Saturday, September 27, 2014

Hổ tướng Lê Văn Khôi

Thứ Bảy 27.09.2014   
Kính thưa quý thính giả, Gần 200 năm trước đây, có một người võ nghệ tuyệt luân, nhân phẩm cao quý và tinh thần hào hiệp được nhiều người thương mến. Nhờ vậy mà sau khi ông khởi xướng nổi dậy chống triều đình, hàng trăm ngàn dân chúng miền Nam đã đồng thanh ủng hộ cuộc khởi nghĩa. Ông đã sát cánh với phong trào đấu tranh của nông dân và các tộc dân trong cuộc nổi dậy chống triều đình nhà Nguyễn. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Hổ tướng Lê Văn Khôi" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để chấm dứt chương trình tối nay.
*****
Ca quản lâu đài vân công khứ,
Duy du Tiên Tháp lão càn khôn.
Đó là hai câu thơ mà Lê Văn Khôi đã làm khi ngậm ngùi trước cảnh rêu phong hoang tàn của Tháp Cảnh Tiên, kinh đô Đồ Bàn của nước Chiêm Thành cũ.

Lê Văn Khôi có tên là Nguyễn Hữu Khôi, quê ở tỉnh Cao Bằng, do khởi binh gây loạn, bị quân triều đình đuổi đánh, chạy vào Thanh Hóa, gặp Kinh lược sứ Lê Văn Duyệt bèn xin đầu hàng. Lê Văn Duyệt nhận làm con nuôi, đổi họ và chữ lót thành Lê Văn Khôi, đem về Gia Định cất nhắc cho làm Phó vệ úy.
Khi Bạch Xuân Nguyên tuyên bố phụng mật chỉ của vua để trị tội các thuộc hạ của Lê Văn Duyệt, Lê Văn Khôi bị bắt giam. Trong tù, Lê Văn Khôi thuyết phục với một số người bị giam chung cùng khởi nghĩa chống triều đình nhà Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng. Cuộc khởi nghĩa kéo dài 2 năm, từ 1833 đến năm 1835, tại các tỉnh miền Nam Việt Nam.
Lê Văn Khôi liên lạc được với binh lính bên ngoài nên đêm 5/7/1833, ông cùng 27 người đào thoát và đột nhập vào dinh, giết cả nhà Bạch Xuân Nguyên và thuộc hạ Nguyễn Trương Hiệu, người trực tiếp trong vụ án buộc tội Tả quân Lê Văn Duyệt, cùng một số quân bảo vệ.
Quân của Lê Văn Khôi chiếm được thành Bát Quái, tổ chức một buổi lễ thắp đuốc tưởng niệm tại mộ Tả quân Lê Văn Duyệt. Tại đây, Lê Văn Khôi tuyên bố bất phục triều đình và ủng hộ hoàng tử Cảnh lên ngôi. Sau đó, quân của Lê Văn Khôi tấn công hạ sát tân Tổng đốc Nguyễn Văn Quế, người chịu trách nhiệm xây dựng lại quyền lực của triều đình ở vùng Gia Định, khi ông này này mang quân đến cứu Bạch Xuân Nguyên.
Nhiều quan lại do triều đình bổ nhiệm đều bị quân khởi nghĩa giết chết và một số trốn chạy khỏi thành Gia Định. Cuộc nổi dậy bất ngờ đã nhanh chóng lan khắp các tỉnh đồng bằng miền Nam và trong vòng 3 ngày, 6 tỉnh đã nằm trong tay lực lượng nổi dậy.
Lê Văn Khôi đóng đô tại thành Phiên An, dưới trướng có nhiều quan văn tướng võ của triều đình đầu hàng. Ông tự xưng là Đại nguyên soái, giao cho Thái Công Triều, Lê Đắc Lực chỉ huy Trung quân. Các tướng Nguyễn Văn Đà, Nguyễn Văn Thông thống lãnh Tiền quân. Dương Văn Nhã, Hoàng Nghĩa Thơ lãnh ấn Tả quân. Võ Vĩnh Tiền, Võ Vĩnh Tải nắm Hữu quân. Võ Vĩnh Lộc, Nguyễn Văn Bột trách nhiệm Hậu quân. Lưu Tín, Trần Văn Tha chỉ huy Thủy quân. Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Văn Chân, Quách Ngọc Chấn lo về Tượng quân.
Vào tháng 6 âm lịch năm 1833, quân của Lê Văn Khôi đánh chiếm Biên Hòa. Các quan nhà Nguyễn như Tuần phủ Võ Quýnh, Án sát Lê Văn Trác, Lãnh binh Hồ Kim Truyền đều bỏ chạy.
Vua Minh Mạng ra lệnh cho Tổng đốc Long Tường là Lê Phúc Bảo, Tổng đốc An Hà là Lê Đại Cương cùng đến Phiên An phối hợp đánh Lê Văn Khôi. Nhưng chưa kịp điều quân thì quân nổi dậy dưới sự chỉ huy của Thái Công Triều đánh chiếm Định Tường, khiến cho hai Tổng đốc Lê Phúc Bảo, Lê Đại Cương đều bị cách chức.
Thái Công Triều mang quân từ Định Tường tiến chiếm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên và cho quân trấn giữ các quận huyện và đặt quan chức cai trị.
Năm 1833, Lê Văn Khôi tiếp tục tấn công Biên Hòa và chiếm được thành, giết tướng nhà Nguyễn là Tôn Thất Gia. Cùng lúc, anh vợ Lê Văn Khôi là Nông Văn Vân làm tri châu Bảo Lạc thuộc Tuyên Quang cũng nổi dậy, tự xưng là Thiết chế Thượng tướng quân.
Vua Minh Mạng liền cử Tống Phúc Lương, Nguyễn Xuân, Phan Văn Thúy, Trương Minh Giảng và Trần Văn Năng đem bộ binh, thủy binh và tượng binh vào đánh Lê Văn Khôi.
Năm 1834, quân triều đình bao vây quân nổi dậy trong thành Bát Quái. Tướng Lê Văn Khôi bị bệnh và mất ở trong thành Phiên An khi thành đang bị vây hãm.
Mặc dù tướng Lê Văn Khôi đã mất, quân nổi dậy vẫn giữ được thành cho đến ngày 8/9/1835. Quân nhà Nguyễn sau đó đã chém đầu 1831 người trong thành Phiên An và chôn chung một chỗ, sau này gọi là Mả Biền Tru.
* * *
Văn hóa nước Tàu thường nhắc đến huyền thoại "Võ Tòng đả hổ", và ca tụng Võ Tòng là một dũng tướng, mặc dù vẫn kết án nghĩa quân Lương Sơn Bạc dưới thời nhà Tống là phản tặc. Thế nhưng, việc Lê Văn Khôi đã dũng mãnh đến độ "tay không đánh chết cọp" là điều có thật chứ không phải là huyền thoại như Võ Tòng của Tàu, thậm chí sự việc này còn được chính sử của triều Nguyễn ghi chép đầy đủ.
Dĩ nhiên, chính sử nhà Nguyễn luôn mạt sát Hổ tướng Lê Văn Khôi là người làm phản mà quên rằng chính vua Minh Mạng đã đẩy ông vào con đường làm phản chỉ vì Minh Mạng muốn trả thù việc đức Tả quân Lê Văn Duyệt khi sinh tiền luôn ủng hộ hoàng tử Cảnh kế thừa ngai vàng sau Gia Long.
Nhưng điều đáng nói là, một triều đình bại hoại, nhẫn tâm hạ sát các công thần của mình, thì cuộc khởi nghĩa của Hổ tướng Lê Văn Khôi có gì là sai trái? Do không thành công nên chính sử sẽ gọi là "phản tặc"?
Lịch sử của bất cứ dân tộc nào cũng ghi nhận là khi triều đình lụn bại, chế độ suy đồi thì đều có những anh hùng hào kiệt giương cờ "tạo phản" với khát vọng diệt trừ "hôn quân và tham quan" để mang lại hạnh phúc cho toàn dân.
Chính vì thế, lịch sử Việt Nam cần phải trả lại sự công bằng cho Hổ tướng Lê Văn Khôi và những quân dân miền Nam đã can đảm vùng dậy chống lại sự bất công của triều Nguyễn.
Và trong tình thế hiểm nghèo hiện nay, đất nước VN rất cần có sự xuất hiện của nhiều dũng tướng văn thao võ lược như Hổ tướng Lê Văn Khôi để "thay đổi triều đại", cứu vớt dân tộc khỏi sự cai trị tàn bạo của các quan thái thú CSVN do Tàu Cộng bổ nhiệm!
Việt Thái

No comments:

Post a Comment