Thứ Tư, ngày 24.09.2014
Đảng CSVN luôn khoe khoang, kể cả
trong hiến pháp, rằng nhà nước của "đảng ta" là "của nhân dân, do nhân
dân và vì nhân dân". Tuy nhiên, khi phân tích theo tiêu chuẩn quốc tế
thì bị rơi mặt nạ như một chế độ độc tài đảng trị và phi nhân của lịch
sử. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Minh Văn với tựa
đề: "Thế nào là một chính phủ vì dân?" sẽ được Song Thập trình bày để
kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Mục đích và mong muốn của người dân luôn là xây dựng một chính phủ
đại diện đích thực, bảo vệ và đáp ứng tốt nhất quyền lợi của mình. Đó
cũng chính là quá trình hình thành và phát triển các hệ thống nhà nước,
nhằm thiết lập một bộ máy hành chánh hiệu quả trong việc phục vụ nhân
dân. Các chính phủ tồn tại vốn dĩ phải vì dân, phải thực thi quyền con
người và phát triển đất nước. Mọi chính phủ đi ngược lại với lợi ích của
nhân dân, chỉ vì quyền lợi đảng phái ích kỷ và phe nhóm đều bị coi là
bất hợp pháp. Chỉ có một chính phủ vì dân là duy nhất được phép tồn tại.
Vậy thì thế nào là một chính phủ vì dân?
Câu hỏi đó vốn là mối quan tâm thường trực của người dân và mọi thành
phần xã hội. Vì rằng tất cả hoạt động dân sự và chính trị đều có tác
động qua lại với chính sách của nhà nước. Chính sách đúng đắn và tốt đẹp
thì xã hội được hưởng lợi, và ngược lại. Vậy thì làm sao có thể ngăn
chặn hữu hiệu sự sai phạm từ phía chính phủ, để tránh những hậu quả xấu
cho đất nước và nhân dân? Đó là những vấn đề liên quan đến cấu trúc bộ
máy nhà nước, về tính dân chủ của hệ thống pháp quyền. Bây giờ chúng ta
hãy trả lời câu hỏi "Thế nào là một chính phủ vì dân?", qua đó thấy được
những biện pháp cần thiết để tránh sự lạm quyền có thể phát sinh.
Trước hết đó phải là một chính phủ dân bầu (thông qua một cuộc bầu cử
dân chủ). Một chính phủ như vậy thì mới liên hệ mật thiết với nhân dân,
vì dân mà hành động, vì họ được người dân ủy thác trách nhiệm. Mọi hoạt
động của chính phủ đều hướng tới quyền lợi và hạnh phúc nhân dân. Dĩ
nhiên là chính phủ đó cũng phải chịu sự giám sát và chế tài từ hệ thống
lập pháp và tư pháp. Bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật dân chủ cho
phép người dân có thể liên hệ với chính phủ nhanh chóng và minh bạch. Từ
đó mà những quan điểm và nguyện vọng của họ sẽ được lắng nghe và hồi
đáp một cách có trách nhiệm.
Hoạt động của chính phủ phải luôn dựa trên tinh thần Hiến pháp. Hiến
pháp là nguồn của hệ thống pháp luật, trong đó khái quát tinh thần của
một nền chính trị. Các bộ luật phải được soạn thảo căn cứ theo nội dung
hiến pháp, sự hoạt động của chính phủ cũng vậy. Đối với một bản Hiến
pháp dân chủ, thì đó chính là ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Cho nên
một chính phủ vì dân thì không được đi trệch với tinh thần hiến pháp
trong suốt quá trình hoạt động của mình.
Chính phủ phải tôn trọng nội dung của "Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền"
và "Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị", cùng các Công
ước quốc tế về quyền con người khác.
- Theo tinh thần của "Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền" (được Đại Hội
đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10 tháng 12 năm 1948) thì quốc gia
thành viên Liên Hiệp Quốc phải tôn trọng các quyền con người căn bản.
Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi
người đều được phú bẩm về lý trí và lương tâm, vì thế mà phải đối xử
với nhau trên tinh thần bác ái.
- "Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị" (International
Covenant on Civil and Political Rights) do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc
thông qua ngày 16/12/1966 và có hiệu lực từ ngày 23/3/1976. Công ước này
nêu tổng quát các quyền Dân sự và Chính trị cơ bản của con người. Theo
đó, các bên tham gia ký kết sẽ phải tôn trọng các quyền dân sự và chính
trị của từng cá nhân, bao gồm: Quyền sống, quyền tự do tôn giáo, tự do
phát biểu, tự do hội họp, quyền bầu cử và quyền được xét xử bình đẳng
theo đúng trình tự pháp luật.
Phải là một nhà nước pháp quyền. Để các quyền con người được tôn
trọng, để xã hội công bằng thì phải có một nhà nước pháp quyền. Có nghĩa
là phải thượng tôn pháp luật. Mọi hoạt động của chính phủ không được
trái với pháp luật, không được sử dụng quyền lực ngoài phạm vi pháp luật
cho phép. Như vậy thì hoạt động của nhà nước mới có quy cũ và ít sai
phạm, nhất là quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm.
Hạnh phúc và tự do của người dân phải được đặt lên trên hết. Đó là
mục tiêu tối thượng và duy nhất của hoạt động nhà nước. Mọi lợi ích về
vật chất và tinh thần của người dân phải được bảo đảm và không ngừng
tăng trưởng. Qua đó, chính phủ phải tôn trọng quyền tự do, bảo đảm hạnh
phúc cho mọi người.
Trên tinh thần phục vụ con người, chính phủ phải biết lắng nghe và
đáp ứng một cách tốt nhất những đòi hỏi chính đáng của nhân dân. Thái độ
cầu thị là điều mà người ta thường thấy ở một chính phủ vì dân. Chính
phủ sinh ra là để phục vụ đồng bào, vì thế mà không có lý do gì để không
làm tốt điều đó cả.
Và cuối cùng là, Chính phủ phải lấy lợi ích của dân chúng làm kim chỉ
nam cho mọi hành động. Tất cả sức mạnh và trí tuệ của chính phủ đều
phải hướng tới một mục tiêu: Lợi ích của nhân dân. Vì trong lợi ích của
nhân dân có lợi ích của bản thân và gia đình họ, của quốc gia dân tộc.
Thế giới ngày nay chỉ chấp nhận một mô hình chính phủ duy nhất, đó là:
Chính phủ vì dân. Mọi hình thức chính phủ khác đều là sai trái và không
có cơ sở pháp lý. Vì đơn giản rằng, không có nhân dân thì sẽ không bao
giờ có nhà nước. Cho nên một nhà nước mà không vì dân thì chẳng có lý do
gì để mà tồn tại cả.
Viết từ Việt Nam ngày 4/9/2014
Minh Văn
No comments:
Post a Comment