Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Mỹ Linh và Thiên An trình bày sau đây.
1) TRỤC LỢI TỪ VIỆC TIÊM NGỪA VẮC-XIN COVID, MỘT QUAN CHỨC LÃNH ÁN 3 NĂM TÙ
Liên quan đến vụ tiêm vắc- xin
Covid-10, sáng 1-12, tòa án thành Hồ đã tuyên 3 năm tù giam đối với Nguyễn
Thanh Tuấn, cựu trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 11 với hành vi “lợi dụng
chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ngoài ông Tuấn, bà Kim Dung
(chủ danh khoản fb “Kim Zunf”) cũng bị lãnh án 2 năm 6 tháng tù với tội danh
“lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”. Qua danh
khoản fb của bà Dung, nhiều người đã liên lạc, thỏa thuận giá tiêm vắc xin (từ
2 - 4 triệu đồng/liều).
Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Thanh Tuấn được Ban Thường vụ Quận ủy quận 11 phân công làm tổ trưởng tổ tiêm vắc xin COVID-19 tại Trường mầm non 10, phường 10, quận 11, trong đợt tiêm ngừa lần thứ 5 của thành phố. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được phân công, ông Tuấn đã cấu kết với hai người khác là Lê Thị Kim Dung và Lý Thái Huyền Trang, đưa 32 người ngoài danh sách vào để được tiêm chủng vắc xin COVID-19. Tuấn được hưởng 32 triệu đồng từ phi vụ trên. Cùng một đường dây phi pháp nhưng báo chí không nhắc đến việc có xử lý hình sự hay không đối với bà Lý Thái Huyền Trang- Giám đốc Tư vấn tài chính Công ty TNHH Sunicom Investment.
2) ĐẠI ÁN VIỆT Á, 1.700 TỈ ĐỒNG ĐANG
ĐƯỢC CÔNG AN TẠM GIỮ
Một ngàn 700 tỉ đồng là số tiền do
các bị can trong đại án Việt Á nộp lại cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra và hiện
đang do cơ quan này tạm giữ. Thông tin được trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn
phòng kiêm phát ngôn viên bộ công an cho biết trong cuộc họp báo chính phủ
thường kỳ hôm 1/12.
Tính đến thời điểm này, có gần 100
người đã bị khởi tố do liên quan đến vụ Việt Á. Trong đó có 29 bị can bị Cơ
quan Điều tra Bộ Công an khởi tố và áp dụng các biện pháp ngăn chặn, số còn lại
do công an các địa phương khởi tố. Đáng chú ý, trong số những người bị
bắt có đến 2/3 là đảng viên, tám quan chức thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công
nghệ, hàng chục lãnh đạo, cán bộ CDC, sở y tế các tỉnh, thành phố. Người giữ
chức vụ cao nhất bị bắt là Chu Ngọc Anh, chủ tịch thành phố Hà Nội và Nguyễn
Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế.
Công ty Việt Á, đứng đầu là Phan Quốc Việt bị cáo buộc đã thổi giá bộ xét nghiệm covid-19 lên khoảng 45% và đút lót cho các đối tác khoảng 800 tỷ đồng. Vụ án gây chấn động dư luận Việt Nam suốt hơn một năm qua.
3) PHÁI ĐOÀN NGHỊ SĨ ANH THĂM ĐÀI
LOAN
Ngày 1/12, phái đoàn Nghị sĩ Anh đã đến thăm Đài Loan và gặp Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương. Phái đoàn đã gặp Tổng thống Thái Anh Văn vào mồng 2/11 và kết thúc chuyến thăm cùng ngày. Chuyến thăm nhằm mục đích đánh giá tính hiệu quả của chính sách đối ngoại của Anh trong khu vực.
Phái đoàn Anh là đoàn quốc tế mới
nhất mà bà Thái Anh Văn đón tiếp kể từ chuyến thăm hồi tháng 8 của chủ tịch Hạ
viện Mỹ Nancy Pelosi. Trung cộng hôm 1/12 đã cáo buộc Anh “can thiệp thô bạo” vào
công việc nội bộ của mình và đe dọa sẽ đáp trả mạnh mẽ bất cứ điều gì phá hoại
lợi ích của Hoa Lục. Chuyến thăm được thực hiện sau khi đảng Dân Tiến của bà
Thái Anh Văn thất bại trong cuộc bầu cử địa phương và bà từ chức lãnh đạo đảng.
Tờ The Economist bình luận: “Các chính trị gia Anh đang ngày càng căng thẳng với Trung Quốc. Nhưng họ có thể thấy một nhà lãnh đạo Đài Loan yếu hơn mong đợi, ít nhất là tại thời điểm hiện tại”.
4) IDEA CÔNG BỐ BÁO CÁO DÂN CHỦ TOÀN
CẦU 2022: “VIỆT NAM VẪN GẮN CHẶT VỚI CHỦ NGHĨA CHUYÊN CHẾ”
Đánh giá về tình hình dân chủ châu
Á-Thái Bình Dương, báo cáo của International IDEA nêu "không thấy dấu hiệu
thay đổi nào" đối với sự thay đổi chủ nghĩa chuyên chế ở Việt Nam.
Nội dung báo cáo 2022 có đoạn liên
quan đến Việt Nam như sau:
"Việt Nam, giống Trung Quốc và
Singapore đã thành công trong việc mang lại sự thịnh vượng kinh tế mà không
trao quyền dân chủ, mang lại cho thể chế cộng sản một vỏ ngoài về tính chính
danh trước quần chúng."
"Ở Trung Quốc và Việt Nam,
người dân có thể cảm thấy tiến trình dân chủ hiện là không khả thi hoặc quá
nhiều rủi ro."
Theo báo cáo này, nền dân chủ đang
suy giảm tại châu Á-Thái Bình Dương. Thậm chí tại các quốc gia như Úc,
Nhật, và Đài Loan, nền dân chủ cũng đang dần bị xói mòn. IDEA chỉ ra rằng nền dân chủ toàn
cầu đang bị đe dọa từ các thách thức như tính hợp pháp trong các kết quả bầu
cử, giới hạn tự do trên mạng và các quyền, nạn tham nhũng rất khó kiểm soát và
sự trỗi dậy của các đảng phái cực hữu.
International Institute for Democracy and Electoral Assistance (International IDEA) là một tổ chức liên chính phủ, đặt tại Stockholm (Thụy Điển) với vai trò hỗ trợ nền dân chủ bền vững trên toàn cầu.
5) SAU CÁC VỤ BIỂU TÌNH, TRUNG CỘNG
BUỘC PHẢI NỚI LỎNG LỆNH PHONG TỎA
Ngày 1 và 2/12, hàng chục quận ở
Thượng Hải, Quảng Châu, Trùng Khánh và nhiều thành phố khác, các biện pháp
phong tỏa đột ngột được dỡ bỏ. Nhiều nơi ở thủ đô Bắc Kinh cũng cho phép các
trường hợp mắc Covid có triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà. Phó thủ tướng
Trung cộng Tôn Xuân Lan giải thích về biện pháp thay đổi này là do “khả năng
gây bệnh của virus đang suy yếu”.
Các nhà bình luận và giới quan sát
cho rằng nhà cầm quyền Trung cộng đưa ra động thái trên là nhằm “hạ nhiệt” các
cuộc biểu tình vốn đã lan rộng ra nhiều thành phố của Hoa Lục trong những ngày
qua.
Cuộc biểu tình bùng phát sau khi vụ hỏa hoạn tại một tòa nhà cao tầng ở phía tây khu vực Tân Cương khiến 10 người thiệt mạng vào tuần trước. Người dân cho rằng lệnh phong tỏa khắc nghiệt đã góp phần gây ra thảm cảnh trên. Cuộc biểu tình yêu cầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa sau đó đã xuất hiện những khẩu hiệu đòi hỏi dân chủ và chống đối Tập Cận Bình. Cùng với việc nới lỏng lệnh phong tỏa, vốn đi ngược lại với chủ trương ban đầu nhằm duy trì chính sách zero-Covid nghiêm ngặt, là biện pháp đàn áp mạnh tay nhằm dập tắt các cuộc biểu tình.
No comments:
Post a Comment