BẠO QUYỀN VN TRIỆT HẠ ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN
Công an VN lại xử dụng thủ đoạn hủy diệt phương tiện sinh sống của
hai vợ chồng nhà báo Trương Minh Đức bằng cách hăm dọa những công nhân
đang thuê mướn phòng ở của bà Đức.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ của ông Đức, cho biết là công an liên tục
đến nhà sách nhiễu những công nhân đang thuê mướn phòng của nhà bà,
thậm chí tuyên bố thẳng thừng là sẽ áp lực công ty đuổi việc những người
này nếu không chịu dời khỏi nhà bà Thanh.
Một công nhân tên là Trần Văn Linh cũng xác nhận là mình bị công ty
mời lên phòng làm việc và bị đe dọa đuổi việc nếu không đi tìm chỗ ở
khác. Khi bị anh Linh vặn hỏi thì công ty cho biết là họ chỉ làm theo
lệnh của nhà cầm quyền huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Chị Thanh cho biết thêm là công an đã liên tục kéo đến khám xét nhà
sau khi đã bắt giam chồng chị là nhà báo Trương Minh Đức vào tháng 6 vừa
qua. Chị khẳng định đây là thủ đoạn bao vây kinh tế của bạo quyền VN
nhằm triệt hạ phương tiện sinh sống của gia đình mình.
PHẢI CÓ CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP THÌ MỚI CÓ THỂ THAM GIA HIỆP ƯÓC TPP
Một phúc trình của quốc hội Mỹ vừa được tiết lộ, theo đó thì VN phải
có các công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi thiết thực của giới công
nhân, nếu không thì quốc hội Mỹ sẽ không chấp thuận ký kết thỏa ước mậu
dịch xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP) với VN.
Phúc trình này do một ủy ban tài chánh của Hạ viện Mỹ soạn thảo và
được đệ trình vào ngày 18/9 vừa qua, có tựa đề là "Quyền Lao Động". Phúc
trình do dân biểu Sander Levin soạn thảo, nội dung nhấn mạnh đến các
điều khoản về quyền lao động mà nếu bất cứ đối tác nào không áp dụng thì
sẽ không được phép gia nhập vào khối kinh tế này, và dù được gia nhập
nhưng sau đó nếu vi phạm thì sẽ bị trừng phạt. Bản phúc trình nói rằng
giới công nhân VN hiện không có được những quyền lợi căn bản này, vì thế
VN cần phải có những cơ chế đặc biệt để giám sát và ngăn chận các vụ vi
phạm, trước khi quốc hội Mỹ có thể cứu xét việc gia nhập vào khối TPP.
VN PHẢI MẤT HƠN 40 NĂM NỮA MỚI RA KHỎI BẪY THU NHẬP TRUNG BÌNH
Khối Hợp tác và Phát triển Kinh tế, gọi tắt là OECD, vào cuối tuần
qua đưa ra nhận định là VN phải mất hơn 40 năm nữa, cụ thể là đến năm
2058, mới có thể thoát ra khỏi "bẫy" thu nhập trung bình.
Nhận định này được đưa ra tại diễn đàn phát triển Á châu lần thứ 5,
với chủ đề "Thách thức và chiến lược phát triển bền vững ở Á châu", theo
đó thì VN thuộc nhóm quốc gia phải mất đền vài chục năm mới vượt thoát
được ngưỡng cửa lợi tức trung bình. Theo khối OECD thì Mã Lai sẽ vượt
ngưỡng cửa này vào năm 2020, Trung Cộng sẽ đạt được vào năm 2026 và Thái
Lan là vào năm 2031, trong khi VN là vào năm 2058, tức cần thêm 44 năm
nữa.
Trong một diễn biến kinh tế khác thì một số công ty Nhật đang cân
nhắc đến việc rời bỏ VN và chuyển sang Thái Lan, mà nguyên nhân chủ yếu
là VN quá yếu kém trong ngành sản xuất các phụ tùng vô cùng đơn giản,
chẳng hạn như ốc vít. Theo một chuyên gia Nhật thì nếu VN không cung ứng
được các phụ tùng đơn giản cho việc lắp ráp máy móc thì các công ty
ngoại quốc buộc phải dời cơ sở sang Thái Lan, nơi có ngành công nghiệp
sản xuất phụ tùng với phẩm chất cao và giá cả thích hợp.
PHIẾN QUÂN NHÀ NƯỚC HỒI GIÁO LĂM LE TIẾN QUÂN ĐẾN THỔ NHĨ KỲ
Lực lượng Nhà nước Hồi giáo ISIS đang rầm rộ hành quân ở miền bắc
Syria với mục tiêu tấn chiếm một thành phố lớn của sắc dân Kurd sát biên
giới Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi mở rộng
liên minh chống ISIS.
Các nguồn tin cho biết lực lượng ISIS đang áp sát thành phố Kobane
khiến 75 ngàn người Kurd vội vã di tản. Đảng Công nhân Kurdistan, một tổ
chức đấu tranh suốt mấy chục năm qua với chủ trương thành lập một quốc
gia của người Kurd, đã lên tiếng kêu gọi người Kurd cầm súng đứng lên để
bảo vệ quê hương. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng ban hành lệnh báo động và
dàn quân ở biên giới Syria để ngăn chận làn sóng người tỵ nạn đang tràn
vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó thì Tổng thống Obama vào cuối tuần qua lên tiếng kêu gọi
mở rộng liên minh chống lại Nhà nước Hồi giáo. Ông Obama nói rằng cuộc
chiến này không phải là cuộc chiến của riêng nước Mỹ vì thế ông không
muốn điều động toàn bộ quân đội Mỹ vào cuộc chiến này, mà chỉ muốn thế
giới tận lực yểm trợ cho các nước Syria, Iraq và sắc dân Kurd chiến đấu
để bảo vệ các vùng đất của họ.
GIỚI SINH VIÊN HỒNG KÔNG BÃI KHOÁ ĐỂ BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI TRUNG CỘNG
Hàng ngàn sinh viên Hồng Kông sẽ tự động bãi khóa, xuống đường phản
đối việc Trung Cộng tước đoạt quyền tự do ứng cử và bầu cử tại khu tự
trị Hồng Kông. Giới sinh viên thuộc 25 đại học Hồng Kông dự trù sẽ bài
khóa nguyên tuần lễ này để ủng hộ cho phong trào đòi dân chủ.
Cần nhắc lại là vào tháng trước, Trung Cộng đã đưa một dự luật mới,
theo đó thì vào năm 2017, cử tri Hồng Kông trực tiếp bỏ phiếu bầu những
người lãnh đạo, nhưng những ứng viên này là do Bắc Kinh lựa chọn trước.
Dự luật này cần phải được nghị viện Hồng Kông thông qua, nhưng Trung
Cộng đã đưa ra lời đe dọa là nếu không thông qua, bạo quyền Bắc Kinh sẽ
giữ nguyên thể thức chỉ định những quan chức lãnh đạo khu tự trị này.
Trong khi đó thì giới truyền thông Trung Cộng loan tin là 88 quan
chức tham nhũng đào thoát ra hải ngoại đã bị công an Trung Cộng dẫn độ
hay tình nguyện về nước trong mấy tháng qua Trong số này có một quan
chức đã ẩn náu tại Canada suốt 14 năm qua với cáo buộc ăn hối lộ lên đến
10 triệu Mỹ kim. Tại Hoa Kỳ thì có đến 35 quan chức tình nguyện trở về
để thú tội.
QUÂN TRUNG CỘNG LẠI TIẾN VÀO ĐÔNG BẮC ẤN ĐỘ
Chỉ vài giờ sau khi rút khỏi khu vực tranh chấp Ladakh thuộc đông bắc
Ấn Độ, lực lượng Trung Cộng vào cuối tuần qua lại quay lại vùng đất này
khiến Ấn Độ đình chỉ kế hoạch rút quân sau cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng
Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình.
Theo thông tấn xã Ấn Độ, quân Trung Cộng lại tiến sâu vào lãnh thổ
Ấn, đóng trại trên một ngọn đồi mà Trung Cộng tuyên bố là lãnh thổ của
mình. Ngoài ra một đơn vị gồm 300 binh sĩ Trung Cộng cũng vượt qua lằn
ranh phân chia giới tuyến hai nước vào cuối tuần qua.
No comments:
Post a Comment