Tương quan giữa TBT Nguyễn Phú Trọng của CSVN và CT Tập Cận Bình của CSTQ tương tự với tương quan giữa TT Lukashenko của Belarus và TT Putin của LB Nga. Đó là tương quan giữa một chủ nhân đế quốc và một chư hầu dễ sai bảo. Sự kiện Nguyễn Phú Trọng bị triệu tập triều kiến Hoàng Đế Tập Cận Bình ngay sau Đại Hội đảng CSTQ cũng là điều dễ hiểu.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Ông Nguyễn Phú Trọng đi ‘chầu’ Bắc triều?” sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.
Hiếu Chân
Truyền thông trong và ngoài nước đưa tin ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30 Tháng Mười tới ngày 2 Tháng Mười Một.
Ông Trọng là lãnh tụ đảng Cộng Sản – thực chất là nhà lãnh đạo quốc gia – đầu tiên tới Trung Quốc ngay sau khi đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ) hoàn tất đại hội toàn quốc lần thứ 20 hôm 23 Tháng Mười. Tại đây, Tổng Bí Thư Tập Cận Bình được bầu nhiệm kỳ thứ ba và thiết lập bộ máy cai trị toàn những tay chân thân tín của ông.
Do đảng CSVN
công bố rất ít thông tin về chuyến đi của ông Trọng nên khó biết được tại sao
ông lại xuất ngoại sau hơn ba năm “tự cấm cung” và đi vội vã như thế trong lúc
sức khỏe của ông không tốt như ông thể hiện trong những dịp hiếm hoi xuất hiện
trước công chúng. Liệu có phải ẩn trong “lời mời” của ông Tập Cận Bình có sự
hối thúc nào đó mà ông Trọng không thể trì hoãn được?
Nếu có một sự
thay đổi đáng chú ý trong đường lối của đảng CSTQ trình bày tại đại hội 20 thì
đó là Trung Quốc sẽ ưu tiên cho an ninh và quốc phòng hơn là tăng trưởng kinh
tế nhằm thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” của ông Tập – khôi phục vị thế lịch sử
của Trung Quốc như một cường quốc trung tâm của thế giới. Để thực hiện tham
vọng này, Trung Quốc sẽ thâu tóm Đài Loan và các vùng lãnh thổ của đế chế Trung
Hoa cũ, thống nhất đất nước và có đủ năng lực cạnh tranh với Hoa Kỳ trong tất
cả các lĩnh vực, từ kinh tế, khoa học công nghệ đến quân sự.
Ông Tập dường như đang nóng ruột.
Tại đại hội
20, ngoài việc đưa vào cơ quan lãnh đạo chóp bu của đảng CSTQ những tay chân
thân tín của mình, ông Tập còn đưa vào Quân Ủy Trung Ương mà ông kiêm chức chủ
tịch những tướng lãnh có kinh nghiệm chiến trường, tướng lãnh phụ trách mặt
trận Đài Loan và chỉ huy các binh chủng hiện đại như hỏa tiễn. Quân Ủy Trung
Ương là cơ quan chỉ huy tối cao của quân đội Trung Quốc, nắm được chức cao nhất
ở đây thì cũng quan trọng ngang với nắm chức tổng bí thư đảng hoặc thủ tướng
Trung Quốc.
Thời gian gần đây, Bắc Kinh có nhiều điều không hài lòng với Hà Nội, nhất là việc Việt Nam ngày càng có biểu hiện thân thiện với Hoa Kỳ. Trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập hơn năm năm qua, kể từ sau đại hội 12 đảng CSVN vào Tháng Giêng, 2017, ông Trọng đã không sang Bắc Kinh “triều cống.” Ngay cả sau đại hội 13 vào đầu năm 2021 ông Trọng cũng không đích thân sang “báo cáo” như thông lệ mà chỉ cử quan chức cấp bộ làm sứ thần.
Trong khi đó, ông Trọng đã tiếp thân mật nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Hoa Kỳ như Phó Tổng Thống Kamala Harris và Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin. Việt Nam cũng đang ráo riết vận động để Tổng Thống Joe Biden của Mỹ sớm sang thăm Việt Nam. Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ có thể nói đang ổn tới mức Hoa Kỳ xếp Việt Nam – cùng với Singapore – làm đối tác an ninh hàng đầu trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sẵn sàng viện trợ đáng kể cho Việt Nam và bỏ qua những hành vi vi phạm nhân quyền và bất hảo của Hà Nội.
Bắc Kinh có đôi lần cảnh cáo Hà Nội tránh xa Hoa Kỳ bằng những thủ đoạn như đóng cửa biên giới với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, không viện trợ vaccine COVID-19 cho Việt Nam như cho các nước ASEAN khác. v.v… nhưng những cây gậy đó càng làm cho Việt Nam thêm khó xử. Đảng CSVN – giống như một bản sao thu nhỏ của đảng CSTQ – đang bị kẹt giữa một bên là sức ép của đảng CSTQ đàn anh và một bên là sức phản kháng của người dân Việt Nam trước thủ đoạn của Bắc Kinh. Một cuộc khảo sát dư luận của Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore ghi nhận có tới 84% người dân Việt Nam tin tưởng và có thiện cảm với Hoa Kỳ, làm cho nhà cầm quyền khó xử mỗi khi muốn mềm mỏng với Trung Quốc.
Người Trung Quốc thường nói: “Quét trong nhà trước, quét ngoài ngõ sau.” Sau khi dẹp xong các phe phái chống đối, thâu tóm quyền lực trong đảng CSTQ, phải chăng đã đến lúc ông Tập bắt đầu quét ngoài ngõ, mà đảng CSVN được chọn để chiếu cố đầu tiên?
Lần này, việc ông Tập mời ông Trọng sang Bắc Kinh ngay sau đại hội đảng có thể là nhằm nắn gân đảng CSVN, lôi kéo đảng CSVN và nhà nước Việt Nam trở lại với cái gọi là “cộng đồng chung vận mệnh,” với các phương châm “4 tốt” và “16 chữ vàng” đã mất sức quyến rũ. Nếu nhất thời ông Tập chưa thành công trong việc biến Việt Nam thành một “chư hầu” dựa trên mối quan hệ anh em của hai đảng Cộng Sản thì ít ra ông cũng sẽ gây áp lực buộc đảng CSVN phải rời xa Hoa Kỳ và công khai thể hiện một lập trường gắn bó với Trung Quốc hơn nữa.
Chuyến đi của ông Trọng, do vậy, sẽ không phải là chuyến thăm viếng bình thường, “thể hiện mối quan hệ và tình cảm tốt đẹp giữa đảng Cộng Sản hai nước và có thể là giữa cá nhân ông với ông Tập” như một nhận định trên trang BBC Tiếng Việt.
Trong điện văn chúc mừng ông Tập trúng cử nhiệm kỳ thứ ba, ông Trọng bày tỏ: “Tôi mong sớm được gặp lại đồng chí để chúng ta cùng nhau đi sâu trao đổi những vấn đề chiến lược, góp phần tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, đề ra những định hướng lớn cho tương lai phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước.”
Định hướng tương lai thế nào thì còn phải chờ xem, nhưng e rằng với thân phận đàn em, ông Trọng và đảng CSVN khó mà cưỡng lại nổi sức ép của “hoàng đế” Tập Cận Bình. Và đó có thể là một chuyện buồn nữa cho đất nước. [đ.d.]
No comments:
Post a Comment