Bao lâu mà CSVN còn chủ trương cướp đất nhân dân qua điều 53 hiến pháp quy định: “Đất đai… thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” thì Luật đất đai của tập thể bại hoại này sửa thì cứ sửa, càng sửa càng sai. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Luật Đất Đai: Sửa thì cứ sửa…” sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.
Truyền thông trong nước đồng loạt loan
tin chính phủ Việt Nam hôm 14 Tháng Mười Một ban hành kế hoạch hoàn thiện dự án
Luật Đất Đai (sửa đổi), giao Bộ Tài Nguyên và Môi Trường (TNMT) cùng các bộ,
ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa
đàm lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật, sau đó lập báo cáo trình chính phủ trước
ngày 10 Tháng Ba, 2023, chuẩn bị để sửa luật đất đai vào Tháng Mười, 2023.
Chuyện này không mới, cứ 10 năm thì nhà cầm quyền cộng sản lại sửa luật đất đai một lần. Nhưng như người trong nước thường nói “sửa thì cứ sửa, sai thì cứ sai” và cái vòng luẩn quẩn “sửa-sai-sửa…” cứ lặp đi lặp lại đến nhàm chán.
Trong khi đó, mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân trong lĩnh vực đất đai cứ ngày càng quyết liệt, dẫn tới nhiều vụ tù tội và đổ máu như vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng, vụ Đặng Ngọc Viết ở thành phố Thái Bình, và đỉnh cao của sự tàn bạo là vụ Đồng Tâm ở ngoại thành Hà Nội … Chỉ cần vào Google tìm thông tin “tranh chấp đất đai ở Việt Nam” đã có ngay 14.9 triệu kết quả trong vòng 15 giây.
Hằng ngày, trước các cơ quan công quyền, thậm chí ở cửa nhà các quan lớn ở Hà Nội và Sài Gòn, không ngớt cảnh hàng trăm người dân tụ tập đưa đơn kiến nghị, treo khẩu hiệu đòi đất… Trong xã hội hình thành một lớp người đặc biệt, gọi là “dân oan” – là những người bị tước đoạt đất đai nhà cửa, phải sống lây lất nơi vườn hoa, hè phố, đội đơn đi khiếu nại ròng rã hàng chục năm trời. Thảm cảnh của người dân Thủ Thiêm, vườn rau Lộc Hưng ở Sài Gòn không ai không biết.
Thực tế đó chứng tỏ, sửa đổi luật đất
đai để trả lại sự công bằng là một công việc cấp thiết của việc quản trị quốc
gia. Nhưng luật đã nhiều lần sửa đổi mà tình hình không được cải thiện, dân oan
ngày càng đông đảo và số phận của họ càng bi thảm. Thế là thế nào?
Cốt lõi của vấn đề nằm ở đường lối của đảng Cộng Sản: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu thống nhất quản lý.” Đường lối này đã tước bỏ quyền sở hữu đất đai của người dân đối với tài sản mà họ tích cóp được hoặc thừa kế được từ tổ tiên ông bà.
Với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, nhà nước cộng sản được toàn quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đất đai, không cho phép tồn tại bất cứ hình thức sở hữu nào khác ngoài hình thức sở hữu toàn dân về đất đai do nhà nước là người đại diện. Người dân không có quyền sở hữu mà chỉ được sử dụng đất trong một thời gian nhất định, và quyền sử dụng đó có thể bị nhà nước “thu hồi” bất cứ lúc nào, vì bất cứ lý do gì mà không được bồi thường hoặc bồi thường với giá rẻ mạt so với giá trị thị trường của diện tích đất bị thu hồi.
Người cộng sản biết những chuyện này không? Biết rất sớm và rất rõ. Trước khi cướp được chính quyền hồi Tháng Tám, 1945, đảng CSVN đã lợi dụng tâm lý thèm khát ruộng đất của nông dân Việt Nam để lôi kéo họ đi theo “cách mạng.” Đảng Cộng Sản biết rõ, người nông dân sẵn sàng đi theo đảng để thực hiện ước mơ làm chủ ruộng vườn thay vì cúi mặt làm thuê cho địa chủ và bị bóc lột thậm tệ như được miêu tả trong các tiểu thuyết của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng. Trong cuốn “Vấn đề dân cày,” xuất bản năm 1939, Qua Ninh và Vân Đình – tức Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp – đã lên án gay gắt tình trạng bất công về ruộng đất, thảm cảnh của người nông dân đồng bằng sông Hồng, hứa hẹn quyền sở hữu ruộng đất cho dân cày sau cách mạng, như ở Liên Xô thời đó. Lý luận đó đã quyến rũ không ít người, kể cả trí thức, đi theo lá cờ búa liềm của đảng CSVN.
Thế nhưng, sau khi chiếm được một nửa đất nước, chính sách quan trọng nhất của đảng CSVN là tước bỏ quyền tư hữu ruộng đất của nông dân, bắt buộc mọi người phải vào hợp tác xã – nơi “mọi người làm việc bằng ba/để cho chủ nhiệm xây nhà xây sân!” Sự kiệt quệ, thiếu đói triền miên của miền Bắc suốt mấy chục năm trước năm 1975 có phần do chính sách sai lầm về công hữu ruộng đất.
Tại sao không thể từ bỏ?
Đảng CSVN kiên trì bám giữ chủ trương “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” vì theo học thuyết của Marx, chế độ công hữu đất đai – cũng như mọi thứ “tư liệu [phương tiện] sản xuất” khác – là nguyên lý nền tảng của chủ nghĩa cộng sản: Bãi bỏ quyền tư hữu. Bỏ công hữu ruộng đất, “biến thành tư bản bóc lột” là chuyện mà đảng CSVN cố tránh cho dù hiện nay ở Việt Nam chủ nghĩa cộng sản chỉ còn là cái vỏ bề ngoài che đậy một thể chế độc tài toàn trị cộng sinh trên một nền kinh tế tư bản hoang dã.
Hơn thế nữa, việc nắm quyền sở hữu đất và tùy tiện ban phát cho bè cánh là môi trường để các quan chức tham nhũng, vơ vét lợi ích quốc gia. “Đốt lò,” “chống tham nhũng” mà không giải quyết tận gốc rễ vấn đề quyền sở hữu đất thì cũng chỉ là trò mị dân che đậy các cuộc thanh trừng phe phái. Còn nếu trả quyền tư hữu cho dân, chặt đứt mối quan hệ cộng sinh giữa quan chức đảng với giới doanh thương cá mập thì đảng CSVN có nguy cơ bị sụp đổ từ bên trong do các đảng viên không còn trục lợi được từ quyền lực của tấm thẻ đảng.
Lần này, theo tường thuật của báo chí
trong nước, kế hoạch sửa đổi luật đất đai sẽ nhằm vào các vấn đề như căn cứ định
giá đất và bồi thường, cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất, sự tương thích của luật
đất đai với những luật khác v.v… Toàn là những chuyện “râu ria,” chỉ nhắm khai
thác được nhiều nhất, dễ nhất nguồn lợi từ đất đai mà chẳng quan tâm tới nỗi bức
xúc của xã hội. Nếu sửa luật đất đai chỉ để “nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp
thời các quan điểm, chủ trương của đảng về quản lý và sử dụng đất
đai” như phát biểu của ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường,
thì người dân không có hy vọng gì về một sự thay đổi. [đ.d.]
No comments:
Post a Comment