Chủ Nhật 7.9.2014
Kính thưa quý thính giả, để điểm
lại những sự kiện nổi bật tuần qua xin mời các bạn thính giả theo dõi
buổi hội luận giữa ĐPV Hoàng Ân và PV Trường An.
Hoàng Ân:Trong mấy ngày qua, mạng lưới Blogger VN trong
đã khởi xướng một phong trào yêu cầu đảng CSVN phải công bố mật ước
Thành Đô năm 1990, với lý do đây là quyền được biết của người dân Việt
về các thỏa ước mà tập đoàn lãnh đạo VN đã ký kết với Trung Cộng. Anh có
ghi nhận về sự kiện này như thế nào để gửi đến quý thính giả của đài
DLSN?
Trường An: Theo như tôi được biết, trong lá thư phổ
biến trên các trang mạng, Mạng Lưới Blogger VN khẳng định quyền tự do
ngôn luận bao gồm cả quyền tự do được biết các nguồn thông tin từ nhà
nước, bao gồm các chính sách dân sinh, các hoạt động của giới quan chức
nhà nước và các thỏa ước liên quan đến chủ quyền quốc gia, đặc biệt là
những thỏa ước mà Hà Nội đã ký kết với Trung Cộng tại hội nghị Thành Đô
vào năm 1990.
Theo những tiết lộ từ nhiều cựu quan chức cao cấp của đảng CSVN, thì
phái đoàn do nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, cố vấn tối cao Phạm Văn
Đồng và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cầm đầu sang Tàu vào tháng 9 năm 1990,
đã ký một số thỏa ước có nội dung chấp nhận VN trở thành một chư hầu
của Trung Cộng vào năm 2020. Đây là một trong những lý do dẫn đến chủ
trương 16 chữ vàng và 4 tốt, cũng như các hành động xâm lấn dần Biển
Đông của Trung Cộng trong thời gian qua, điển hình là vụ đưa giàn khoan
Hải Dương vào sâu trong lãnh hải VN vào tháng 5 vừa qua.
Chính vì thế, Mạng Lưới Blogger VN cổ động phong trào "chúng tôi muốn
biết" và có quyền "được biết", nội dung kêu gọi đảng CSVN phải công
khai hóa các thỏa ước mà họ đã ký kết với Trung Cộng để toàn dân hiểu rõ
về vận mệnh đất nước và tiền đồ của dân tộc sẽ đi về đâu.
Hoàng Ân: Ngay sau khi mạng lưới Blogger VN khởi
xướng phong trào này, thì đã có 20 sĩ quan cao cấp của VN yêu cầu đảng
cộng sản VN phải công bố mật ước này. Xin anh trình bày chi tiết hơn về
sự kiện này để gửi đến quý thính của đài được hiểu hơn.
Trường An: Đúng như chị vừa nói, trong tuần qua đã
có 20 tướng tá quân đội và công an VN đã gửi một bản kiến nghị đến chủ
tịch nước và thủ tướng, nội dung kêu gọi tập đoàn lãnh đạo VN phải công
bố các mật ước đã ký kết ở hội nghị Thành Đô vào năm 1990.
Đại tá Bùi Văn Bồng, người từng phục vụ trong tờ báo Quân đội Nhân
dân, đã xác nhận về bản kiến nghị có chữ ký của 20 tướng tá cao cấp này.
Ông Bồng tuyên bố chủ quyền đất nước là thuộc về toàn dân, vì thế lãnh
đạo đảng CSVN không thể quyết định vận mệnh của đất nước. Ngoài yêu cầu
công khai hóa mật ước Thành Đô ký kết với Trung Cộng, bản kiến nghị cũng
kêu gọi tập đoàn lãnh đạo phải cam kết là sẽ không xử dụng quân đội và
công an để đàn áp nhân dân.
Trong số 20 tướng tá ký tên, người đứng đầu là Trung tướng Lê Hữu
Đức, từng là cục trưởng cục tác chiến thuộc bộ tổng tham mưu. Ngoài ra
còn có 5 vị thiếu tướng khác, gồm ông Trần Minh Đức (cựu phó tư lệnh hậu
cần ở Huế), ông Huỳnh Đắc Hương (cựu tư lệnh kiêm chính uỷ quân tình
nguyện VN ở Lào), Lê Duy Mật (cựu tư lệnh quân khu 2), Bùi Văn Phó (cựu
tư lệnh phó binh đoàn thiết giáp) và Nguyễn Trọng Vĩnh (cựu chính ủy
quân khu 4 và từng là đại sứ VN tại Hoa Lục).
Hoàng Ân: Thế còn việc cô Đỗ Thị Minh Hạnh bị cấm xuất cảnh sang Áo thăm mẹ bị bệnh nặng thì sao thưa anh?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Vào sáng ngày 3/9, tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh đã bị công an
phi trường Nội Bài tịch thu passport trong khi đang làm thủ tục để bay
sang Áo thăm người mẹ đang bệnh nặng là bà Trần Thị Ngọc Minh.
Trong mấy giờ đồng hồ câu lưu sau đó, cô Minh Hạnh cũng bị công an
đối xử một cách thô bạo, kể cả đạp cửa xông vào phòng vệ sinh mà cô đang
xử dụng. Cô Hạnh cho biết là công an tuyên bố cô bị cấm xuất cảnh.
Xin được nhắc lại, bà Trần Thị Ngọc Minh từ đầu năm nay đã sang Âu
châu, Mỹ châu và Úc châu để vận động quốc tế can thiệp trả tự do cho cô
Minh Hạnh. Bà Minh đã lâm bệnh không thể hồi hương khi cô Hạnh thoát
cảnh tù tội vào cuối tháng Sáu vừa qua. Bà được đưa vào một bệnh viện ở
Áo và trải qua 3 cuộc giải phẫu.
Cách đây một tháng, cô Hạnh đã về tỉnh Trà Vinh để yêu cầu nhà cầm
quyền tỉnh này trả lại passport bị tịch thu vào năm 2010. Sau đó cô được
tòa đại sứ Áo cấp giấy nhập cảnh để đi thăm mẹ nhưng vào sáng hôm qua
thì bị công an phi trường Nội Bài câu lưu.
Hoàng Ân: Nay chuyển qua lĩnh vực kinh tế. Vừa qua,
nhà cầm quyền VN loan báo là họ sẽ phát hành trái phiếu quốc tế có trị
giá 1 tỷ Mỹ kim với mục đích mà họ gọi là để "đảo nợ", tức vay nợ mới để
thanh toán các khoản nợ cũ đã đến hạn kỳ phải hoàn trả. Xin anh trình
bày lại sự kiện này để gửi đến quý thính giả của đài được rõ hơn.
Trường An: Đúng vậy! Nhà cầm quyền VN đã cho phát
hành trái phiếu quốc tế có trị giá trên 1 tỷ Mỹ kim để trả nợ. Nếu được
quốc hội thông qua, đây sẽ là lần thứ ba mà nhà cầm quyền VN phát hành
loại trái phiếu quốc tế này.
Tuy nhiên kế hoạch mượn nợ mới để trả nợ cũ đang gây nhiều tranh cãi
trong dư luận, đặc biệt là trong bối cảnh nợ nần quốc gia đang tăng cao
và tỷ lệ trả nợ đang chiếm gần hết mức chi hằng năm trong ngân sách.
Nhân đây tôi xin được nhắc lại, năm 2005, nhà nước VN phát hành trái
phiếu có trị giá 750 triệu Mỹ kim với lãi xuất hơn 7% và có kỳ hạn 10
năm, để giúp vốn cho tập đoàn đóng tàu Vinashin. Số tiền này coi như mất
trắng sau khi Vinashin phá sản vào 4 năm trước và còn nợ thêm hàng tỷ
Mỹ kim của các tập đoàn tài chánh nội địa cũng như quốc tế. Vì thế người
ta tin rằng nhà nước VN muốn phát hành 1 tỷ Mỹ kim trái phiếu lần này
là để thanh toán cho khoản trái phiếu 750 triệu Mỹ kim sẽ đáo hạn vào
năm tới.
Hoàng Ân: Ngoài 1 số sự kiện anh vừa trình bày, thì
còn có sự kiện nào anh muốn trình bày thêm trong buổi hội luận hôm nay
nữa không thưa anh?
Trường An: Có 2 sự kiện tôi muốn trình bày thêm để gửi đến quý thính giả của đài đó là:
- Thứ nhất, Một trung tướng công an Việt Nam tử nạn trong vụ tai nạn
giao thông tại huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên trên quốc lộ 5, hướng Hà Nội -
Hải Phòng. Theo tin từ Bộ Công an VN cho biết, Trung tướng Nguyễn Xuân
Tư, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục III (Tổng cục Xây dựng Lực lượng) Bộ
Công an, cùng ba người khác gặp nạn trên chiếc xe 7 chỗ vào lúc 7 giờ
sáng ngày 02/9. Ngay sau khi xảy ra tai nạn đã có tranh luận trên mạng
về việc xe chở ông này đi việc công hay việc tư vì ngày 02/9 là ngày
nghỉ lễ tại Việt Nam và xe chở ông lại là xe công vụ.
- Sự kiện thứ hai là Trung Cộng vẫn tiến hành các chuyến du lịch quần
đảo Hoàng Sa, với các con tàu đã xuất phát từ cảng Tam Á thuộc đảo Hải
Nam, trong khi bộ ngoại giao VN lên tiếng phản đối một cách chiếu lệ qua
loa.
Theo Tân Hoa Xa thì du thuyền mang tên Coconut Princess đang đưa
khoảng 200 du khách Trung Cộng đến du lịch 4 ngày 3 đêm tại một số hòn
đảo thuộc Hoàng Sa mà họ gọi là Tây Sa. Với tốc độ của du thuyền này thì
hành trình từ cảng Tam Á đến Hoàng Sa chỉ vào khoảng 12 giờ đồng hồ.
Hoàng Ân: Cám ơn anh PV Trường An đã chia sẻ các tin
tức và nhận xét để gửi đến thính giả của Đài ĐLSN. Kính chào tạm biệt
và hẹn gặp lại anh và quý thính giả trong chương trình tuần tới.
No comments:
Post a Comment