Friday, November 11, 2022

THÀNH TÍCH “ĐỐT LÒ” CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Quan Điểm

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng rất tự hào về cái gọi là “Lò Đốt Tham Nhũng” của Ông. Chẳng thế mà ông đã hả hê tuyên bố “Lò nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy!” Thế nhưng kể từ khi “lò đốt” của ông ra đời, tình trạng tham nhũng trong đảng CSVN đã diễn biến ra sao?

Mời quý thính giả theo dõi bài Quan Điểm của Lực Lượng Cứu Quốc với tựa đề “Thành tích ‘ĐỐT LÒ’ của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng” do Hải Nguyên trinh bày sau đây.

Thưa quý thính giả,

Trong buổi điều trần tại Quốc Hội chiều ngày 4 tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, đã có 20,300 đảng viên bị xử lý kỷ luật, kể cả bi xử hình sự. Con số này tương đương với 1% tổng số công-viên chức của bộ máy hành chánh Việt Nam. Trong số bị kỷ luật này, đã có đến 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, tức là những quan chức cấp Bộ trưởng, Thứ Trưởng, hoặc thấp nhất cũng là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố, vv... Cần lưu ý là các con số vừa nêu chỉ là số liệu mà đảng CSVN công bố. Trong thực tế, chắc chắn con số này phải nhân lên gấp 5, gấp 7 lần hơn.

Đồng thời, ngày 2 tháng 6 năm nay, đảng CSVN đã ban hành Quy định số 67-QĐ/TƯ của Ban Bí thư về “Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Nói cách khác, kể từ tháng 6, bên cạnh Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương do Tổng Bí Thư đích thân điều động, đảng CSVN còn đẻ ra thêm 63 Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và thành phố trên cả nước. Có dư luận cho rằng, không lâu nữa đảng CSVN lại sẽ lại bày ra thêm Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp huyện, rồi cấp xã, cấp phường. Cuối cùng số lượng nhân sự làm công tác phòng chống tham nhũng có thể sẽ ngang bằng, hoặc còn đông hơn cả số công, nhân viên nhà nước!

Hai sự kiện trên cho thấy sự nghiệp “phòng chống tham nhũng” trong hơn 11 năm làm Tổng bí thư đảng CSVN của ông Nguyễn Phú Trọng đã hoàn toàn thất bại.

Thật vậy, kể từ ngày cầm đầu đảng CSVN qua Đại Hội 11 năm 2011, ông Trọng đã dành mọi nỗ lực để “dẹp tham nhũng” trong đảng. Cao điểm của nỗ lực này là chiến dịch “lò đốt tham nhũng” ông đề ra năm 2017 với chủ trương “Lò nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy!”.  Ở bất cứ đâu, và trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông Trọng cũng nói đến “lò đốt tham nhũng” của Ông! Có thể nói, đối với TBT Nguyễn Phú Trọng, tham nhũng là mối lo hàng đầu, là một “quốc nạn” vì, theo ông, đó là hiểm họa quan trọng nhất đe dọa đến ngôi vị lãnh đạo độc tôn của đảng CSVN!

Sự thất bại này đã được chính ông Trọng xác nhận qua phát biểu kết luận phiên họp Ban Chỉ đạo trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 20 tháng 1 năm 2022, nguyên văn như sau, xin trích: “Vì sao chống mạnh như thế mà tham nhũng không giảm, vẫn trơ ra như vậy? Có những vụ sai phạm diễn ra ngay trong quá trình kiểm tra. Trong lúc củi lửa phừng phừng như thế mà vẫn có những vụ án tham nhũng ngang nhiên trắng trợn. Liệu có ai chống lưng?”

Rõ ràng câu hỏi này của ông Trọng đã xác nhận sự bất lực của Ông trong việc đối đầu với tệ nạn tham nhũng.

Tuy nhiên, nếu khách quan nhận định, không ai ngạc nhiên về sự thất bại của ông Nguyễn Phú Trọng, nói riêng, và của tập đoàn đầu sỏ đảng CSVN nói chung khi đối đầu với tệ nạn tham nhũng trong suốt mấy chục năm qua. Lý do là vì “tham nhũng” phát suất từ lòng tham, một phó sản của sự ham thích muốn được đày đủ, sung túc. Đây là bản chất tự nhiên của con người, dù sinh ra ở đâu, vào thời nào cũng vậy. Cho nên, đã là con người, nếu không bị kiểm soát một cách gắt gao, trừng trị bằng những hình phạt nặng nề, thì ai cũng dễ dàng bị lòng tham thúc đẩy để tham nhũng.

Vì vậy, tệ nạn tham nhũng của các quan chức trong bộ máy cầm quyền đã xẩy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, từ Âu sang Á. Nhưng điểm đáng nói là tệ trạng tham nhũng của quan chức ở các nước khác chỉ là những trường hợp hiếm hoi, cá biệt, trong khi nạn tham nhũng của các quan chức ở Việt Nam có tính cách tràn lan và kéo dài liên tục, như chính các tay đầu sỏ CSVN đã thú nhận trong bao năm qua.

Lý do là vì ở các nước theo thể chế dân chủ tam quyền phân lập, các đảng phái đối lập và hệ thống báo chí tự do luôn theo dõi, canh chừng hành vi các quan chức cầm quyền, khiến thành phần này không giám lộng hành. Ngược lại, tại Việt Nam, đảng CSVN là đảng cầm quyền duy nhất một cách tuyệt đối và vĩnh viễn. Vị trí độc tôn này của đảng CS đã được hiến định hóa qua điều 4 hiến pháp của Việt Nam. Với vị thế đứng trên và đứng ngoài luật pháp như vậy, các đảng viên đảng CS đã tự tung, tự tác, bao che cho nhau, dung dưỡng nhau, mọi biện pháp phòng chống tham nhũng chỉ là hình thức, hoặc chỉ để phe nhóm thanh toán lẫn nhau.

Chính vì vậy, tại Việt Nam, để tận diệt tệ nạn tham nhũng, phương cách duy nhất là loại bỏ đảng CSVN ra khỏi ngôi vị độc tôn thống trị đất nước.

Cám ơn quý thính giả đã theo dõi bài Quan Điểm của chúng tôi./.

 

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment