BLOGGER ĐẶNG CHÍ HÙNG ĐẾN BẾN BỜ TỰ DO VÀ NHÀ VĂN NGUYỄN XUÂN NGHĨA MÃN HẠN TÙ
Vào chiều tối hôm qua, blogger Đặng Chí Hùng đã lên máy bay từ
Bangkok để sang Canada sau 10 tháng bị giam giữ ở Thái Lan để cứu xét về
trường hợp tỵ nạn của anh. Trong khi đó thì nếu không có trục trặc gì
vào giờ chót, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa sẽ trở về nhà sau khi kết thúc
bản án 6 năm tù.
Cần nhắc lại, Đặng Chí Hùng là tác giả của loạt bài "Những sự thật
không thể chối bỏ" và "Những sự thật cần phải biết", nội dung vạch trần
những sai lầm và tội ác của tập đoàn lãnh đạo cộng sản VN. Đặng Chí Hùng
năm nay 32 tuổi, từng theo học Đại học Bách khoa Hà Nội trước khi bước
vào lãnh vực kinh doanh. Vì tham gia đấu tranh cho dân chủ nên bị an
ninh sách nhiễu, Đặng Chí Hùng vượt biên bằng đường bộ, xuyên qua Cam
Bốt và đến Thái Lan để xin tỵ nạn vào năm 2013.
Trong thời gian chờ đợi, anh cộng tác với đài phát thanh Đáp Lời Sông
Núi. Vào cuối năm ngoái, công an CSVN yêu cầu cảnh sát Thái Lan cho
phép dẫn độ về nước với cáo buộc "trốn thuế". Nhờ nỗ lực vận động mạnh
mẽ của một số chính phủ Tây phương, bạn bè và các tổ chức đấu tranh ở
hải ngoại, anh được tạm giam để cứu xét hồ sơ và được Canada chấp nhận
cho tỵ nạn tại xứ sở tự do này. Lẽ ra Đặng Chí Hùng đã lên đường từ
tháng 5 nhưng vì cuộc đảo chánh ở Thái Lan khiến thủ tục xuất cảnh trở
nên chậm trễ.
Ngay sau khi đặt chân đến Canada, anh Đặng Chí Hùng có gởi lời cảm ơn
quý thính giả của đài DLSN trong thời gian qua đã quan tâm và liên lạc
thăm hỏi ủng hộ anh,
Mời quý thính giả đón nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn anh Đặng Chí Hùng trong phần thời sự đêm nay.
Trong khi đó thì nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa 65 tuổi, một tù nhân lương
tâm nổi tiếng, đã mãn hạn tù vào hôm nay. Ông Nghĩa bị tuyên án nặng nề
nhất trong đợt đàn áp giới bất đồng chính kiến vào năm 2008 vì là thành
viên điều hành của khối 8406, một tổ chức đấu tranh được thành lập vào
năm 2006. Ngoài bản án 6 năm tù, ông Nghĩa cũng sẽ bị quản chế tại địa
phương thêm 3 năm.
VN PHẢN ĐỐI VÀ ĐÒI TRUNG CỘNG BỒI THƯỜNG CHO 2 VỤ TẤN CÔNG NGƯ DÂN
Bộ ngoại giao VN vào hôm qua họp báo cho biết là họ đã triệu đại sứ
Trung Cộng tại Hà Nội đên trụ sở để phản đối việc quân Trung Cộng tấn
công cướp bóc tàu cá của ngư dân VN tại vùng biển Hoàng Sa vào tháng 8
vừa qua.
Điều đáng nói là các vụ tấn công này diễn ra vào giữa tháng 8, và
được hầu hết các cơ quan truyền thông nhà nước loan tin, nhưng đến nay
bộ ngoại giao VN mới lên tiếng phản đối. Hơn thế nữa, chúng cũng xảy ra
trước chuyến đi sứ sang Tàu của ủy viên bộ chính trị Lê Hồng Anh, nhưng
không thấy ông Anh nhắc nhở gì đến các hành động tàn bạo này khi gặp gỡ
giới lãnh đạo tối cao Trung Cộng.
Ngoài việc tiết lộ là Hà Nội có cho mời đại sứ Trung Cộng đến văn
phòng để phản đối, phát ngôn nhân Lê Hải Bình một lần nữa lặp lại điệp
khúc quen thuộc và có tính chiếu lệ như "Trung Cộng đã xâm phạm chủ
quyền của VN" và "yêu cầu phía Trung Cộng phải điều tra và xử lý nghiêm
khắc các hành động này".
Trong khi đó thì phía Trung Cộng vào hôm qua lên tiếng bác bỏ những
chỉ trích về việc biến các bãi đá ngầm ở Trường Sa thành các đảo nổi.
Trung Cộng tuyên bố là họ có toàn quyền làm những chuyện này vì quần đảo
này là thuộc chủ quyền của họ.
TỆ NẠN NÉM ĐÁ VÀO CÁC XE ĐÒ
Hàng trăm chiếc xe đò trong thời gian qua đã bị ném đá khi đang chạy
trên các tuyến đường từ Gia Lai đến các tỉnh khác, trở thành nỗi ám ảnh
và lo sợ lớn nhất của hành khách, không kém gì nỗi lo sợ về tai nạn giao
thông.
Công ty bảo hiểm Bảo Việt cho biết là tính từ đầu năm đến nay, đã có
hơn 200 xe đò bị ném đá và có trường hợp hành khách bị chấn thương sọ
não khi bị ném trúng đầu. Tệ nạn này đã lên mức báo động khi có đến 10
chiếc xe đò bị liên tục ném đá trong 10 ngày qua. Phó giám đốc chi nhánh
Bảo Việt ở Gia Lai cho biết là công ty ông đã bồi thường thiệt hại cho
các xe đò, lên đến cả tỷ đồng VN. Người này cho biết tệ nạn ném đá ngày
càng nghiêm trọng trên quốc lộ 14, 19 và các tuyến đường đi Pleiku, Đà
Nẵng và Sài Gòn.
NGOẠI TRƯỞNG MỸ KÊU GỌI NGƯỜI DÂN IRAQ ĐOÀN KẾT CHỐNG PHIẾN QUÂN
Sau khi đặt chân đến Iraq, Ngọai trưởng Mỹ John Kerry đã lên tiếng
kêu gọi người dân xứ này hãy đoàn kết để chống lại mối "đe dọa lớn nhất"
là phiến quân thuộc cái gọi là "Nhà nước Hồi giáo" (IS).
Trong buổi gặp gỡ tân thủ tướng Iraq Haidar al-Abadi, ông Kerry đưa
ra lời yêu cầu thành lập một chính phủ gồm nhiều thành phần, có cả người
Hồi giáo Sunni và sắc dân Kurd để chống lại bọn IS.
Tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố là ông có thẩm
quyền gia tăng các bước quân sự mà không thông qua quốc hội nhằm tiêu
diệt phiến quân IS. Trong khi đó thì chính phủ Saudi Arabia một lần nữa
bác bỏ cáo buộc là họ đã yểm trợ vũ khí và tài chánh cho IS, nhưng xác
nhận là họ đã tài trợ cho lực lượng nổi dậy ở Syria.
DÂN NHẬT VÀ DÂN TÀU XEM NHAU NHƯ KẺ THÙ
Kết quả một cuộc thăm dò tại Nhật cho thấy là hơn 90% dân Nhật ghét
bỏ dân Tàu, trong khi Tân Xoa Xã tuyên bố là đa số dân Tàu không ưa gì
dân Nhật và tin rằng một cuộc chiến giữa hai nước là điều phải xảy ra.
Cần biết là kể từ năm ngoái, mức độ thù ghét dân Tàu của người Nhật
đã gia tăng mạnh qua các cuộc thăm dò dư luận. Đa số dân Nhật cho rằng
Trung Cộng đang có dã tâm bá quyến và hiếu chiến. Trong khi đó thì cuộc
thăm dò ở Hoa Lục cho thấy tỷ lệ người Tàu ghét Nhật có hơi sụt giảm so
với tỷ lệ 93% vào năm ngoái, nhưng hơn 50% dân Tàu tin rằng một cuộc
chiến Nhật – Hoa là nhất định phải xảy ra.
TRUNG CỘNG YÊU CẦU ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA GIỮ NGUYÊN TRUYỀN THUYẾT TÁI SINH
Trong một hành động rất đáng ngạc nhiên, Trung Cộng vào hôm qua lên
tiếng yêu cầu đức Đạt lai Lạt ma phải tôn trọng truyền thuyết tái sinh
của người Tây Tạng, chỉ một ngày sau khi vị thủ lãnh tinh thần Tây Tạng
tuyên bố mình có lẽ là vị Đạt lai Lạt ma cuối cùng đã tái sinh, và
truyền thống tìm kiếm người tái sinh để kế thừa ngôi vị này sẽ chấm dứt
khi Ngài viên tịch.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo vào hôm qua, bộ ngoại giao Trung Cộng
tuyên bố là Trung Cộng sẽ tiếp tục tìm kiếm người tái sinh làm Đạt lai
Đạt ma đời thứ 15, theo đúng truyền thống lịch sử Tây Tạng.
Cần nhắc lại là đức Đạt lai Lạt ma 79 tuổi được người dân Tây Tạng
xem là người tái sinh lần thứ 14 để nắm giữ vai trò lãnh đạo tối cao dân
tộc Tây Tạng. Ngài phải lưu vong ra hải ngoại sau khi quân Trung Cộng
tấn chiếm Tây Tạng vào năm 1950 và từng tuyên bố là ngày nào Tây Tạng
chưa được tự do thì không ai được phép lựa chọn người kế vị khi Ngài
viên tịch.
No comments:
Post a Comment