Thứ Hai, ngày 08.09.2014
Khát vọng Tự Do cháy bỏng trong tim
mỗi người chúng ta nhưng cái giá phải trả cho nó không rẻ vì Tự Do
không phải là phẩm vật cho không. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình,
chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN phần 1 của bài viết có tựa
đề: " Ngày đầu tiên ở tù " của Phạm Thanh Nghiên sẽ được Tâm Anh trình
bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Tôi xin tặng câu chuyện này cho bạn, những Tù Nhân Lương Tâm "dự
khuyết" dưới chế độ cộng sản, để thấy được những khoảng khắc của một
người tù. Tôi luôn hy vọng, trong tương lai gần sẽ không còn nhiều người
Việt Nam phải trải nghiệm cuộc đời mình trong chốn ngục tù đầy đau
thương và mất mát như một cái giá để trả cho Khát vọng Tự Do.
1) Con người luôn có xu hướng "nói tốt về mình" và cảm thấy dễ dàng
khi nói về những thành công hơn là những điều thất bại. Người ta hay
lảng tránh hoặc giấu kín những sai lầm của bản thân, nhất lại là những
sai lầm "ngoài mình không ai biết". Nhưng, thành thật với chính mình
phải được xem là điều kiện bắt buộc để trở thành một con người chính
trực. Để thấy rằng, mục đích chính không phải trở thành người hùng mà là
cách ta đối mặt và vượt qua những khoảnh khắc sợ hãi, mềm yếu của mình
trước những thử thách đầy cam go, khốc liệt.
Tôi không định cất giữ những "bí mật" của riêng mình trong thời gian
bị cầm tù mặc dù tôi hoàn toàn có thể và có quyền làm như thế. Nhưng,
tôi sẽ kể cho bạn một cách trung thực nhất không chỉ những câu chuyện
của chiến thắng, của khí phách và lòng quả cảm mà cả những câu chuyện về
thất bại, về phút giây hèn yếu của tôi, một tù nhân lương tâm dưới thời
cộng sản. Đơn giản vì sự thật cần phải được biết tới và tôn trọng. Nếu
bạn "không may" trở thành một tù nhân lương tâm như tôi thì hy vọng,
những trải nghiệm này sẽ giúp bạn có thêm một vài kinh nghiệm. Nhất định
bạn sẽ chiến thắng, một chiến thắng trọn vẹn vì bạn giỏi hơn tôi, dũng
cảm và thông minh hơn tôi rất nhiều.
Tôi luôn nghĩ mình... không đến nỗi nào khi vượt qua được bảy ngày
khủng bố trước khi bị bắt. Ngay cả lúc tôi bước chân vào nhà tù, làm các
thủ tục "nhập kho", tôi vẫn không sợ hãi.
Một tên cai tù mặt mũi bặm trợn, mặc độc một chiếc quần xà lỏn đang chơi bóng chuyền ngoài sân, xông vào gây sự:
- Đứng dậy, vào đến đây mà còn dám ngồi à? Tội gì? Có muốn cạo trọc đầu không?
Tôi vẫn ngồi trên ghế. Thay vì phản ứng với hắn, tôi đưa mắt nhìn ả
điều tra viên. Cô nàng hơi lúng túng, rồi tiến đến chỗ tên cai tù hống
hách. Không biết cô ta thì thầm nhỏ to điều gì nhưng tôi thấy thái độ
của hắn chùng xuống. Lúc này tôi mới chằm chằm nhìn hắn, cho tới khi hắn
lỉnh ra sân, tiếp tục cuộc chơi với đồng đội.
Làm các thủ tục xong xuôi, bọn điều tra viên ra về. Một người phụ nữ
trung tuổi đưa tôi vào một căn phòng chật chội. Tôi ngốc đến nỗi không
biết đó là một cai tù vì mụ ta mặc thường phục, dáng vẻ lại nhỏ nhắn và
yếu ớt. Lẽ ra tôi phải biết một điều rất đơn giản ngoài những tù nhân
(đã bị nhốt) và bọn điều tra viên, nơi đây là thánh địa của bọn cai tù.
Lúc này, tôi mới nhận thấy mình không còn chút sức lực nào hết. Tôi
thả lỏng người, cho phép đầu óc được ngơi nghỉ bằng cách không suy nghĩ.
- Ngồi xuống!
Tôi giật mình khi mụ ta ra lệnh. Tôi vẫn chưa nhận ra chân dung của
một cai tù. Bực mình trước sự lúng túng của tôi, mụ quát to hơn:
- Ngồi xuống!
Tôi nhìn quanh không thấy cái ghế nào.
- Tìm gì! Ngồi xuống đất ấy.
Không kịp suy nghĩ, tôi ngồi thụp xuống đất. Đến bây giờ và có lẽ mãi
về sau, tôi vẫn cảm thấy xấu hổ và day dứt bởi hành động đó của mình.
Một sai lầm không bao giờ cứu vãn được. Hình ảnh của những người tranh
đấu trong phút chốc đã bị tôi làm cho thảm hại.
- Họ tên? Càng lúc mụ càng tỏ ra hách dịch và khinh bỉ.
Lúc này, tôi mới nhận ra một tên cai tù. Tôi lập tức đứng lên. Nhưng,
tay tôi phải vịn vào bàn làm việc của mụ vì khi đó tôi đã rất mệt. Tôi
đã sai lầm khi cho phép trí não mình nghỉ ngơi. Ngạc nhiên trước thái độ
bất ngờ của tôi, mụ hoạch, ánh mắt xoáy vào kẻ đối diện:
- Ai cho mày đứng lên mà đứng? Ngồi xuống!
- Tôi không có nhu cầu ngồi dưới đất.
Tôi nhìn thẳng vào mắt mụ cai tù. Đôi mắt nhỏ và đục. Nhất là lực của
mắt như một sức nặng xoáy vào người đối diện. Người "yếu bóng vía" chắc
không dám nhìn vào đôi mắt ấy.
Gần đến ngày ra tòa tức mãi hơn một năm sau, tôi mới biết mụ là thông
gia của đương kim Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh. Nhiều người ví von
rằng, muốn biết bản chất của công an cộng sản Việt Nam, chỉ cần nhìn vào
gương mặt của ông bộ trưởng. Ở đó có sự tăm tối, độc ác, có mùi máu
tươi lẫn với tiếng thét kinh hoàng của những kẻ vô tội. Gương mặt của
ông bộ trưởng, thật sự khiến người ta rùng mình dù chỉ thoáng thấy trên
màn hình vô tuyến.
Không khôi phục được danh dự của mình sau hành động thảm hại vừa rồi
nhưng không thể để mụ có một chiến thắng trọn vẹn. Dồn hết sức lực và
niềm kiêu hãnh còn lại vào ánh mắt, tôi muốn mụ hiểu: tôi đã đứng dậy.
Phải nhớ sự sỉ nhục ngày hôm nay để không lặp lại một sai lầm tương tự trong tương lai.
Xem tiếp.... phần 2
Pham Thanh Nghiên
No comments:
Post a Comment