lãnh đạo đảng CSVN đang có những
mâu thuẫn, tranh chấp to lớn có thể dẫn đến việc hạ bệ nhau, và từ đó
tạo ra điều kiện thay đổi cơ chế lãnh đạo quốc gia, dẫn đến dân chủ, tự
do,v.v.., vẫn là các mơ ước hơn là một tiên đoán chính trị mang tính khả
thi. Bộ Chính trị đảng CSVN có thể có những đánh giá và đề xuất chiến
lược khác nhau, bao gồm việc cần giữ quan hệ với đảng CS Trung Hoa bằng
cách gì, dưới hình thức ra sao; và nên vận dụng Hoa Kỳ như thế nào để có
thể tương kế tựu kế giải tỏa được các áp lực chính trị đang có khuynh
hướng nở rộng trong thời gian gần đây.
CSVN nâng cao quan hệ với Hoa Kỳ nhưng không dứt khoát cắt đi mối
quan hệ lệ thuộc vào Trung Cộng thì các vấn đề lớn hiện nay của nước ta
sẽ không có thay đổi gì đáng khích lệ. Lớn tiếng chỉ trích suông Trung
Cộng sẽ không có gì đáng trông đợi, vì nếu "đối sách" đó thật sự hiệu
quả thì đã không xảy ra chuỗi sự kiện Trung Cộng tiếp tục hà hiếp ngư
dân và lấn chiếm biển Đông trong thời gian qua, điển hình là giàn khoan
HD-981. Việc sắm tàu ngầm, vận động mua vũ khí sát thương... cũng có thể
chỉ là những hành động mị dân, vì cho đến nay, không ai có thể tin là
đảng CSVN sẽ dùng những phương tiện đó để đối đầu với làn sóng xâm lấn
của Trung Cộng.
Đơn giản hơn, nếu nhà cầm quyền CSVN thật sự muốn chứng tỏ chủ quyền
lãnh hải thì tại sao bỏ trống biển Đông cho hàng trăm "tàu lạ" vào khai
thác một cách tự do, và giương oai tác quái trong nhiều năm qua? Hải
quân Việt Nam ở đâu sao không bảo vệ ngư dân Việt Nam ở những vùng biển
luôn lên tiếng khẳng định là "chủ quyền không thể tranh cãi" của Việt
Nam, để tình trạng chết người mất của cứ tiếp tục diễn ra?
Tóm lại, ngày nào cái "vòng kim cô chính trị" của Trung Cộng vẫn còn
nằm trên đầu của đảng CSVN thì chủ quyền quốc gia và các vấn đề dân chủ,
nhân quyền sẽ tiếp tục là cái vòng lẩn quẩn như đã có. Có thể nói, ngày
nào đảng CSVN chưa thực sự lột xác bằng cách từ bỏ hẳn chủ nghĩa Cộng
sản và con đường lãnh đạo độc tài, thì mọi diễn biến chính trị của Việt
Nam chỉ là một phần của tiến trình "tự điều chỉnh để tiếp tục tồn tại"
mà đảng CSVN đã, đang và sẽ tiếp tục diễn xuất.
Tóm lại, điều chúng ta mong không phải là đảng CSVN "thoát Trung" mà
là đất nước, dân tộc Việt Nam được 'thoát Cộng'. Bởi lẽ, nếu vì nhu cầu
chiến thuật nào đó nhà cầm quyền hiện nay thay đổi đối tác lệ thuộc từ
Trung Cộng sang Hoa Kỳ trong khi vẫn duy trì chế độ độc tài, thì điều đó
có phải là mong đợi lớn nhất, sau cùng của người Việt Nam? Câu trả lời
rõ ràng là KHÔNG!
Phải khẳng định rằng: Tất cả mọi bế tắc, mâu thuẫn và nguy cơ lớn
nhất của nước ta chỉ có thể giải quyết được khi chế độ độc tài tòan trị
đã thực sự chấm dứt, và đất nước đã có được một chính thể dân chủ đa
đảng đúng nghĩa. Khi đó, chính phủ Việt Nam mới sẽ không bị lệ thuộc vào
bất cứ siêu cường nào; và thái độ, ý chí độc lập của toàn dân sẽ là sức
mạnh có đủ khả năng bảo vệ, phát triển quốc gia.
Việt Nam cần giữ tình hữu nghị với nhân dân Trung Hoa trong lâu dài,
vì ngoài quan hệ văn hóa, đó còn là một dân tộc láng giềng không thể dời
đổi vị trí. Tuy nhiên, giữ tình hữu nghị không có nghĩa là lệ thuộc, dù
là ở lãnh vực nào.
Việt Nam cần xây dựng thế liên lập với thế giới tự do, đặc biệt là
Hoa Kỳ, song các chính sách đối ngoại cần phải giữ ở một chừng mực cần
thiết để bảo đảm là đất nước ta sẽ có được sự độc lập đúng nghĩa, chứ
không phải là cảnh "thay ngôi đổi chủ".
Một khi đất nước đã có dân chủ và ổn định, có lãnh đạo tốt thực sự
biết lo cho nước cho dân, chúng ta sẽ có đủ sức mạnh để giao thương với
bất cứ đối tác nào.
Để có được tương lai đó, nhân dân Việt Nam phải có một thái độ đồng
nhất và mạnh mẽ đối với nhu cầu khẩn thiết của đất nước: Phải chấm dứt
chế độ độc tài toàn trị để cùng nhau xây dựng một chính thể dân chủ đa
đảng pháp quyền. Muốn vậy, phải 'thoát Cộng' để có điều kiện "thoát
Trung".
Câu trả lời đang chờ ở thái độ của mỗi chúng ta.
Lâm Thế Nguyên
No comments:
Post a Comment