Để nhớ lại các sự kiện quan trọng diễn ra trong 7 ngày qua, mời quý
thính giả theo dõi chuyên mục "VN Tuần Qua" với Hoàng Ân và phóng viên
Trường An. Xin mời Chị Hoàng Ân
Hoàng Ân: Trước hết HA xin kính chào quý thính giả đang theo dõi chuyên mục VNTQ, xin mến chào anh TA.
Trường An: TA xin kính chào quý thính giả đài DLSN, chào chị HA.
Hoàng Ân: Mở đầu buổi hội luận ngày hôm nay, xin anh
cho biết về sự kiện chủ tịch quốc hội VN, ông Nguyễn Sinh Hùng đã phải
thừa nhận rằng nền Tòa án VN không hề có tính độc lập?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài.
Trong một phát biểu vào hôm 23/9 vừa qua, chủ tịch quốc hội VN được
mệnh danh là lãnh đạo bù nhìn, ông Nguyễn Sinh Hùng, đã gián tiếp thừa
nhận là giới chánh án tại VN đã không xét xử độc lập, thường bị chỉ đạo
từ cấp trên, mà từ lâu dư luận trong và ngoài nước đều biết đến chuyện
này.
Phát biểu trong phiên họp của ủy ban thường vụ quốc hội về việc tu
sửa luật tổ chức tòa án, ông Hùng cũng chỉ trích quyết định của chánh án
tòa án Hà Nội, nội dung ép buộc các tòa án bên dưới phải luôn báo cáo
các tuyên xử của họ lên chánh tòa Hà Nội. Theo ông Hùng thì lệnh này là
vi phạm nghiêm trọng tính cách độc lập của các thẩm phán trong việc xét
xử tội phạm.
Xin được nói thêm là hiến pháp mới nhất, được quốc hội VN thông qua
vào năm ngoái, có điều khoản nhấn mạnh đến nguyên tắc độc lập trong khi
xét xử của giới thẩm phán. Tuy nhiên hiến pháp lại qui định đảng cộng
sản là cơ quan lãnh đạo tối cao, vì thế các tòa án đều nằm dưới sự khống
chế của giới quan chức đảng.
Hoàng Ân: Theo như tôi được biết, trong một bản phúc
trình của quốc hội Mỹ vừa được tiết lộ, thì quốc hội Mỹ sẽ không chấp
thuận ký kết thỏa ước mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP)
với VN, nếu VN không có các công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi thiết
thực của giới công nhân. Anh có ghi nhận về sự kiện này như thế nào để
gửi đến quý thính giả của đài cùng nghe?
Trường An: Đúng như chị vừa nói, bản phúc trình này
do một ủy ban tài chánh của Hạ viện Mỹ soạn thảo và được đệ trình vào
ngày 18/9 vừa qua, có tựa đề là "Quyền Lao Động".
Được biết, bản phúc trình do dân biểu Sander Levin soạn thảo, có nội
dung nhấn mạnh đến các điều khoản về quyền lao động mà nếu bất cứ đối
tác nào không áp dụng thì sẽ không được phép gia nhập vào khối kinh tế
này, và dù được gia nhập nhưng sau đó nếu vi phạm thì sẽ bị trừng phạt.
Không những thế, bản phúc trình còn nói rằng giới công nhân VN hiện
không có được những quyền lợi căn bản này, vì thế VN cần phải có những
cơ chế đặc biệt để giám sát và ngăn chận các vụ vi phạm, trước khi quốc
hội Mỹ có thể cứu xét việc gia nhập vào khối TPP.
Hoàng Ân: Trong tuần qua, bạo quyền VN tiếp tục dùng các thủ đoạn để
triệt hạ đời sống của một số nhà bất đồng chính kiến. Xin anh trình bày
lại một số sự kiện để gửi đến quý thính giả của đài DLSN cùng nghe?
Trường An: Đúng vậy! Trong tuần qua, công an VN lại xử dụng thủ đoạn
hủy diệt phương tiện sinh sống của hai vợ chồng nhà báo Trương Minh Đức
bằng cách hăm dọa những công nhân đang thuê mướn phòng ở của gia đình
ông Đức.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ của ông Đức cho biết, công an liên
tục đến nhà sách nhiễu những công nhân đang thuê mướn phòng của nhà bà,
thậm chí tuyên bố thẳng thừng là sẽ gây áp lực công ty đuổi việc những
người này nếu không chịu dời khỏi nhà bà Thanh.
Một công nhân đang thuê mướn phòng tại đây tên Trần Văn Linh cũng xác
nhận là mình bị công ty mời lên phòng làm việc, và bị đe dọa đuổi việc
nếu không đi tìm chỗ ở khác. Khi bị anh Linh vặn hỏi thì công ty cho
biết là họ chỉ làm theo lệnh của nhà cầm quyền huyện Bến Cát, tỉnh Bình
Dương.
Bà Thanh, vợ của ông Đức cũng cho biết thêm là công an đã liên tục
kéo đến khám xét nhà sau khi đã bắt giam chồng chị là nhà báo Trương
Minh Đức vào tháng 6 vừa qua. Chị khẳng định đây là thủ đoạn bao vây
kinh tế của bạo quyền VN nhằm triệt hạ phương tiện sinh sống của gia
đình mình.
Hoàng Ân: Thế còn việc công an phạt vạ gia đình nhà đấu tranh Huỳnh Trọng Hiếu thì sao thưa anh?
Trường An: Trong một lá thư phổ biến trên mạng vào
hôm 23/9, nhà đấu tranh Huỳnh Trọng Hiếu cho biết là công an Sài Gòn đã
dở thủ đoạn phạt vạ lên đến hàng chục triệu đồng đối với gia đình ông
với cáo buộc vi phạm luật cư trú.
Trong thư, ông Hiếu cho biết là vào sáng đó, công an đã cúp điện khu
nhà trọ của ông, một thủ đoạn quen thuộc mỗi khi muốn mời ông lên đồn
công an. Đến 9:30 sáng thì công an đến nhà trọ và đọc quyết định phạt vạ
về tội vi phạm hành chính và trật tự xã hội. Theo quyết định này thì
những người đang ở trọ bị tuyên phạt khoảng 2 triệu 600 ngàn đồng mỗi
người, có hiệu lực thi hành từ ngày 12/9 và nếu chống đối thì sẽ bị bắt
giam.
Tuy nhiên ông Huỳnh Trọng Hiếu cho biết gia đình ông kiên quyết phản
đối, không nộp phạt vì đây là một quyết định vi hiến của nhà cầm quyền
địa phương, đi ngược lại luật pháp và quyền tự do đi lại cũng như cư trú
của mọi công dân mà bạo quyền VN đã ký kết vào bản tuyên ngôn quốc tế
về nhân quyền.
Hoàng Ân: Hôm 23/9 vừa qua, người dân tại Đà Nẵng đã
xuống đường phản đối việc lấp đường, cướp đất trái phép từ phía nhà cầm
quyền. Xin anh trình bày tóm tắt lại sự kiện này để gửi đến quý thính
giả của đài được tường tận hơn?
Trường An: Theo như tôi được biết, vào sáng thứ Ba
vừa qua, hơn 100 gia đình thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn thành
phố Đà Nẵng, đã xuống đường phản đối nhà cầm quyền san lấp một con đường
đi lại của dân chúng để phân lô bán đất.
Đây là lần thứ 3 mà người dân đồng lòng xuống đường phản đối việc
chiếm đoạt con đường đã hiện hữu từ trước năm 1975, nối liền khu dân cư
ra biển với nhiều đầm nuôi tôm do doanh nhân Úc đầu tư. Kể từ năm 2003,
khi nhà cầm quyền làm đại lộ Sơn Trà – Điện Ngọc thì con đường nhỏ bé
trở thành thông lộ chính yếu của 100 gia đình này để ra biển sinh sống.
Chính vì thế nếu bị san lấp và xây dựng nhà cửa thì có nghĩa là chặt đứt
đường sống của họ.
Trước sức phản đối quyết liệt của người dân, nhà cầm quyền quận Ngũ
Hành Sơn đã ra lệnh cho đội thi công mang máy móc rút lui và hứa hẹn sẽ
thảo luận với dân chúng.
Hoàng Ân: Cũng liên quan đến việc cưỡng chế đất đai
trái phép, vào hôm 25/9 vừa qua, hơn 300 tiểu thương chợ Tân Bình ở Sài
Gòn đã tổ chức diễu hành quanh các tuyến đường để phản đối dự án xây
dựng khu chợ mới. Anh có thể nói rõ hơn về sự kiện này không?
Trường An: Được biết, trong cuộc họp vào hôm 25/9
giữa nhà cầm quyền với hơn 300 tiểu thương chợ Tân Bình ở Sài Gòn đã
diễn ra vô cùng căng thẳng và rất nóng bỏng từ bên trong ra đến bên
ngoài, với lực lượng an ninh dày đặc, thậm chí là xe cứu thương cũng
được điều đến.
Theo trình bày của quan chức quận Tân Bình thì khu đất hơn 2 mẫu của
chợ Tân Bình sẽ được chia thành hai phần để xây dựng. Khoảng 7 ngàn
thước vuông ở mặt tiền đường Lý Thường Kiệt sẽ trở thành cao ốc 17 tầng,
và 15 ngàn thước vuông còn lại sẽ là khu chợ Tân Bình mới, cao 6 tầng.
Tổng phí tổn sẽ là 240 triệu Mỹ kim và 4 năm xây dựng. Trong thời gian
này thì giới tiểu thương phải tạm dựng sạp ở vài nơi khác.
Tuy nhiên tại phiên họp, các tiểu thương chỉ trích mạnh mẽ dự án này,
vì thực tế cho thấy là các khu chợ cao tầng mới xây, chẳng hạn như chợ
Văn Thánh, đều ế ẩm hay bị bỏ hoang. Ngay cả tầng một hiện nay của chợ
Tân Bình cũng vắng tanh thì xây chợ cao ốc là chuyện hoang phí và gây
thiệt hại cho giới tiểu thương.
Hoàng Ân: Cám ơn anh PV Trường An đã chia sẻ các tin
tức và nhận xét để gửi đến thính giả của Đài ĐLSN. Kính chào tạm biệt
và hẹn gặp lại anh và quý thính giả trong chương trình tuần tới.
No comments:
Post a Comment