Chủ Nhật 21.09.2014
Kính thưa quý thính giả, để điểm
lại những sự kiện nổi bật tuần qua xin mời các bạn thính giả theo dõi
buổi hội luận giữa ĐPV Hoàng Ân và PV Trường An.
Hoàng Ân: Theo như tôi được biết, tổ chức Giám sát
Nhân quyền Human Rights Watch đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt của họ đối
với những phụ nữ đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ tại VN. Anh có ghi
nhận về sự kiện này như thế nào để gửi đến quý thính giả của đài cùng
nghe?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Vừa qua tổ chức Giám sát Nhân quyền Human Rights Watch đã bày tỏ sự
quan tâm của họ đối với các phụ nữ đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ
tại VN, mà nhiều người trong số họ đang bị điêu đứng vì những thủ đoạn
đàn áp thô bạo của bạo quyền VN.
Tổ chức này nêu lên các trường hợp cụ thể bị tước quyền làm người của
những phụ nữ như Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Phương Uyên, Đỗ Thị Minh
Hạnh, Trần Thị Nga và nhiều phụ nữ khác nữa. Không những thế, Tổ chức
này ghi nhận là giới phụ nữ VN đang ngày càng xuất hiện đông đảo trong
phong trào đấu tranh đòi tự do và dân chủ cho người dân VN. Mặc dù trong
thời gian qua, bạo quyền VN đã đàn áp dã man những phụ nữ vô cùng can
đảm này. Một số bị bắt giam vô cớ và lãnh những bản án bất công, một số
khác thì bị công an sách nhiễu hằng ngày.
Chính vì vậy, tổ chức này đã mở cuộc họp báo để công bố bản phúc
trình vì tình trạng tra tấn, hành hung của công an VN đối với người dân.
Hoàng Ân: Như anh vừa nói thì tổ chức Human Rights Watch đã mở cuộc
họp báo để công bố bản phúc trình đầu tiên về tệ nạn tra tấn và hành
hung người dân của lực lượng công an VN. Xin anh có thể nói rõ hơn về
vấn đề này để quý thính giả của đài được hiểu hơn?
Trường An: Vâng! Hôm 16/9, tổ chức Giám sát Nhân
quyền Human Rights Watch đã mở cuộc họp báo để công bố phúc trình đầu
tiên về tệ nạn tra tấn và hành hung người dân của lực lượng công an VN.
Cuộc họp báo tố cáo công an VN đã vi phạm nhân quyền được tổ chức tại
Câu lạc bộ Nhà báo Quốc tế ở thủ đô Bangkok của Thái Lan. Phó giám đốc
chi nhánh Human Rights Watch ở Á châu, ông Phil Robertson, cho biết là
tổ chức của ông đã bỏ công thu thập các dữ liệu và bằng chứng suốt hai
năm qua, mới phanh phui được hàng loạt các vi phạm nhân quyền trầm trọng
của lực lượng công an VN.
Bản phúc trình cho thấy các vụ tra tấn đến chết tại đồn công an VN đã
không còn là hiện tượng hiếm hoi mà đã trở thành phổ biến, đến độ giới
truyền thông nhà nước bị kiểm duyệt chặt chẽ cũng thường xuyên loan tải
các vụ hành hung man rợ này. Bản phúc trình nói thêm là dư luận thế giới
vẫn chưa hiểu đúng mức độ của tệ nạn này và những tác hại nghiêm trọng
của nó trong đời sống của người dân tại Việt Nam.
Chính vì thế, phúc trình đề nghị nhà cầm quyền VN phải lập tức đề ra
các quy định không dung thứ cho các hành vi man rợ của ngành công an,
cải cách hệ thống huấn luyện công an ở mọi cấp, đồng thời gắn đặt các hệ
thống thu hình ở những nơi thẩm vấn và tại đồn công an. Bên cạnh đó, tổ
chức nhân quyền quốc tế này cũng đề nghị thành lập một uỷ ban độc lập
để điều tra các vụ bạo hành của công an.
Hoàng Ân: Trong mấy ngày qua, hàng ngàn người dân
huyện Đồng Phú đã kéo đến bao vây trụ sở hành chính tỉnh Bình Phước để
phản đối kế hoạch cưỡng chế đất đai, xây dựng khu đô thị và công nghiệp
Đồng Phú. Xin anh trình bày tóm tắt lại sự kiện này để gửi đến quý thính
giả của đài cùng nghe?
Trường An: Để phản đối kế hoạch cưỡng chế đất đai,
xây dựng khu đô thị và công nghiệp Đồng Phú có tổng diện tích lên đến 14
ngàn 500 mẫu ruộng đất của khoảng 2600 gia đình thuộc 5 xã nằm trong
phạm vi dự án này. Hàng ngàn người dân huyện Đồng Phú đã kéo đến bao vây
cơ quan hành chính của tỉnh này.
Tuy nhiên theo 1 số tờ báo VN thì cuộc biểu tình qui mô này là do một
số quan chức tung tin thất thiệt và cầm đầu dân chúng bao vây trụ sở
tỉnh. Theo các báo này thì công an tỉnh Bình Phước đã bắt giam một số
quan chức với cáo buộc "gây rối trật tự công cộng", "nói xấu chế độ" và
có những hành vi quá khích.
Giải thích về dự án này, chủ tịch tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm nói
rằng, đây chỉ mới là dự thảo nhưng một số quan chức đã tung tin là mức
bồi thường sẽ rất thấp, gây xôn xao trong dư luận. Ông Trăm cam kết là
mức bồi thường sẽ thỏa đáng và sẽ dành nhiều vùng đất để tái định cư
những gia đình mất đất. Tuy nhiên dư luận vẫn tỏ ra hoài nghi về các lời
cam kết này vì thực tế cho thấy là đang có hàng trăm ngàn dân oan đã đi
khiếu kiện suốt nhiều năm qua vì bị cưỡng chế đất đai với mức bồi
thường rẻ mạt.
Hoàng Ân: Thế còn việc hàng trăm người cai nghiện phá trại, kéo nhau diễu hành tại thành phố Hải Phòng thì sao thưa anh?
PV Trường An: Thưa chị, vào hôm 14/9, thành phố Hải
Phòng đã trở nên náo loạn khi 600 tù nhân cai nghiện phá cổng trại giam ở
huyện Thủy Nguyên rồi tràn vào trung tâm thành phổ để diễu hành trên
đường phố. Theo ghi nhận, vụ phá trại diễn ra sau khi các cai tù loan
báo thời gian cai nghiện sẽ gia tăng từ 2 năm lên đến 4 năm.
Nhân đây tôi xin được nói thêm, các trại cai nghiện ở VN được gọi
dưới cái tên mỹ miều là "trung tâm giáo dục lao động xã hội", nhưng thực
chất là các trại tù trá hình và cưỡng bức lao động như nô lệ. Nhiều tù
nhân đã bị kiệt sức hay bị đánh chết trong các trại giam này.
Vụ phá trại này là vụ thứ ba diễn ra tại Hải Phòng trong vòng ba năm
qua. Cách đây vài tháng, khoảng 10 tù nhân của trại này cũng đào thoát
lên núi vì không chịu nổi sự hành hạ của bọn cai tù.
Theo những người có mặt tại nơi xảy ra sự việc thì hàng trăm tù nhân
đang diễn hành trên đường phố, hô to những khẩu hiệu đả đảo sự khắc
nghiệt của trại cai nghiện, và thỉnh thoảng nhận được sự vỗ tay hoan hô
của người dân tụ tập trên lề đường khiến cho đường phố càng náo loạn
hơn.
Hoàng Ân: Nay chuyển qua lĩnh vực khác. Nhà cầm
quyền VN đã cho phép các công dân Mỹ tái tục việc thu nhận con nuôi
người Việt sau 6 năm bị cấm đoán vì tình nghi đến tệ nạn buôn bán trẻ em
và tham nhũng. Anh có thể nói rõ hơn về sự kiện này được không?
Trường An: Vào hôm 16/9, bộ tư pháp VN đã chính thức
cấp giấy phép cho hai tổ chức Mỹ là Dillon International và Holt
International Children's Services được hoạt động trong chương trình chọn
lựa con nuôi từ 5 tuổi trở lên. Được biết đây là thỏa ước hợp tác thu
nhận con nuôi người Việt được hai nước ký kết từ năm 2000 khi thiết lập
quan hệ ngoại giao. Chương trình này nhiều lần bị gián đoạn mà lần cuối
cùng là vào tháng 9 năm 2008 khi tòa đại sứ Mỹ phát giác ra nhiều kẽ hở
trong hệ thống thủ tục của VN, dẫn đến tình trạng một số quan chức làm
giả mạo hồ sơ để đưa con cái sang Mỹ.
Theo số liệu của nhà cầm quyền VN thì hiện có từ 140 ngàn trẻ em đang được cưu mang trong các trại mồ côi trên toàn quốc.
Hoàng Ân: Cám ơn anh PV Trường An đã chia sẻ các tin tức và nhận xét
để gửi đến thính giả của Đài ĐLSN. Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại anh
và quý thính giả trong chương trình tuần tới.
No comments:
Post a Comment